Cơn lốc huy động vốn kiểu đa cấp ở Tây Nguyên: Ma trận 'câu vốn' thời 4.0

Được sự giới thiệu của vài người quen có tên trong “Group Hoàng Gia Bắc Nam”, giữa tháng 10/2019, tôi gặp một nhóm 3 người tự xưng là nhà đầu tư của dự án trí tuệ nhân tạo thời 4.0 tại một quán cà phê ở thành phố Buôn Ma Thuột để tìm hiểu cách thức vay vốn, gọi vốn của họ.

avatar_1571876453647

Cảnh "hội nghị khách hàng" gọi vốn cho dự án Smartwallet (ảnh lớn); Thành viên dự án S. thuyết phục khách hàng rót tiền (ảnh nhỏ)

“Không cần hợp đồng ràng buộc”

Dự án có tên viết tắt là S., được quảng cáo là sản phẩm trí tuệ 4.0, chuyên kinh doanh dòng tiền đa quốc gia có trụ sở đặt tại Singapore. Anh Tuấn- Một trong 3 nhà đầu tư VIP của dự án cho hay: Cách thức đầu tư khá đơn giản, người tham gia chỉ cần chọn gói tiền đầu tư để “nuôi rô bốt”. 

Những con rô bốt này tự biết cách tính toán, kiếm tiền trên không gian mạng để mang về lợi nhuận cho nhà đầu tư. Có 6 gói đầu tư, gói nhỏ nhất là 100 USD, lớn nhất là 25.000 USD.

Đóng gói nào lợi nhuận cũng gấp 3 lần trở lên, nhưng từ mức 5.000 USD đến 25.000 USD thì sẽ vừa hưởng lãi khủng (1-1,4%/ngày) vừa được tài trợ đi du lịch Singapore miễn phí... 

Sau khi đóng tiền, mỗi nhà đầu tư sẽ được cấp một tài khoản riêng để đăng nhập vào hệ thống công ty. Tất cả mọi giao dịch đầu tư, trả lãi đều thực hiện trên hệ thống điện tử chứ không có bất kỳ hợp đồng ràng buộc nào.

Cơn lốc huy động vốn kiểu đa cấp ở Tây Nguyên: Ma trận 'câu vốn' thời 4.0 - Ảnh 2.

Ngoài ra, nhóm “đầu tư” này còn cho biết, nhiều người đã giàu to vì được hưởng tới 5% tổng vốn gọi được nếu rủ được nhiều bạn bè khác tham gia. 

Cách thức rất dễ: Chỉ cần tìm được người, mời ra quán cà phê, còn mọi việc cứ để chuyên gia của dự án S. lo. Cứ góp vốn trước, nhận lãi rồi cho người thân biết hoặc để chuyên gia dự án gặp người thân để chứng minh cho thấy tính thuyết phục của dự án cao như thế nào.  

Buổi “tư vấn” thường bị cắt ngang bởi điện thoại của nhóm liên tục reo và chúng tôi được giải thích rằng đó là các cuộc gọi của khách hàng đặt lịch góp vốn.

Đầu tư tiền ảo, chỉ cần… niềm tin

Ngày 9/10, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) diễn ra chương trình kêu gọi đầu tư tài chính công nghệ 4.0 của một công ty Việt Nam, được giới thiệu do ông Vũ T.C. làm Chủ tịch và nhà đồng sáng lập Lina Network, có trụ sở đặt tại Thụy Sĩ.

Một diễn giả tự xưng là ông Vũ T.C cùng các cộng sự thay nhau giới thiệu về sản phẩm công nghệ Blockchain do công ty tạo ra, để kêu gọi nhà đầu tư mua đồng tiền điện tử Lina do công ty phát hành. 

Người mua được hứa hẹn sẽ nhận lãi suất rất cao, kèm nhiều quyền lợi khi tham gia vào “hệ sinh thái” của công ty.

Tuy nhiên, khi khách hàng đặt những câu hỏi về tính pháp lý của dự án, cơ quan nào cấp phép, ai sẽ đứng ra hoàn tiền cho nhà đầu tư trong trường hợp công ty thua lỗ v.v… thì các vị này  trả lời “chưa có”, “luật chưa ra kịp”. 

Theo cách giải thích của họ, khách hàng đầu tư vào công nghệ Blockchain chỉ trên cơ sở một thứ duy nhất là “niềm tin”, chứ không có sự ràng buộc nào đủ tính pháp lý. Người mua tiền ảo Lina không được thoái vốn nửa chừng mà phải đầu tư theo gói 2 năm, 5 năm, 10 năm. 

Thấy dự án này quá nhiều rủi ro, nên nhiều “khách hàng tiềm năng” nghe nửa chừng đã bỏ về sớm.

Cũng cùng một phương thức huy động vốn, ngày 21/9/2019, tại một khách sạn ở trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột diễn ra một cuộc hội thảo nhằm huy động vốn đầu tư. Được nhóm nạn nhân trong “vụ lừa Hoàng Gia” cấp báo là họ được mời tới cuộc này để tiếp tục góp vốn, PV Tiền Phong đã đến dự, đồng thời báo cơ quan chức năng cùng theo dõi.

Nhóm người thuyết trình tự giới thiệu là nhân sự chủ chốt của Smartwallet, công ty có trụ sở ở TP Hồ Chí Minh. 

Khoảng 30 “khách hàng” đã cùng nghe một “chuyên viên tài chính” được giới thiệu tên Mr Vượng thao thao “nổ” về các chương trình đầu tư bảo đảm đem lại nguồn lợi nhuận rất hấp dẫn, có thể nói là “siêu khủng”. 

Trong đó với gói Supper VIP góp nhiều hơn được nhận lãi 1%/ngày, tương đương lợi nhuận hơn 5 triệu đồng mỗi ngày.

Trong hơn 1 tiếng đồng hồ, Mr Vượng đã giảng về bí quyết của những “ông chủ” thành công lừng lẫy do làm theo hệ thống huy động vốn kinh doanh được đông đảo thành viên tin dùng. Công cụ siêu phàm cày ra tiền cho hệ thống này là 2 con rô-bốt rất đặc biệt.

“Đây là dự án của 1 nhóm chuyên gia công nghệ đến từ Singapore, Hong Kong và Hàn Quốc. Họ hợp sức tạo ra 2 con rô-bốt trí tuệ nhân tạo cực kỳ thông minh, bậc nhất hiện nay trên thị trường. Hai con rô bốt này có thể tạo ra nguồn lợi nhuận rất cao để hệ thống trả lại cho các nhà đầu tư”.

Hiện nay, tại Đắk Lắk có rất nhiều “sàn” kêu gọi đầu tư tiền ảo như thế này, bởi các công ty mang tên gọi khác nhau, nhưng hình thức hoạt động na ná: Mở hội thảo, thuyết trình tại các nhà hàng, khách sạn sang trọng để lôi kéo khách góp vốn, hưởng lãi suất hấp dẫn, kéo thêm người vào để được hưởng hoa hồng... 

Thực tế, đồng tiền ảo chưa được cơ quan cấp phép, nhưng vì ham lãi lớn, rất nhiều người vẫn lao vào như thiêu thân.

Một chuyên gia tài chính đang công tác tại Agribank cho biết, trần lãi suất tiền gửi tại bất cứ ngân hàng nào cũng đều phải tuân thủ theo khung quy định chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước, không bao giờ có mức lãi nào cao đến như thế.

Người dân phải cảnh giác trước mọi chiêu lừa huy động vốn kiểu đa cấp trá hình này. Sao có thể tin được những kẻ lôi kéo moi tiền kiểu lừa bịp như vậy chứ? "– Chuyên gia cảnh báo.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/con-loc-huy-dong-von-kieu-da-cap-o-tay-nguyen-ma-tran-cau-von-thoi-40-20191024072744878.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/