Có thể giảm xuất khẩu cao su để ổn định giá

Nếu giá tiếp tục biến động mạnh, Thái Lan, Indonesia và Malaysia có thể sẽ cắt giảm xuất khẩu để ổn định lại giá cả sau khi giá giảm tới hơn 42% chỉ trong vòng gần 3 tháng.

Ba nước sẽ xem xét đến khả năng giảm xuất khẩu cao su để ổn định giá nếu giá mặt hàng này tiếp tục diễn biến thất thường, ông Titus Suksaard, Tổng giám đốc Cơ quan Quản lý Ngành hàng cao su Thái Lan, cho biết vào ngày 23/4.

co the giam xuat khau cao su de on dinh gia
Ba nước sản xuất cao su lớn có thể giảm xuất khẩu để ổn định giá. Ảnh: Reuters

Trong một phiên họp gần đây, ba nước sản xuất cao su lớn, gồm Thái Lan, Indonesia và Malaysia, đều chung nhận định rằng, giá cao su sẽ tiếp tục tăng nhờ một số yếu tố cơ bản, như nguồn cung hạn hẹp tại Thái Lan sau đợt mưa lũ nghiêm trọng hồi đầu năm nay; nhưng nhìn chung, giá vẫn sẽ biến động thất thường.

“Giá cao su vẫn biến động thất thường. Chúng tôi sẽ cố gắng đẩy giá cao su lên vì đợt lũ nghiêm trọng hồi đầu năm xảy ra ở Thái Lan đã kéo giảm sản lượng cao su của nước này; trong khi nông dân ở Ấn Độ và Indonesia cũng đang hạn chế lấy mủ,” ông Titus nói.

Theo đó, để bình ổn giá cao su trong thời gian tới, ba nước đồng thuận sẽ tăng nhu cầu tiêu thụ nội địa lên mức tối đa có thể, ông Titus cho hay.

Trong năm 2016, nhu cầu tiêu thụ cao su nội địa của Thái Lan chỉ đạt 600.000 tấn, so với tổng nguồn cung 4 triệu tấn. Kết quả là, chính phủ phải đặt mục tiêu tăng nhu cầu nội địa lên 1,2 triệu tấn/năm, đồng thời lên kế hoạch giảm diện tích cao su 64.000 ha/năm.

Giá cao su Thái Lan và Nhật Bản theo đó đã giảm 5,2% và 20,5% kể từ đầu năm nay khi lo ngại thiếu hụt nguồn cung tại Thái Lan được xoa dịu.

Theo ông, giá cao su phải cao hơn chi phí sản xuất ít nhất 20%. Tuy nhiên, giá cao su Thái Lan hiện đã giảm về 63 baht/kg (1,8 USD/kg) trong khi chi phí sản xuất đã là 50 baht/kg (1,4 USD/kg).

Đến tháng 7, ba nước sẽ tổ chức họp mặt lần hai để đánh giá về mức độ biến động của giá cao su.

Trước đó vào năm ngoái, ba nước này cũng từng giảm xuất khẩu cao su tới 700.000 tấn để hỗ trợ giá mặt hàng này. Ngoài ra, Malaysia, Indonesia và Ấn Độ cũng cam kết giảm diện tích trồng cao su để cắt giảm nguồn cung.

Cùng chung mục đích, Ủy ban Chính sách Cao su thiên nhiên Thái Lan vừa đồng ý mở rộng chương trình trợ cấp giá cao su lên tới 20 tỷ baht (577 triệu USD).

Trong đó gồm gói cho vay 10 tỷ baht cho các hợp tác xã cao su nhằm khuyến khích nông dân mua thêm cao su thô; và 10 tỷ baht còn lại để hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp chế biến cao su tư nhân trong quá trình sản xuất và mua cao su nguyên liệu từ hộ nông dân. Chương trình thứ nhất sẽ kéo dài đến ngày 31/3/2018 và chương trình thứ hai sẽ kéo dài đến tháng 4/2018 với mức lãi suất cho vay ưu đãi là 3%.

Với hai gói hỗ trợ tài chính này, chính phủ Thái Lan ước tính sẽ có tới 200.000 tấn cao su thô trong dân được tiêu thu trong năm nay. Giá cao su theo đó sẽ ổn định trở lại trong năm 2018, ông Titus cho biết.

Ngoài ra, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cũng yêu cầu các cơ quan có liên quan tăng cường mua cao su để đẩy giá phục hồi.

Thái Lan, Indonesia và Malaysia là ba nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới, chiếm 70% nguồn cung cao su của thế giới.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/co-the-giam-xuat-khau-cao-su-de-on-dinh-gia-19681.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/