|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Có thể bổ sung quy chế đấu giá đất để hạn chế doanh nghiệp có tiền lệ bỏ cọc

06:11 | 12/01/2022
Chia sẻ
Theo Luật sư Trần Minh Hải, Trường hợp người tham gia đã có những tiền lệ bỏ cọc, có thể sau này quy chế đấu giá được bổ sung thêm những quy định mới để lựa chọn doanh nghiệp ngay từ lúc đặt cọc.
Với những tiền lệ bỏ cọc, Tân Hoàng Minh có bị cấm tham gia đấu giá trong tương lai? - Ảnh 1.

Lô đất Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt - thành viên Tập đoàn Tân Hoàng Minh - trúng đấu giá mang ký hiệu 3-12 (10.060 m2). (Ảnh: ZingNews).

Thông tin ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh), đã có tâm thư gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước về việc việc tự nguyện xin đơn phương chấm dứt Hợp đồng mua bán đấu giá tài sản lô đất 3-12 khu chức năng số 3 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm một lần nữa gây xôn xao dư luận.

Trước đó tại phiên đấu giá ngày 10/12/2021, ông Đỗ Anh Dũng, đại diện nhóm Tân Hoàng Minh, đã mạnh tay đưa ra những bước giá lớn gấp nhiều lần so với đối thủ và trúng đấu giá lô đất 3-12 (10.060 m2) với giá 24.500 tỷ đồng, tương đương hơn 2,45 tỷ đồng/m2 - một mức giá mà cả giới đầu tư và giới chuyên gia đều đưa ra nhận định là "điên rồ", "không tưởng".

Tại thời điểm nhóm Tân Hoàng Minh trúng đấu giá đã có nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra: Tân Hoàng Minh đưa ra mức giá không tưởng để làm thương hiệu, đẩy giá chứng khoán; Tân Hoàng Minh đã thâu tóm nhiều đất xung quanh, giờ tạo ra một mặt bằng giá mới để thổi giá những lô đất khác; Tân Hoàng Minh sẽ ôm đất rồi sau vài năm bán lại kiếm lời; Tân Hoàng Minh đưa ra mức giá cao để đánh bại các đối thủ rồi cuối cùng sẽ bỏ cọc;...

Mặt khác, một số ý kiến cho rằng việc đưa ra kết luận vẫn còn quá sớm và hãy chờ đến khi doanh nghiệp nộp hơn 12.000 tỷ đồng.

Cụ thể theo quy chế đấu giá, Tân Hoàng Minh phải hoàn tất nghĩa vụ nộp 50% số tiền trúng đấu giá sau 30 ngày, tức doanh nghiệp phải nộp 12.250 tỷ đồng vào ngày 10/1 và nộp đủ 100% số tiền trúng đấu giá trong 60 ngày tiếp theo, tương đương nộp 24.500 tỷ đồng vào giữa tháng 3/2022.

Nếu Tân Hoàng Minh không nộp hoặc không nộp đủ tiền trúng đấu giá theo thời gian trên sẽ không được nhận lại tiền đặt cọc và số tiền này sẽ nộp vào ngân sách nhà nước.

Như vậy, với việc đơn phương chấm dứt Hợp đồng mua bán đấu giá tài sản lần này, hệ quả trước mắt là Tân Hoàng Minh sẽ mất gần 600 tỷ đồng tiền đặt cọc cho lô đất trước đó - điều mà ông Đỗ Anh Dũng khẳng định "không có chuyện bỏ tới gần 600 tỷ đồng tiền cọc để tự mang tiếng xấu cho mình" cách đây không lâu.

Kịch bản bỏ cọc của Tân Hoàng Minh cũng không quá bất ngờ đối với dư luận bởi trong quá khứ, nước đi này đã từng diễn ra tại khu đất ở trung tâm quận 1. Năm 2016, Tân Hoàng Minh từng lập kỷ lục trúng đấu giá lô đất 3.025 m2 tại số 23 Lê Duẩn với giá 1.430 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với giá khởi điểm. Đây cũng là mức giá cao nhất trong vòng 7 năm tính tại thời điểm đó.

Tuy nhiên, phía doanh nghiệp gửi văn bản đề nghị hủy kết quả đấu giá khu đất này sau khi TP HCM phê duyệt kết quả đấu giá. Sau đó, Tân Hoàng Minh phải nộp thêm gần 264 tỷ đồng tiền chậm nộp tiền trúng đấu giá. Tổng số tiền Tân Hoàng Minh chi cho khu đất này gần 1.800 tỷ đồng. Hiện nay, khu đất này là công trình trụ sở văn phòng của Techcombank.

Trường hợp người tham gia đã có những tiền lệ xấu, có thể sau này quy chế đấu giá được bổ sung thêm những quy định mới để lựa chọn doanh nghiệp ngay từ lúc đặt cọc.

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico

Với những tiền lệ xấu về đấu giá, cụ thể là trả giá cao rồi bỏ cọc, liệu Tân Hoàng Minh có bị cấm tham gia đấu giá trong tương lai? 

Trao đổi với người viết, Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico, cho biết thông thường theo quy chế đấu giá, ngay từ lúc doanh nghiệp được lựa chọn và đặt cọc, nghĩa vụ người tham gia đấu giá đơn thuần nằm ở vấn đề đặt cọc. 

"Trường hợp người tham gia đã có những tiền lệ xấu, có thể sau này quy chế đấu giá được bổ sung thêm những quy định mới để lựa chọn doanh nghiệp ngay từ lúc đặt cọc.

Quy chế đấu giá tài sản được thiết lập ngay từ đầu, đã có những nội dung bắt buộc nhưng không ai có thể cấm cản quy chế đấu giá bổ sung thêm những nội dung khác. 

Trong đó, quy chế đấu giá có thể cụ thể hóa các trường hợp bị truất quyền tham gia đấu giá như trường hợp bên tham gia đấu giá có lịch sử cản trở quá trình đấu giá trong quá khứ", Luật sư Hải chia sẻ.

Nói thêm về sự kiện đấu giá đất rồi bỏ cọc của Tân Hoàng Minh lần này, Luật sư Hải cho rằng trước hết cần nhìn vấn đề theo góc độ một cuộc đấu giá thông thường. Ở trường hợp này, doanh nghiệp đã vi phạm quy chế đấu giá, phải chịu trách nhiệm khi không thực hiện được nghĩa vụ theo quy chế đấu giá, tức sẽ mất cọc (tương đương khoảng 600 tỷ đồng).

Trong trường hợp xác định được Tân Hoàng Minh cản trở quá trình đấu giá hoặc có những dấu hiệu nghiêm trọng hơn, cơ quan chức năng có quyền xem xét và cần phải xử lý để tạo tiền đề cho những trường hợp sau.

Nguyên Ngọc