Cổ phiếu tâm điểm 6/2: DGW, GMD, PAN

Một số cổ phiếu đáng chú ý được các công ty chứng khoán đưa ra gồm: DGW (Digiworld), GMD (Gemadept) và PAN (Tập đoàn PAN).

DGW - Tín hiệu bán

CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC)

Phân tích:

Chỉ số danh mục đầu tư của Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YS30) đóng cửa ở mức 84,82 điểm (giảm 0,2% so với phiên giao dịch trước) với khối lượng giao dịch giảm mạnh cho thấy áp lực bán giảm.

Đồng thời, đồ thị giá vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên nhóm phân tích tiếp tục nghiêng về kịch bản đi ngang với biến độ hẹp quanh đường trung bình 20 phiên trong những phiên giao dịch tới, đặc biệt dòng tiền sẽ phân hóa giữa các cổ phiếu. Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn của chỉ số YS30 vẫn duy trì ở mức tăng.

Hệ thống chỉ báo xu hướng ngắn hạn của Yuanta Việt Nam xuất hiện tín hiệu bán cổ phiếu DGW cho nên các nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục cơ cấu danh mục ngắn hạn.

 Đồ thị kỹ thuật cổ phiếu DGW. (Nguồn: TradingView).

GMD - Tích cực

CTCP Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN)

Điểm nhấn kỹ thuật:

Kháng cự ngắn hạn: 58

Hỗ trợ ngắn hạn: 49

Xu hướng ngắn hạn: Tăng

Xu hương trung hạn: Đi ngang

Xu hướng dài hạn: Đi ngang

Phân tích:

EPS dự phóng đạt mức 5.235 đồng/cổ phiếu, tương ứng với mức P/E dự phóng đạt 9,8 lần thấp hơn so với mức trung bình 5 năm của doanh nghiệp tại 17,0x. Vì vậy, Mirae Asset Việt Nam đánh giá tích cực về GMD trong dài hạn.

Dưới góc nhìn kỹ thuật, GMD sau khi vượt được ngưỡng kháng cự mạnh tại 49,000 đồng/ cổ phiếu. Hiện tại đang có xu hướng tích lũy cho nhịp tăng tiếp theo. Ngưỡng 49.000 đồng/cổ phiếu được xem xét là một ngưỡng hỗ trợ mạnh cho GMD trong ngắn hạn. 

  Đồ thị kỹ thuật cổ phiếu của GMD. (Nguồn: TradingView). 

PAN - Kỳ vọng mảng nông dược năm 2023 có thể tăng trưởng 15 - 20% 

CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

Phân tích:

Theo báo cáo cập nhật của Chứng khoán KB Việt Nam, Tập đoàn PAN kỳ vọng mảng nông dược có thể tăng trưởng 15 - 20% trên kịch bản cơ sở nhờ tận dụng quan hệ chiến lược với Syngenta để tiếp tục tăng quy mô doanh thu và lợi nhuận.

Đối với mảng thuỷ sản, mặc dù bối cảnh chung toàn ngành trong năm tới vẫn còn nhiều thách thức nhưng ban lãnh đạo vẫn kỳ vọng các công ty con của tập đoàn tiếp tục duỳ trì tốc độ tăng trưởng nhờ tập trung chiến lược nâng cao khả năng tự chủ, các nhà máy mới ở điều kiện sẵn sàng sản xuất là động lực đẩy mạnh sản lượng khi thị trường hồi phục vào cuối năm 2023.

Mảng thực phẩm tiêu dùng kỳ vọng tăng trưởng cao trên cơ sở xuất hiện những dấu hiệu hồi phục tích cực từ quý IV/2022. PAN cũng sẽ tận dụng việc Trung Quốc mở cửa lại để thúc đẩy doanh thu mảng hạt và hoa quả sấy bởi đây là thị trường chiến lược, chiếm 50% cơ cấu doanh thu mảng hạt. 

Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/co-phieu-tam-diem-62-dgw-gmd-pan-2023251218876.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/