Cổ phiếu tâm điểm 25/11: VNM, NT2, GMD

Một số cổ phiếu đáng chú ý được các công ty chứng khoán đưa ra gồm: VNM (Vinamilk), NT2 (Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2) và GMD (Gemadept).

NT2 - Dòng tiền ngắn hạn cải thiện 

CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC)

Phân tích: 

Stock Rating của NT2 đóng cửa ở mức 90 điểm cho nên mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này là tích cực. Đồ thị giá của NT2 đóng cửa phiên 23/11 tăng 4,2% và đồ thị giá vượt lên trên đường trung bình 20 phiên với khối lượng giao dịch tăng 35% so với phiên trước đó và vẫn dưới mức trung bình 20 phiên.

Đồng thời, đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn nên có thể sẽ còn biến động quanh đường trung bình 20 phiên và các nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế mua đuổi tại các nhịp tăng mạnh.

Ngoài ra, dòng tiền ngắn hạn cải thiện hơn. Xu hướng ngắn hạn của NT2 cũng được nâng lên mức tăng. Do đó, nhóm phân tích khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét mua cổ phiếu NT2 ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5% và tăng tỷ trọng khi xu hướng ngắn hạn của thị trường tích cực hơn. 

Đồ thị kỹ thuật cổ phiếu NT2. (Nguồn: TradingView). 

GMD - Tín hiệu mua

CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC)

Phân tích: 

Chỉ số danh mục đầu tư của Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YS30) đóng cửa phiên 23/11 tăng nhẹ 0,8% và biến động hẹp với khối lượng giao dịch giảm mạnh dưới mức trung bình 20 phiên.

Đồng thời, đồ thị giá vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên đồ thị giá có thể sẽ tiếp tục biến động hẹp trong những phiên giao dịch tới. Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn của chỉ số YS30 vẫn duy trì ở mức giảm.

Hệ thống chỉ báo xu hướng của công ty chứng khoán xuất hiện tín hiệu mua cổ phiếu GMD cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét mua với tỷ trọng thấp dưới 5% và tăng dần tỷ trọng khi xu hướng ngắn hạn của chỉ số YS30 tích cực hơn.

Đồ thị kỹ thuật cổ phiếu GMD. (Nguồn: TradingView).  

VNM - Kỳ vọng biên lợi nhuận gộp cải thiện 

CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

Phân tích:

Theo báo cáo mới đây của KBSV, Vinamilk đã ký hợp đồng chốt giá sữa bột trong 3 - 6 tháng tới, với xu hướng giá nguyên liệu này đang giảm mạnh từ đỉnh, nhóm phân tích kỳ vọng biên lợi nhuận gộp sẽ được cải thiện đáng kể từ quý IV năm nay. Mặc dù lãi suất và đồng USD tăng sẽ làm tăng chi phí của các nhà nhập khẩu, giá sữa bột giảm mạnh hơn sẽ bù đắp được phần nào vấn đề này.

Chứng khoán KB Việt Nam duy trì mức biên lãi gộp cả năm 2022 là hơn 41%. Với 3 dự án trang trại bò sữa, nhóm phân tích ước tính quy mô đàn bò của VNM sẽ tăng thêm 20.000 - 30.000 con bò, qua đó nâng khả năng tự chủ sữa nguyên liệu thêm 18%. Nhà máy sữa tại Hưng Yên và Mộc Châu dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2025, công suất sản xuất của VNM sẽ tăng thêm 30 - 40%.

Các nhà phân tích điều chỉnh dự phóng doanh thu thuần và lãi sau thuế năm 2022 lần lượt đạt 62.278 tỷ đồng (tăng 2,23% so với cùng kỳ) và 9.507 tỷ đồng (giảm 10,5%). Với năm 2023, doanh thu thuần có thể đạt 65.081 tỷ đồng (tăng 4,5%), lãi sau thuế đạt 10.105 tỷ đồng (tăng 6,2%).

Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/co-phieu-tam-diem-2511-vnm-nt2-gmd-2022112418830504.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/