Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: VCB, BID, CTG khởi sắc, vốn hóa toàn ngành tăng gần 21.500 tỉ đồng

Trong tuần từ ngày 9/12 đến 13/12, giá trị vốn hóa 18 cổ phiếu ngân hàng niêm yết tăng 2,4%, đạt 903.488 tỉ đồng. Khối lượng giao dịch ở mức hơn 182 triệu cp, tương ứng với giá trị đạt 3.466 tỉ đồng.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: VCB, BID, CTG khởi sắc, thanh khoản toàn ngành tăng gần 21.500 tỉ đồng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Nguồn: Taichinhplus)

Vốn hóa toàn ngành tăng gần 21.500 tỉ đồng

Kết thúc tuần tuần giao dịch vừa qua (9/12 - 13/12), giá trị vốn hóa của 18 ngân hàng niêm yết trên hai sàn và giao dịch tại thị trường UPCoM đạt 903.488 tỉ đồng, tăng gần 21.500 tỉ đồng so với mức đóng cửa tuần trước (ngày 6/12), tương ứng với mức tăng 2,4%.

Trong đó, Vietcombank tiếp tục là nhà băng có vốn hóa lớn nhất thị trường ở mức 327.865 tỉ đồng, chiếm hơn 36% tổng vốn hóa ngành ngân hàng và gấp 2,3 lần ngân hàng xếp thứ hai là BIDV (vốn hóa 143.244 tỉ đồng).

Ngược lại, NCB, Kienlongbank và VietBank tiếp tục là ba ngân hàng có vốn hóa thấp nhất ngành, lần lượt ở mức 2.920 tỉ đồng, 3.237 tỉ đồng và 6.285 tỉ đồng.

Tuần qua, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước ghi nhận sự tăng mạnh về vốn hóa và là động lực tăng trưởng chính của toàn ngành. Cụ thể, vốn hóa Vietcombank tăng 4,1%, tương đương gần 13.000 tỉ đồng; BIDV tăng 5,7%, tương đương gần 7.700 tỉ đồng và VietinBank tăng 1,5%, tương đương hơn 1.100 tỉ đồng.


11/18 cổ phiếu ngân hàng tăng giá

Trong tuần qua, có tới 11/18 cổ phiếu ngân hàng tăng giá. Trong đó, NVB là cổ phiếu tăng mạnh nhất (7,8%). Đứng sau NVB về mức tăng giá là ba cổ phiếu của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước. Cụ thể, BID (BIDV) tăng 5,7%; VCB (Vietcombank) tăng 4,1% và CTG (VietinBank) tăng 1,5%.

Ở chiều ngược lại, chỉ có 5 cổ phiếu ngân hàng giảm giá trong tuần qua với VBB (VietBank) giảm mạnh nhất (6,3%). Đáng chú ý, VBB là cổ phiếu vừa lên giao dịch trên thị trường UPCoM từ cuối tháng 7 và liên tục có những biến động mạnh về giá kể từ đó đến nay.

Cùng với VBB, TPB và SHB là hai mã giảm mạnh trong tuần, lần lượt ở mức 3,2% và 1,6%. Hai mã ngân hàng giảm giá còn lại là EIB (giảm 0,9%) và MBB (giảm 0,2%). Hai mã đứng giá trong tuần gồm có TCB và KLB.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: VCB, BID, CTG khởi sắc, thanh khoản toàn ngành tăng gần 21.500 tỉ đồng - Ảnh 3.

Biến động giá 18 mã cổ phiếu ngân hàng trong tuần 9/12 - 13/12 (Nguồn: QT tổng hợp)

TCB dẫn đầu thanh khoản

Xét về thanh khoản, trong tuần có tổng cộng gần 182 triệu cp ngân hàng được giao dịch tương ứng với giá trị đạt 3.466 tỉ đồng, tăng 45,5% về khối lượng và tăng 43,6% về giá trị so với tuần trước.

Trong đó, TCB là mã có khối lượng giao dịch lớn nhất với gần 33,9 triệu đơn vị được trao tay, tương ứng giá trị hơn 772 tỉ đồng. 

Xếp tiếp sau TCB về thanh khoản lần lượt là EIB với gần 30,6 triệu cp và NVB với hơn 29,8 triệu cp…

Ở chiều ngược lại, VBB, BAB và KLB là ba cổ phiếu có khối lượng giao dịch thấp nhất tuần, lần lượt ở mức 117.000 cp, 15.200 cp và 11.700 cp.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: VCB, BID, CTG khởi sắc, thanh khoản toàn ngành tăng gần 21.500 tỉ đồng - Ảnh 4.

Khối lượng giao dịch 18 cổ phiếu ngân hàng trong tuần 9/12 - 13/12 (Nguồn: QT tổng hợp)

Xét về phương thức giao dịch, tuần qua có hơn 88 triệu cổ phiếu được giao dịch theo phương thức khớp lệnh trên sàn, tương ứng với giá trị giao dịch đạt 1.766 tỉ đồng, chiếm 48% về khối lượng và 51% về giá trị. 

Gần 94 triệu cp còn lại được giao dịch theo hình thức thỏa thuận với giá trị đạt 1.700 tỉ đồng; tăng gần 60 triệu cổ phiếu, tương đương 1.000 tỉ đồng so với tuần trước.

Đáng chú ý, giao dịch thỏa thuận tại nhiều cổ phiếu ngân hàng diễn ra "nhộn nhịp" và động lực tăng trưởng chính của thanh khoản ngành ngân hàng trong tuần qua.

Cụ thể, trong tuần có hơn 30 triệu cổ phiếu EIB được trao tay theo phương hình thức thỏa thuận, chiếm 98% tổng khối lượng cổ phiếu ngân hàng này được giao dịch trong tuần.

Bên cạnh EIB, thanh khoản của TCB và NVB cũng chủ yếu đến từ các giao dịch thỏa thuận với khối lượng cổ phiếu được trao tay theo hình thức này lần lượt đạt 29 triệu cp và 15 triệu cp.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: VCB, BID, CTG khởi sắc, thanh khoản toàn ngành tăng gần 21.500 tỉ đồng - Ảnh 5.

Khối lượng giao dịch cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua, đvt: cổ phiếu. (Nguồn: QT tổng hợp)

Thanh khoản EIB, NVB và TCB tăng đột biến

Tuần qua, có 6/18 cổ phiếu ngân hàng có khối lượng giao dịch tăng. Trong đó, thanh khoản EIB tăng mạnh nhất với hơn 30,6 triệu cp được trao tay, gấp 5,5 lần tuần trước.

Cùng với EIB, NVB và TCB là hai mã có thanh khoản tăng đột biến khi khối lượng giao dịch gấp lần lượt 3,6 lần và 2,7 lần tuần trước đó.

Ba mã cổ phiếu ngân hàng có thanh khoản tăng còn lại gồm có TPB (tăng 57%), BID (tăng 23%) và VCB (tăng 20%).

Ngược lại, có tới 12/18 cổ phiếu ngân hàng sụt giảm thanh khoản trong tuần. Trong đó, khối lượng giao dịch KLB giảm mạnh nhất (71%). Ngoài KLB thì LPB, VIB, SHB, ACB và STB là những mã có thanh khoản giảm hơn 20% trong tuần.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: VCB, BID, CTG khởi sắc, thanh khoản toàn ngành tăng gần 21.500 tỉ đồng - Ảnh 6.

Thay đổi khối lượng giao dịch cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua, đvt: cổ phiếu. (Nguồn: QT tổng hợp)

Sự kiện ngân hàng nổi bật tuần qua

Fed giữ nguyên lãi suất và có khả năng sẽ không điều chỉnh trong năm 2020

Kết thúc cuộc họp cuối cùng trong năm 2019, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất tiêu chuẩn FFR trong phạm vi từ 1,5% đến 1,75%.

Cũng trong cuộc họp lần này ngân hàng trung ương Mỹ cũng phát tín hiệu cho thấy chi phí đi vay có thể sẽ không thay đổi một cách vô hạn định, với tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình và tỉ lệ thất nghiệp thấp được kì vọng sẽ tiếp tục diễn ra trong năm sau.

BVSC: Mặt bằng lãi suất năm 2020 khó có khả năng giảm sâu

Theo BVSC, mặt bằng lãi suất năm 2020 nhiều khả năng sẽ ổn định, không tăng thêm so với cuối năm 2019. Mặt bằng lãi suất huy động sẽ vẫn duy trì ở mức như hiện tại, khó có khả năng giảm sâu tại các ngân hàng chưa đáp ứng được các yêu cầu về an toàn vốn.

BIDV hoàn tất trả cổ tức năm 2017 và 2018

BIDV thông báo đã chi gần 4.800 tỉ đồng để trả cổ tức năm 2017, 2018 bằng tiền mặt với tỉ lệ chi trả 14% vào ngày 12/12. Trong đó, số cổ tức chi trả cho cổ đông Nhà nước là hơn 4.560 tỉ đồng; cổ đông ngoài Nhà nước nhận được gần 224 tỉ đồng.

Cổ đông KEB Hana mặc dù có tên trong tại thời điểm chốt danh sách cổ đông nhưng đã từ chối nhận cổ tức với số tiền hơn 844 tỉ đồng.

Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh cùng 12 nhân sự cấp cao đã mua gần 17 triệu cổ phiếu VPBank

Trong thời gian 4/12 - 9/12, Tổng Giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh cùng 12 nhân sự cấp cao khác trực thuộc Ban Tổng Giám đốc, Ban Kiểm soát ngân hàng đã mua vào tổng cộng gần 17 triệu cổ phiếu VPB.

Đây là lượng cổ phiếu quĩ được VPBank chào bán cho cán bộ nhân viên theo chương trình ESOP với giá 10.000 đồng/cp.




Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/co-phieu-ngan-hang-tuan-qua-vcb-bid-ctg-khoi-sac-thanh-khoan-toan-nganh-tang-gan-21500-ti-dong-20191215161614451.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/