Cơ hội và thách thức của ngành khai thác hải sản - Bài 1: Bài học từ 'thẻ vàng'

Thẻ vàng vẫn chưa được gỡ bỏ và tiếp tục kéo dài đến hết tháng 12/2018. Điều này vừa là thách thức cho chặng đường tiếp theo của ngành.

co hoi va thach thuc cua nganh khai thac hai san bai 1 bai hoc tu the vang EU đang kiểm tra việc khắc phục 'thẻ vàng' của Việt Nam
co hoi va thach thuc cua nganh khai thac hai san bai 1 bai hoc tu the vang 'Thẻ vàng' IUU đã ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản
co hoi va thach thuc cua nganh khai thac hai san bai 1 bai hoc tu the vang
Thẻ vàng vẫn chưa được gỡ bỏ và tiếp tục kéo dài đến hết tháng 12/2018. Ảnh: TTXVN

Sau thời gian 6 tháng nỗ lực thực hiện 9 tiêu chí về quy định chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp do Ủy ban châu Âu đề ra, ngành khai thác, đánh bắt, xuất khẩu hải sản Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của Ủy ban châu Âu.

Thẻ vàng vẫn chưa được gỡ bỏ và tiếp tục kéo dài đến hết tháng 12/2018. Điều này vừa là thách thức cho chặng đường tiếp theo của ngành, nhưng cũng là cơ hội để cải tổ ngành khai thác, đánh bắt hải sản toàn diện, phát triển theo hướng an toàn cho con người và môi trường, hệ sinh thái biển.

Bài 1: Bài học từ "thẻ vàng"

Không chỉ riêng Việt Nam, ngư dân nhiều nước trên thế giới như Thái Lan, Philippines, Australia… cũng đã từng rơi vào cảnh báo vi phạm quy định khai thác, đánh bắt bất hợp pháp nguồn lợi hải sản với hậu quả là sự mất cân bằng giống, loài, sự tuyệt chủng của nhiều loài sinh vật biển. Để bảo vệ nguồn lợi hải sản, các quốc gia đã dùng biện pháp mạnh xử lý các vi phạm này.

*Xử phạt nghiêm những ngư dân “trộm biển”

Hiện nay, việc vi phạm quy định khai thác, đánh bắt hải sản bất hợp pháp đang bị cả thế giới lên án gay gắt bởi, khai thác quá mức, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy hải sản cũng chính là tàn phá môi trường sống của con người.

Theo Viện Nghiên cứu phát triển hải ngoại London (Vương quốc Anh), công nghệ mới giúp con người phát triển kinh tế, ứng dụng sản xuất tốt. Đây cũng là biện pháp giúp các nhà quản lý chống lại tình trạng khai thác, đánh bắt bất hợp pháp. Đặc biệt là đối với các nước có phương tiện hạn chế trong tuần tra, giám sát vùng biển và thực thi pháp luật của ngư dân.

Theo báo cáo của Tổ chức Nông - Lương thế giới (FAO) về tiêu thụ cá và hải sản của người tiêu dùng trên thế giới, tính đến cuối năm 2016, bình quân mỗi người sử dụng hơn 20 kg cá mỗi năm (chưa tính các loại hải sản khác), tăng thêm 5 kg so với thời điểm 5 năm trước. Điều này cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đánh bắt bất hợp pháp để cung ứng cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, cũng đã có nhiều quốc gia thực hiện nghiêm túc các hoạt động chống khai thác bất hợp pháp và sẵn sàng xử phạt những ngư dân “trộm biển”, bất chấp luật bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản như Australia, Indonesia… Ông Brendan Reyner, Trưởng Bộ phận chấp pháp quốc tế (AFMA), Cơ quan Thuỷ sản Australia chia sẻ, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều và có biện pháp cứng rắn trong việc thực hiện chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp.

Tại Australia cũng từng trải qua giai đoạn thực hiện các giải pháp phòng chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp như Việt Nam. Khi nạn khai thác bất hợp pháp diễn ra tràn lan, một số loài hải sản mất dần, Australia đã phải đóng cửa hoàn toàn một số vùng biển, chỉ cho một số vùng biển được phép đánh bắt nhưng phải có giấy phép. Ngư dân phải trả chi phí cho Chính phủ khi đánh bắt.

Bên cạnh đó, đối với các tàu cá vi phạm, Chính phủ Australia đã áp dụng khung hình phạt nặng, thậm chí cấm đánh bắt vĩnh viễn. Khi áp dụng những biện pháp này, Australia không còn tình trạng khai thác quá mức và bất hợp pháp, ngư dân có thu nhập cao hơn, nguồn lợi hải sản được bảo tồn.

Các nhà nghiên cứu của các trường đại học trên thế giới đã chỉ ra rằng, khi áp dụng các phương pháp chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, nguồn lợi hải sản của quốc gia đó bắt đầu phục hồi mạnh, kéo theo các vùng biển lân cận cũng sẽ phát triển bền vững.

Theo GS Reniel Cabral, Trường Đại học Santa Barbara (Mỹ), khi Chính phủ Indonesia nỗ lực lớn trong việc kiểm soát hoạt động khai thác bất hợp pháp trên các ngư trường của quốc gia này, họ sẵn sàng nghiêm trị các hành vi khai thác, đánh bắt bất hợp pháp. Bằng việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, Chính phủ Indonesia đã theo dõi sát sao các hành vi của các tàu cá trong lúc khai thác.

Với cách quản lý này, nguồn lợi hải sản trên biển sẽ phát triển bền vững. Ước tính đến năm 2035, sản lượng cá ngừ vằn trên các ngư trường Indonesia tăng lên 14%, và lợi nhuận tăng 15% so với mức thu ở hiện tại. Trong khi đó, nếu không áp dụng các biện pháp chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, thì riêng sản lượng cá ngừ vằn sẽ giảm 59% và lợi nhuận giảm 64% cho đến năm 2035.

*Minh bạch trong quy định

Tại các quốc gia xảy ra tình trạng khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, việc việc cải thiện và phục hồi ngành thủy sản một cách minh bạch sẽ là bước đầu giải quyết hoạt động chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, mà không làm giảm sản lượng đánh bắt và lợi nhuận của địa phương. Indonesia đã chứng minh điều này là đúng. Đây là lần đầu tiên chính sách của đất nước này được chứng minh có hiệu quả.

Ông Juan Mayorga, Giảng viên Trường Đại học Santa Barbara (Mỹ) đã nhấn mạnh rằng, bằng chứng là Indoneisa đã sử dụng các công nghệ vệ tinh để cách mạng hóa trong quản lý nghề cá theo nhiều cách. Đó là thiết kế các ứng dụng giám sát dữ liệu đánh bắt và vùng biển đánh bắt qua vệ tinh.

Bên cạnh đó còn có các ứng dụng giám sát, các điều khoản trong quy định của chính sách chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp có khả thi hay không, các tàu cá tự giám sát lẫn nhau để phản hồi chính sách thông qua ứng dụng này. Bằng công nghệ này đã tạo nên thông tin cơ bản và quan trọng trong việc giám sát khai thác, đánh bắt của các tàu cá đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Thống kê minh bạch từ các ứng dụng giám sát đã cho biết các vùng biển của Mauritania, châu Phi đang được đánh bắt bởi 25 quốc gia khác nhau.

"Có thể thấy, với cách làm minh bạch từ chính sách, hoạt động thực tiễn ứng dụng công nghệ trong quản lý đánh bắt, đã đưa đất nước Indonesia từ một quốc gia có nhiều ngư dân vi phạm quy định chống khai thác bất hợp pháp trở thành một quốc gia đi đầu trong việc chống khai thác bất hợp pháp trong khu vực Đông Nam Á", ông Juan Mayorga chia sẻ thêm.

Trước những thành tựu của các quốc gia tích cực chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp như Indonesia, Australia, hệ thống quản lý tàu cá, các đội đánh bắt hải sản của các cơ quan nhà nước Việt Nam cũng cần một sự minh bạch, rõ ràng. Thế nhưng, qua nhiều nỗ lực để thực thi, chính sách vẫn còn những kẽ hở.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Ủy ban Hải sản Hiệp hội chế biến, xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Trưởng ban Điều hành chương trình chống khai thác bất hợp pháp chia sẻ, ngoại trừ tiêu chí chất lượng có thể được giám sát và kiểm soát bởi hệ thống quản lý của doanh nghiệp, thì vấn đề truy xuất nguồn gốc và quản lý đánh bắt bền vững phần lớn nằm ở khâu quản lý của cơ quan nhà nước.

Hầu như các cơ quan nhà nước cũng đã hệ thống hóa đội tàu, nâng cao năng lực đánh bắt nhưng chưa thực sự mang lại hiệu quả khả quan. Do đó, chính các doanh nghiệp, Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản cùng với Chính phủ cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc tuyên truyền ý thức khai thác, cũng như những lợi ích sẽ đạt được trong tương lai khi chung tay thực hiện quy định chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp này.

Xem thêm

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/co-hoi-va-thach-thuc-cua-nganh-khai-thac-hai-san-bai-1-bai-hoc-tu-the-vang-57623.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/