|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cố giữ chân trong chuỗi cung ứng lúa gạo nhưng bất thành

06:11 | 19/09/2021
Chia sẻ
Nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất trong hoàn cảnh dịch bệnh bao vây nhằm giữ chân mình trong chuỗi cung ứng hàng hóa là mục tiêu sống còn của các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành hàng không thể thiếu như lúa gạo. Tuy nhiên, chúng tôi đang chịu thiệt hại rất nhiều, từ sản xuất đến xuất khẩu, từ gánh nặng tài chính lẫn thời gian.

Mất trắng chi phí cho mô hình 3T lẫn khách hàng

Những ngày đầu tháng 7, khi các doanh nghiệp bắt đầu triển khai giải pháp 3T hay còn gọi là "3 tại chỗ" (sản xuất, cách ly, ăn nghỉ tại chỗ) để có thể duy trì hoạt động kinh doanh giữa đợt bùng phát của dịch COVID-19, Công ty TNHH VRICE Group của chúng tôi cũng không nằm ngoài mô hình này với hy vọng sống sót qua cơn đại dịch lớn nhất từ trước đến nay.

Không chỉ 3T, nhà máy khi đó chuyển từ hoạt động theo tiêu chuẩn HACCP- ISO 2000 sang tiêu chuẩn 4T, bao gồm "3 tại chỗ" cho công nhân kiêm luôn cả y tế tại chỗ để đảm bào phòng, chống dịch và giữ chân mình trong chuỗi cung ứng hàng hóa. Tuy nhiên, chỉ được hai tuần lượng công nhân xin nghỉ, trốn về đã hơn 50%.

Số còn lại buộc phải làm tăng ca cho kịp đơn hàng, nhưng rồi cũng không chịu nổi. Công ty đã phải trì hoãn giao hàng cho các siêu thị với quy cách đóng hàng túi (1 kg, 5 kg, 10 kg ) và từ chối nhận các đơn hàng mới với mong muốn giảm áp lực chi phí và hoàn thành các đơn hàng cũ đã cam kết cho đối tác trước đó.

Thực tế, chúng tôi đã tốn rất nhiều chi phí cho hoạt động 3T như chi phí sắp xếp chỗ ăn, nghỉ, cung ứng đồ ăn, thức uống, hàng thiết yếu cho công nhân, chi phí xét nghiệm COVID-19 theo quy định... nhưng rồi các khoản đã chi này đều mất trắng không thu hồi lại được vì nguồn nhân lực còn lại không đảm bảo được tiến độ giao hàng. 

Kết quả không chỉ tác động đến các khách hàng nội địa mà cả những đơn vị xuất khẩu truyền thống của công ty cũng đã phải quay sang chọn Thái Lan là nhà cung cấp cho họ trong thời gian tới.

Với các đối tác tại châu Âu, một số lô hàng của chúng tôi đã giao vẫn chưa nhận được thanh toán do thiếu chứng từ xuất khẩu như chứng thư Xuất xứ hàng hóa EU1. 

Theo quy định của EVFTA, CO EU1, chứng thư này phải hoàn thành trong vòng ba ngày từ ngày hàng rời khỏi cảng, tuy nhiên thời gian này việc đi lại khó khăn, cùng với các cơ quan thẩm quyền làm việc rất giới hạn nên việc xin giấy này bất khả thi.

Cũng vì không cung cấp được chứng thư này nhà nhập khẩu trừ 15% giá trị tiền hàng vả không bao giờ mua thêm lô hàng kế tiếp.

Cố giữ chân trong chuỗi cung ứng lúa gạo nhưng bất thành! - Ảnh 1.

Ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE (Ảnh: NVCC)

Ám ảnh các loại giấy tờ để hạt gạo lưu thông

Công ty chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu gạo từ Việt Nam sang các nước trên thế giới. 

Để xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên thương trường quốc tế, chúng tôi đã đầu tư trồng lúa các khu vực An Giang, Cần thơ, đảm bảo nguồn cung ổn định trong nước và xuất khẩu quanh năm. 

Đặc thù của ngành là phải di chuyển và tập hợp lao động tạo thành một chuỗi cung ứng từ sản xuất, thu mua, chế biến, vận chuyển đến tiêu thụ.

Tuy nhiên, từ khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh các tỉnh thành phía Nam, tiếp đến Chỉ thị 16 được ban hành, chúng tôi rơi vào tình cảnh bế tắc từ cánh đồng đến nhà máy sản xuất và xuất khẩu.

Các cánh đồng đến thời gian thu hoach lại không thu hoạch được bởi nhân công không được phép ra đường, các máy thu hoạch lúa không được di chuyển ra khỏi khu vực cư trú, các ghe thu mua lúa không được qua lại các tỉnh.

Chúng tôi cố gắng chạy đủ loại giấy tờ để được thu hoạch theo mùa vụ nhưng yêu cầu giữa các địa phương không thống nhất, nơi này không công nhận giấy tờ của nơi khác cấp, ghe lúa, xe vận chuyển được tỉnh này cho lưu thông nhưng tỉnh kia không cho vào, thương lái có đủ giấy tờ như giấy xét nghiệm âm tính, giấy đi đường đủ lý do, qua được xã này nhưng xã khác không chịu... kết quả là lúa chín đầy đồng, quá ngày thu hoạch vẫn không thu mua được.

Tình trạng đi lại quá phức tạp do bị giới hạn bởi khung giờ không được ra đường từ 18h đến 6h sáng hôm sau, phong tỏa... nên một số hoạt động bị gián đoạn, tiến độ giao hàng bị chậm trễ.

Trong khi các cảng luôn trong tình trạng quá tải gây đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa toàn khu vực. Các nhà nhập khẩu quốc tế đã và đang rời khỏi các nhà cung ứng từ Việt Nam.

Đáng nói, chi phí để đáp ứng các quy định trên ở các đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển lẫn doanh nghiệp thuê như chúng tôi hơn hai tháng qua đã tăng thêm hàng chục tỷ đồng.

Bên cạnh các chi phí trả cho tài xế, lưu xe, xét nghiệm, bốc xếp và thuê xe sang hàng... doanh nghiệp cũng gánh thêm chi phí khi số lượng xe tải chuyển hàng tăng gấp đôi do phải chuyển sang xe tải nhỏ để vận chuyển hàng hóa đến các cửa hàng, siêu thị thay vì tập trung về kho tổng như trước, tuy nhiên nhân lực lại thiếu hụt do người lao động bị hạn chế đi lại hoặc đã về quê.

Thực tế, các quy định này càng tạo thêm gánh nặng về tài chính lẫn thời gian, chúng tôi chịu thiệt hại rất nhiều, từ sản lượng giảm đến chất lượng hạt gạo xuống cấp. Thậm chí có nhiều khoản nợ không thu hồi được và sẽ không có khả năng thanh toán trong thời gian tới.

Đó không chỉ là bế tắc của một mình chúng tôi mà nó là cả một tác động dây chuyền. Người nông dân có khả năng sẽ bỏ ruộng hoặc chậm xuống giống lúa vụ 3, tác động xấu đến các vụ mùa sau và hơn hết là dẫn đến nguy cơ thiếu hụt lương thực lúc giáp hạt vụ Đông Xuân 2021 - 2022. 

Nhiều doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa do không có nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất, trong khi người dân bị thiếu hụt hàng hóa hoặc phải mua với giá cao.

Có thể nói, doanh nghiệp như một người con của đất nước, sinh ra với mục tiêu tạo việc làm cho người lao động, từ đó đóng góp cho đất nước ngày càng giàu mạnh hơn. 

Do đó, để các chỉ đạo phòng, chống dịch của từng tỉnh thành không gây thêm gánh nặng cho doanh nghiệp và doanh nghiệp có thể sớm tái khởi động ở trạng thái "bình thường mới", chúng tôi luôn mong muốn có những chính sách hỗ trợ cụ thể từ việc ưu tiên vắc xin cho người lao động trong các doanh nghiệp thuộc ngành hàng thiết yếu như lúa gạo, ưu tiên lưu thông cho các ngành hàng thiết yếu toàn thời gian. 

Đồng thời, có thể hoãn trả nợ gốc ngân hàng đến tháng 6/2022, hỗ trợ giảm 50% lãi suất cho vay cũng như 50% thuế VAT.

Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE