Chuyên gia Phạm Xuân Hoè: Giải cứu thị trường trái phiếu doanh nghiệp không thể áp giải pháp 'đánh bùn sang ao'

Theo chuyên gia Phạm Xuân Hoè, các biện pháp như để ngân hàng thương mại mua trái phiếu sẽ không giải quyết được triệt để vấn đề mà chỉ chuyển rủi ro nợ xấu từ doanh nghiệp sang ngân hàng.

Những vấn đề của thị trường trái phiếu đang ngày càng lan rộng sang các khu vực khác nền kinh tế như thị trường tiền tệ, thị trường cổ phiếu, mạnh mẽ trực tiếp nhất là thị trường bất động sản, cuối cùng là dòng tiền trú ẩn vào vàng. Nhiều giải pháp đã được đưa ra, nhiều chuyên gia đã tham gia "hiến kế" nhằm giải cứu thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Mới đây, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) đã đề xuất tính tới giải pháp cho phép các ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước tham gia mua lại các trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) sắp tới hạn và xử lý như một dạng tín dụng đặc biệt ngoài tín dụng thông thường.

Vì lượng trái phiếu sắp tới hạn có giá trị vượt rất nhiều lần khả năng mua lại của một số tổng công ty nhà nước như Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC), Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), Ban IV cho biết. 

Ông Phạm Xuân Hoè, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN (Ảnh: NVCC).

Tuy nhiên, theo chuyên gia tài chính Phạm Xuân Hoè, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, đề xuất để NHTM mua lại trái phiếu không giải quyết được triệt để vấn đề mà chỉ là một hình thức "đánh bùn sang ao".

Giải thích về nhận định này, ông Hoè cho hay, đây là việc làm không có tác dụng, quanh đi quẩn lại vẫn thế, bùn từ ao này bỏ sang ao kia, như nợ xấu của nền kinh tế không nằm ở doanh nghiệp nay lại chuyển về ngân hàng thì còn rủi ro và nguy hiểm hơn nhiều cho hệ thống tài chính. 

"Ai cũng có thể nhìn thấy, có thể trước kia chính những tổ chức tín dụng đã từng cho vay trực tiếp để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nhưng khó khăn từ đại dịch thì kênh phát hành trái phiếu đã cứu cánh để  đảo nợ của trong giai đoạn khó khăn do dịch COVID-19", ông Hoè nói.

Không thể cứ mãi xử lý nợ xấu theo kiểu cho nó một cơ chế chạy “lòng vòng” làm cho nguồn lực quốc gia bị bào mòn bằng lạm phát và thời gian được. Như vậy, giải pháp này không đạt được mục đích cuối cùng nhằm giải quyết vấn đề căn bản nhất của thị trường trái phiếu là phát triển minh bạch, thực sự lành mạnh.

Lập đề án giải cứu TPDN theo từng nhóm

Theo chuyên gia Phạm Xuân Hoè, phải có một đề án tổng thể và xâu chuỗi tất cả vấn đề của thị trường bất động sản liên thông với thị trường tài chính, trong đó tập trung vào trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.

Về phương thức cụ thể, theo ông Hoè phải phân loại từng nhóm doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Trong đó, doanh nghiệp nào tự xử lý được dự án để cân đối được dòng tiền trả nợ trái phiếu thì phải tự lo.

Với nhóm gặp vướng mắc trong chuyển nhượng dự án hoặc vướng mắc về pháp lý để hoàn thiện dự án thì Chính phủ cần có cơ chế cho họ chuyển nhượng dự án hoặc chính sách pháp lý để các doanh nghiệp này hoàn thiện dự án.

Với nhóm doanh nghiệp có dấu hiệu “không thể cứu được” thì cần để phá sản theo đúng nguyên tắc thị trường dựa trên Luật phá sản. Tòa án quyết định và khi bản án hiệu lực thì Thi hành án thu hồi tài sản và trả cho trái chủ, giải quyết nợ theo trật tự của Luật phá sản.

Vị chuyên gia này cho biết, nếu như phân loại doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ thật chi tiết và giải quyết được vấn đề thì rõ ràng những trái chủ đầu tư vào những doanh nghiệp có tài sản đảm bảo thì khả năng thu hồi vốn của họ cũng khá cao.

Rủi cho những nhà đầu tư mua trái phiếu của các doanh nghiệp yếu kém với lãi suất khi phát hành mức rất cao thì cũng phải chấp nhận cắt lỗ, đây là cái “giá đắt” phải trả để thị trường phát triển tốt hơn.

Tất nhiên, như vậy là vô cùng đau xót với những trái chủ ít hiểu biết và bị môi giới dẫn dắt đầu tư vào các loại trái phiếu như vậy nhưng theo nguyên lý thị trường thì rất khó để bỏ tiền ngân sách cứu các trường hợp như vậy. Cùng lắm chỉ là phần vốn mồi và sau đó được hoàn lại đầy đủ, ông Hoè cho biết.

 Các doanh nghiệp tích cực mua lại TPDN trước hạn làm giảm áp lực đáo hạn (Nguồn: FiinRatings).

Hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn, “hàng đổi hàng” và chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay như một biện pháp tái cấu trúc nợ đã được các doanh nghiệp tích cực thực hiện trong thời gian qua.  

Số liệu cập nhật của FiinRatings cho thấy, tổng giá trị trái phiếu bất động sản sẽ đáo hạn sau ngày 15/11/2022 đến ngày 31/12/2022 chỉ còn ở mức 21,85 nghìn tỷ đồng .

Áp lực vẫn duy trì ở mức đáng kể từ năm 2023 là 119,05 nghìn tỷ đồng và năm 2024  là 111,81 nghìn tỷ đồng.  

Như vậy, các doanh nghiệp có khả năng mua lại trái phiếu hoặc chuyển đổi thành sản phẩm đang tích cực tực thực hiện phương án này, làm giảm đáng kể áp lực đáo hạn TPDN.

Cơ cấu lại phân khúc, lo đầu ra giải quyết tận gốc vấn đề

Ông Hoè cũng cho biết, đề án này phải được thực hiện dựa trên sự phối hợp của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong đó có Bộ Tài chính là chủ thể chính vì nguyên tắc là xử lý trên vướng mắc của thị trường trái phiếu.

Tuy nhiên do sự liên thông giữa ba thị trường: Tiền tệ - Bất động sản - Trái phiếu nên cần sự vào cuộc của cả 4 cơ quan này, phối hợp và tham mưu nhanh cho Thủ tướng Chính phủ.

Về nguồn vốn thực hiện, ông Hoè cho rằng, phải lấy "vốn mồi" từ ngân sách là bởi trước đây những chủ dự án đó phát hành trái phiếu nộp tiền vào ngân sách để đấu thầu quyền sử dụng đất.

"Số tiền đó ngân sách thu hồi về để sử dụng cho chi tiêu công và đầu tư công, hiện tại, ứng ra sau đó lại thu về", Ông Hòe cho hay.

Ông Hoè cũng cho biết, sau khi giải phóng được những vướng mắc của thị trường bất động sản, bước tiếp theo để giải quyết tận gốc vấn đề phải là tạo đầu ra cho các dự án đó. Trong đó, có những dự án cần xem xét ưu tiên chuyển thành dự án phát triển nhà ở xã hội cho vay qua Ngân hàng chính sách xã hội.

Làm cách này sẽ kêu gọi đầu tư có thực lực và có khả năng về tài chính để giải quyết nhu cầu về nhà ở xã hội, ông Hoè lý giải.

Về câu chuyện thị trường, theo chuyên gia cần tính toán đến các vấn đề như tín dụng tiêu dùng cho những người có thu nhập trung bình mua nhà, người nước ngoài có nhu cầu mua nhà hay không và với tầng lớp trung lưu trở lên là việc có cơ chế rõ ràng để đối tượng này phát triển thị trường cho thuê nhà ở.

"Đã đến lúc bỏ đi tư duy chữa cháy bằng những giải pháp tạm thời để cơ hội và nguồn lực quốc gia lãng trôi theo thời gian. Rất cần cách làm cụ thể để thị trường BĐS phát triển căn cơ, lành mạnh", ông Hòe nhấn mạnh. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/chuyen-gia-pham-xuan-hoe-giai-cuu-thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-khong-the-ap-giai-phap-danh-bun-sang-ao-20221120132226185.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/