Chuyên gia kiến nghị nên kéo dài chính sách giảm 2% thuế VAT hỗ trợ doanh nghiệp

Theo các chuyên gia, năm 2023, doanh nghiệp được dự báo còn gặp rất nhiều khó khăn nên cần duy trì chính sách giảm 2% thuế VAT tương tự như năm 2022 để doanh nghiệp được hưởng lợi ngay mà không cần quy trình, thủ tục phức tạp hoặc đợi phê duyệt hồ sơ.

Theo dự báo của các chuyên gia và tổ chức quốc tế, năm 2023, nền kinh tế của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn do tác động của các nền kinh tế trên thế giới. Hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp hiện vẫn chưa ký được đơn hàng 2023. 

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, nhiều chuyên gia đề xuất cần kéo dài chính sách giảm thuế VAT 2% sang năm 2023 như một "liều thuốc bổ" tiếp sức cho doanh nghiệp trong lúc khó khăn.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, một trong những chính sách cần tiếp tục thực hiện trong năm nay, đó là hoạt động giảm thuế VAT 2%.

Trước đó, theo Nghị định 15/2022, cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng (VAT) theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% (thay vì mức 10% như trước). Tuy nhiên, chính sách giảm VAT này có hiệu lực từ 1/2 đến hết 31/12/2022 và chỉ áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022.

“Cá nhân tôi cho rằng, vẫn nên tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong năm 2023 do doanh nghiệp và người dân vẫn rất khó khăn", ông Tuấn nói.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). (Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp).

 Giảm thuế VAT là chính sách công bằng và hiệu quả nhất

Theo ông Tuấn, doanh nghiệp và người dân hiện vẫn đối mặt với nhiều khó khăn hậu đại dịch COVID-19. Đồng thời, nguy cơ lạm phát vẫn hiện hữu và việc giảm thuế VAT cũng là một giải pháp tích cực giúp giảm nguy cơ lạm phát.

Đặc biệt, hiệu quả từ chính sách này được đánh giá rất tốt, doanh nghiệp được hưởng lợi ngay mà không cần quy trình, thủ tục phức tạp hoặc đợi phê duyệt hồ sơ.

Đại diện VCCI cho rằng, trong các gói hỗ trợ, phục hồi kinh tế thì chính sách giảm thuế VAT 2% là chính sách phát huy hiệu quả cao nhất, đi vào thực tế nhanh nhất và “suy cho cùng doanh nghiệp, người dân thụ hưởng trực tiếp nhất”.

Với các giải pháp khác như gói hỗ trợ giảm lãi suất 2% của các ngân hàng thương mại, việc triển khai còn chậm và nhiều doanh nghiệp chia sẻ họ vẫn chưa tiếp cận được chương trình này.

Đề xuất này theo ông Tuấn được đặt ra trong bối cảnh tình hình thu ngân sách của Việt Nam trong năm 2022 đã khá tốt, đạt và vượt chi tiêu tương đối tích cực do đó không gây áp lực lớn đến ngân sách mà ngược lại, chính sách này còn mang tới hiệu ứng tăng thu.

Điều này có nghĩa việc giảm thuế trước mắt sẽ giảm nguồn thu ngân sách mấy chục nghìn tỷ đồng, nhưng qua đó giúp kích thích hoạt động sản xuất tiêu dùng, người dân có thể đóng thuế nhiều hơn.

"Tôi cho rằng, trong năm 2023 tới, Chính phủ vẫn nên trình Quốc hội đề nghị tiếp tục có những giải pháp mạnh để hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó giảm thuế VAT 2% là giải pháp cần thực hiện”, ông Đậu Anh Tuấn cho biết. 

Chuyển nguồn lực chính sách doanh nghiệp khó tiếp cận

Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh ủng hộ việc kéo dài chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% với doanh nghiệp đến hết năm 2023.

Theo TS. Thành, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ nêu rõ, đối tượng hỗ trợ bao gồm: Người dân, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các ngành, lĩnh vực tạo động lực phục hồi và phát triển cho nền kinh tế.

Về thời gian hỗ trợ chủ yếu thực hiện trong 2 năm 2022-2023; một số chính sách có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực thực hiện tùy theo diễn biến dịch bệnh. 

Vì vậy, chính sách hỗ trợ thuế VAT nên kéo dài sang hết năm 2023 để đủ thời gian hỗ trợ các doanh nghiệp, bởi hiện nay doanh nghiệp vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Nếu chỉ thực hiện trong thời gian ngắn thì không thể đạt mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, tạo động lực phục hồi và phát triển cho nền kinh tế. 

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng, chính sách tài khoá lúc này phải nới lỏng, mở rộng, giảm thu, tăng chi cho doanh nghiệp và người dân có dư địa để hoạt động.

Với những gói tài khoá có tỷ lệ giải ngân rất thấp như gói hỗ trợ lãi suất 2%, khi đã không thấy hiệu quả thì cần nhanh chóng chuyển nguồn lực sang thực hiện giảm thuế, phí cho doanh nghiệp để hỗ trợ nền kinh tế một cách nhanh nhất, ông Cung đề xuất. 

Trước đó, một số đại biểu Quốc hội cũng kiến nghị về các chính sách tài khoá triển khai còn chậm như chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh… đến nay mới chỉ giải ngân được trên 0,03% so với tổng số vốn của chương trình.  

Đại biểu đề nghị rà soát lại các chính sách, chính sách nào chậm triển khai, khó đi vào cuộc sống thì cần xem xét điều chỉnh sang chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển khác cho phù hợp.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/chuyen-gia-kien-nghi-nen-keo-dai-chinh-sach-giam-2-thue-vat-ho-tro-doanh-nghiep-2022112411526238.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/