Chuyên gia điểm tên loạt gói hỗ trợ mờ nhạt, nhiều khoản chi đầu tư từ gói kích thích chưa thể giải ngân

Nhiều chính sách hỗ trợ còn khá mờ nhạt như gói hỗ trợ lãi suất 2%, gói hỗ trợ nhà ở, chương trình mua máy tính cho học sinh, đáng chú ý nhiều khoản chi đầu tư từ gói kích thích chưa thể giải ngân.

Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022, PGS.TS. Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài chính phân tích chính sách tài khóa năm 2022 và giai đoạn gần đây.

Ông cho rằng Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết cả trong ngắn và dài hạn. Cụ thể, ngoài chính sách miễn giảm thuế có tác dụng rõ rệt thì các chính sách khác còn khá mờ nhạt như chương trình hỗ trợ 2% lãi suất hay chương trình mua máy tính cho học sinh.

Gói hỗ trợ nhà ở mặc dù được coi là rất có ý nghĩa về mặt xã hội nhưng triển khai trên thực tế cũng còn nhiều khó khăn, tỷ lệ giải ngân 8 tháng 2022 cũng chỉ đạt hơn 60%.

Chi đầu tư giữ vai trò quan trọng trong gói hỗ trợ tài khóa song tiến độ giải ngân rất chậm, số liệu hết tháng 8 cho thấy tổng chi đầu tư phát triển chỉ đạt hơn 40% dự toán. Nhiều khoản chi đầu tư từ chương trình phục hồi kinh tế - xã hội vẫn chưa thể giải ngân.

Theo ông, việc Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 584 về việc điều chỉnh, bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển vốn ngân sách trung ương năm 2022 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có thể coi là giải pháp tình thế cho việc giải ngân đầu tư công. 

Trước đó, đánh giá khái quát về chính sách tài khóa năm 2022, PGS.TS. Vũ Sỹ Cường cho rằng, các gói hỗ trợ giảm thuế, nhất là VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đã có tác dụng tốt với việc kiềm chế lạm phát của Việt Nam vẫn ở dưới mức 4 % trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới đang đối mặt với lạm phát cao.

Gói hỗ trợ tài khóa đã góp phần phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo cho năm 2022 sẽ khả quan. Mới đây, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 7% trong năm 2022, cao hơn 1% so với mức dự báo của ba tháng trước đó và là lần điều chỉnh tăng mạnh duy nhất trong số các nền kinh tế lớn ở châu Á.

  PGS.TS. Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài chính. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Ông cho biết thêm chương trình hỗ trợ và phục hồi kinh tế - xã hội được thiết kế trước khi có những biến động lớn về tình hình kinh tế chính trị thế giới như xung đột Nga – Ukraine, tình hình lạm phát toàn cầu,...

Do vậy, cần phải có những điều chỉnh trước những biến động của bối cảnh mới. Vấn đề dự báo thu và chi ngân sách vẫn luôn là thách thức. Việc dự báo thận trọng là cần thiết song quá thận trọng có thể khiến Việt Nam tự thu hẹp không gian tài khóa của mình.

Số liệu cho thấy quy mô thu ngân sách của Việt Nam đang có xu hướng thu hẹp lại so với giai đoạn trước đây. Điều này cho thấy Việt Nam đang đứng trước thế lưỡng nan vừa muốn tiếp tục nới lỏng chi tiêu, vừa muốn giảm thuế để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Hệ quả là cán cân ngân sách có nguy cơ mất cân đối nhiều hơn và rủi ro làm tăng vay nợ.

Đưa ra gợi ý chính sách tài khóa cho năm 2022 và trung hạn 2023-2025, PGS.TS. Vũ Sỹ Cường cho rằng, mặc dù dự toán thu và chi NSNN cần tiếp tục duy trì nguyên tắc lường thu mà chi, cần có giải pháp chính sách để theo dõi và đánh giá về công tác lập dự toán và chấp hành ngân sách nhà nước ở tất cả các cấp.

Bối cảnh kinh tế xã hội giai đoạn 2022-2025 có những thay đổi rất lớn do tác động của COVID-19 và tình hình kinh tế chính trị thế giới, vì vậy Kế hoạch tài chính 5 năm và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm cần có những thay đổi để phù hợp với tình hình mới.   

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/chuyen-gia-diem-ten-loat-goi-ho-tro-mo-nhat-nhieu-khoan-chi-dau-tu-tu-goi-kich-thich-chua-the-giai-ngan-202291971637344.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/