Chủ tịch EQuest: 'Đầu tư vào giáo dục chưa bao giờ là siêu lợi nhuận'

Ông Nguyễn Quốc Toàn, Chủ tịch Tập đoàn EQuest, cho rằng biên lợi nhuận khi đầu tư vào giáo dục rơi vào khoảng 8%-18% chứ không phải siêu lợi nhuận như báo chí thường nói.

Trên trang Facebook cá nhân, ông Nguyễn Quốc Toàn, người đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị EQuest Education Group (EQuest), nhận định rằng giáo dục không phải là một ngành đầu tư siêu lợi nhuận.

Quan điểm của ông là đa số "đại gia" làm giáo dục ở Việt Nam vì muốn đóng góp chứ không phải vì tiền, và nhiều người đã đầu tư vào giáo dục sau đó đã phải "cắn răng" từ bỏ. Các trường đại học tư không thể "lớn" hoặc rơi vào khủng hoảng chủ yếu vì những người đứng đằng sau đều khá "tay mơ".

Chủ tịch EQuest: 'Đầu tư vào giáo dục chưa bao giờ là siêu lợi nhuận' - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quốc Toàn, đồng sáng lập và chủ tịch EQuest. Ảnh: ForbesVietnam

Chủ tịch HĐQT EQuest đưa ra hàng loạt dẫn chứng khác về những trường hợp làm giáo dục nhưng chưa thật sự thành công, ít nhất về mặt  lợi nhuận. 

"Wall Street English Việt Nam từng nhận hàng chục triệu USD, cách đây mấy hôm thông báo bán cho một đối tác với giá 6 triệu USD. Con số này bằng một phần nhỏ số vốn các nhà đầu tư cũ từng đầu tư vào. Hệ thống Apax Holdings sở hữu hàng chục trung tâm tiếng Anh công bố lỗ gần 170 tỷ chỉ trong quý 1 năm vừa rồi. Một tổ hợp giáo dục dựa trên nền tảng công nghệ (edtech) từng được coi là điểm sáng, cách đây hơn năm lỗ gần 200 tỉ, hiện đang thu hẹp hoạt động đáng kể với người sáng lập đã từ chức", ông Toàn chia sẻ.

Chính vì vậy, ông kết luận việc làm giáo dục không dành cho những "tay mơ", và cũng không hề "siêu lợi nhuận" như báo chí vẫn đề cập.

Cụ thể, ông cho rằng biên lợi nhuận của ngành giáo dục rơi vào 8%-18%, thấp hơn nhiều khi đặt cạnh quán ăn, bán nước chè và đánh giày là 50%. Một số trường hợp cá biệt tuyên bố biên lợi nhuận lên đến 30%, nhưng mọi người lại quên việc phải trừ khấu hao.

Bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra một vài trường hợp tiêu biểu, như Vinschool vẫn phải phụ thuộc vào các dự án bất động sản của Vingroup. FPT Education cũng phải nhờ thương hiệu FPT để phát triển và đóng góp chưa đến 25% doanh thu cho FPT.

Theo lí thuyết kinh tế vi mô, ở một thị trường cạnh tranh hoàn hảo, lợi nhuận sẽ cực thấp và có thể về mức 0. Do đó, việc tích lũy vốn không hề nhiều. 

Dẫu vậy, một đặc điểm độc đáo của làm giáo dục chính là việc có thể thu tiền trước khi cung cấp dịch vụ. Những người kinh doanh giáo dục có thể tận dụng vốn từ học phí thu trước. Tuy nhiên việc học phí trả trước cũng chỉ ở mức 3 tháng - 6 tháng. "Đây chính là điểm nhầm lẫn lớn nhất: tiền mặt thu trước không có nghĩa là lợi nhuận nhiều. Hoàn toàn không", ông Toàn kết luận.

Chủ tịch EQuest: 'Đầu tư vào giáo dục chưa bao giờ là siêu lợi nhuận' - Ảnh 2.

Ông Toàn cho rằng làm giáo dục không hề siêu lợi nhuận như mọi người vẫn nghĩ. Ảnh: Edu2Review.

Chia sẻ thêm về EQuest, ông Toàn cho rằng Tập đoàn hiện vẫn còn bé về qui mô, tiền và tài sản vẫn chưa lớn. 

"EQuest chưa bằng FPT Education về độ phủ, chưa bằng VinSchool về tiền, chưa bằng Nguyễn Hoàng về số trường và độ hoành tráng, chưa bằng VAS và VUS về độ tập trung và thương hiệu ở HCMC.  Tuy nhiên, EQuest luôn tự tin là nơi hội tụ của các tài năng và tôn trọng sự khác biệt", ông Toàn chia sẻ thêm về việc EQuest "chiêu mộ" ông Bạch Ngọc Chiến.

Từ 1/7, ông Bạch Ngọc Chiến sẽ làm việc với tư cách Phó Chủ tịch Tập đoàn EQuest và phụ trách mảng chiến lược. Trước khi đầu quân cho EQuest, ông Chiến từng giữ chức Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam.


Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/chu-tich-equest-dau-tu-vao-giao-duc-chua-bao-gio-la-sieu-loi-nhuan-2020070215543252.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/