Chịu bao nhiêu bão tố, Huawei vẫn là điểm đến an toàn cho nhà đầu tư thông minh

Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen thương mại, cáo buộc giúp Bắc Kinh làm gián điệp, bắt giữ giám đốc tài chính, … tất cả đều chưa đủ để ngăn nhà đầu tư tin tưởng và sẵn lòng đổ tiền vào tập đoàn công nghệ khổng lồ của Trung Quốc này.

Huawei (42)

Một cửa hàng Huawei tại Hà Nội với ấn phẩm truyền thông của công ty. Ảnh: Kiên Dương.

Đến cuối năm 2018, Huawei có 96.768 nhân viên kiêm cổ đông. Công ty này khẳng định rằng: Bất kì ai muốn mua cổ phần của Huawei đều phải làm việc tại đây. Nói cách khác, vốn điều lệ của Huawei là do người lao động sở hữu 100%.

Ủy ban công đoàn đại diện cho người lao động sở hữu 99% vốn của Huawei. Nhà sáng lập kiêm CEO Nhậm Chính Phi sở hữu khoảng 1% vốn.

Tuy tỉ lệ sở hữu nhỏ nhưng ông Nhậm có quyền phủ quyết mọi đối sách quan trọng trong công ty. Những bài nói, bài phát biểu của ông được phát đến từng nhân viên để nghiên cứu, học tập.

Toàn bộ cổ phần của Huawei đều do các lãnh đạo và nhân viên của công ty nắm giữ và không được niêm yết trên sàn chứng khoán. Vì vậy, giới quan sát không thể dựa vào giá cổ phiếu để đánh giá sự quan tâm của nhà đầu tư đối với Huawei.

Tuy nhiên, trái phiếu của Huawei lại được niêm yết và giao dịch tích cực trên thị trường; và số liệu thực tế cho thấy nhà đầu tư ngày càng sẵn lòng cho tập đoàn viễn thông này vay tiền hơn trước, bất chấp những đợt công kích dồn dập của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

4 lô trái phiếu bằng đồng USD của Huawei có thời gian đáo hạn từ năm 2022 đến 2027 hiện đã tăng giá khoảng 5,6% so với mức thấp nhất hồi tháng 12/2018 khi Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu bị bắt. Theo Bloomberg, 5,6% là mức tăng khá lớn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Tháng 5 năm nay, chính quyền Tổng thống Trump đưa Huawei vào danh sách đen thương mại, khiến tập đoàn này không thể mua các linh kiện và dịch vụ từ doanh nghiệp Mỹ. Nhà đầu tư thời điểm đó đua nhau bán tháo khiến giá trái phiếu Huawei rớt thảm. Nhưng rồi chỉ chưa đầy một tháng sau, giá đã hồi phục lại ngang với thời điểm chưa có lệnh cấm.

Giá của tất cả 4 lô trái phiếu này sau đó tiếp tục đi lên và hiện đều rất gần đỉnh lịch sử.

huawei bond

Giá trái phiếu Huawei sau khi CFO Mạnh Vãn Châu bị bắt (12/2018) và bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại (5/2019) nhưng đều nhanh chóng hồi phục. Nguồn: Bloomberg.

Hồi tháng 5 và thậm chí là cả bây giờ, nhiều nhà đầu tư lo lắng rằng khi bị cắt đứt nguồn cung sản phẩm công nghệ Mỹ như linh kiện bán dẫn và phần mềm, Huawei – nhà sản xuất smartphone thứ hai thế giới - sẽ ngã quị.

Các doanh nghiệp Mỹ như Qualcomm, Broadcom và Intel cung cấp nhiều bộ phận thiết yếu trong sản phẩm điện tử rất khó thay thế, đặc biệt là do Trung Quốc đang tụt hậu so với Mỹ trong thiết kế chip.

Ngay cả việc Google bị cấm cung cấp hệ điều hành Android cho Huawei cũng được coi là một đòn đánh mạnh vào đại gia công nghệ Trung Quốc bởi Android được sử dụng cho hơn 2/3 số smartphone toàn cầu. 

Quan trọng hơn nữa là Huawei không thể tiếp cận được bộ ứng dụng (app) toàn diện mà Google dày công phát triển, điển hình như Gmail hay Chrome.

Tháng 12 năm ngoái, Giám đốc Tài chính (CFO) Mạnh Vãn Châu của Huawei còn bị cảnh sát Canada bắt giữ theo yêu cầu của Mỹ với cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận mà Mỹ áp đặt lên Iran.

Các trái chủ của Huawei rõ ràng đã phớt lờ mọi vụ việc bị coi là "hết sức đáng quan ngại" nói trên, có thể là do các chủ nợ này tin rằng vị thế người hùng quốc gia trong cuộc chiến thương mại cùng với tiềm lực công nghệ mạnh mẽ sẽ giúp Huawei dễ dàng đáp ứng mọi nghĩa vụ nợ đến hạn.

Mã ISIN trái phiếu Huawei

Ngày đáo hạn

Giá trị đang lưu hành

XS1567423501

21/2/2022

1 tỉ USD

XS1233275194

19/5/2025

1 tỉ USD

XS1401816761

6/5/2026

2 tỉ USD

XS1567423766

21/2/2027

500 triệu USD

Theo báo cáo thường niên 2018, năm ngoái Huawei có dòng tiền mặt từ hoạt động kinh doanh gần 11 tỉ USD, giá trị vốn chủ sở hữu cuối năm là 34 tỉ USD, tiền mặt và đầu tư ngắn hạn gần 39 tỉ USD, doanh thu cả năm 105 tỉ USD.

Trong khi đó, tổng vay nợ của Huawei chỉ là 10,2 tỉ USD, trong số này vay trái phiếu là 4,5 tỉ USD. Có thể thấy, Huawei có dư tiềm lực để thanh toán các khoản nợ đến hạn trả.

Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc chững lại và khối nợ phình to trên khắp hệ thống tài chính do tăng trưởng tín dụng quá nóng, Huawei đang tỏ ra là một điểm đến đầu tư an toàn.

Trong tuần qua, sự tin tưởng của nhà đầu tư đối với Huawei đã được tưởng thưởng xứng đáng khi tập đoàn này công bố kết quả kinh doanh quí III cho thấy doanh thu tăng trưởng 27% so với quí III/2018.

Tính cả 9 tháng đầu năm, doanh thu của Huawei đạt 610,8 tỉ nhân dân tệ, tương đương 86,1 tỉ USD, tăng trưởng 24% so với cùng kì năm ngoái. Doanh số bán smartphone 9 tháng tăng 26% lên mức 185 triệu chiếc, giúp Huawei củng cố vị trí thứ hai trên thị trường smartphone toàn cầu.

Tốc độ tăng trưởng của Huawei đã phần nào chậm lại do lệnh cấm của Mỹ, nhưng chắc chắn không phải là kịch bản tối tăm thua lỗ mà một số người từng lo ngại. Quan trọng hơn, Huawei vẫn duy trì được biên lợi nhuận ròng 8,7% như trong nửa đầu năm nay và cao hơn mức 8,2% của năm ngoái khi thương chiến Mỹ-Trung chưa nổ ra.

Tất cả những điều này cho thấy cho dù nền kinh tế vĩ mô và chính phủ Mỹ có làm gì, Huawei – hay ít nhất là các trái chủ của Huawei – vẫn bình an vô sự.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/lenh-cam-van-cua-my-khong-ngan-duoc-nha-dau-tu-don-tien-vao-huawei-20191019232549144.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/