‘Chia tay’ thương hiệu VinMart vào cuối tháng 4

Hết tháng 4, tập đoàn Masan sẽ hoàn tất việc chuyển đổi VinMart/VinMart+ thành WinMart/WinMart+.

 Thương hiệu VinMart cũ của WinMart. (Ảnh: Thiên Trường).

Thông tin từ CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group, mã: MSN), WinCommerce - đơn vị sở hữu hệ thống bán lẻ WinMart/WinMart+, sẽ chính thức hoàn tất việc chuyển đổi thương hiệu trong tháng 4 này. Như vậy, gần 3.000 siêu thị và cửa hàng tiện lợi hiện tại sẽ được đổi tên từ VinMart/VinMart+ thành WinMart/WinMart+ sau hai năm sáp nhập.

"Chuyển đổi thương hiệu WinMart/WinMart+ là bước đi quan trọng nằm trong định hướng chiến lược của WCM nhằm mang đến người tiêu dùng Việt Nam trải nghiệm mua sắm mới mẻ", ông Trương Công Thắng, CEO WinCommerce nói.

“Riêng trong tháng 4, WinCommerce sẽ khai trương hơn 100 siêu thị và cửa hàng WinMart/WinMart+. Chúng tôi kỳ vọng, quy mô chuỗi sẽ đạt hơn 4.000 cửa hàng và 170 siêu thị trong năm 2022. Song song với các điểm bán do công ty vận hành, chúng tôi sẽ tích cực triển khai mô hình WinMart+ nhượng quyền”, phía WCM cho biết thêm.

Năm ngoái, WinCommerce đạt 30.900 tỷ đồng doanh thu thuần, sau khi đóng 230 điểm bán hoạt động không hiệu quả, song song với việc mở các cửa hàng mới. EBITDA của WCM năm 2021 đã cải thiện 2.334 tỷ đồng, đạt lợi nhuận 1.100 tỷ đồng trong cả năm từ mức lỗ 1.234 tỷ đồng năm 2020. EBITDA được cải thiện liên tục trong cả năm 2021 đã giúp lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông đạt điểm hòa vốn vào nửa cuối năm.

WCM cho biết kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2021 nhờ vào các sáng kiến cải thiện lợi nhuận thương mại (gồm biên lợi nhuận gộp và các hình thức hỗ trợ khác từ các nhà cung cấp), tối ưu hóa chi phí vận hành cửa hàng và gia tăng hiệu quả chuỗi cung ứng.

Đầu năm ngoái, Masan Group cũng đã lần lượt tích hợp thành công chuỗi đồ uống Phúc Long, nhà mạng Mobicast, dược phẩm Phano… qua đó mở rộng quy mô Point of Life, thúc đẩy quá trình chuyển đổi chuỗi giá trị tiêu dùng theo xu hướng hiện đại hóa, từ sản phẩm cho đến dịch vụ.

Công ty cũng thực hiện các sáng kiến về chuỗi cung ứng gồm các cải thiện luồng hàng hóa và tối ưu hóa các điểm phân phối đang hoạt động giúp giảm chi phí hậu cần. Mặc khác, lợi nhuận được cải thiện do chi phí tại trụ sở chính và khối văn phòng giảm tính theo % doanh thu nhờ vào doanh thu tăng trưởng.

Bên cạnh đó, WinCommerce đã hoàn tất đàm phán với các nhà cung cấp giúp lợi nhuận thương mại cải thiện. Việc giảm chi phí vận hành cửa hàng đã giúp giảm chi phí thuê mặt bằng, chi phí thuê nhân viên và chi phí tiện ích. 

Ông Danny Le - CEO Masan Group, cho biết mục tiêu năm 2022 của doanh nghiệp sẽ là tái mở cửa các điểm bán. Đồng thời từng bước triển khai nhượng quyền thương hiệu, mục tiêu 20.000 điểm nhượng quyền vào năm 2025.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/chia-tay-thuong-hieu-vinmart-vao-cuoi-thang-4--2022420111840629.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/