Chênh lệch giữa doanh thu và giá vốn hơn 40%, Đạm Cà Mau lãi 2.556 tỷ nửa đầu năm

Dù báo lãi sau thuế quý II lên đến 1.039 tỷ đồng, cao gấp 3,5 lần cùng kỳ nhưng kết quả này cũng cho thấy lợi nhuận của Đạm Cà Mau có xu hướng giảm, lãi quý II đã thấp hơn so với con số đột biến của hai quý liền trước đó.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 của CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau - Mã: DCM) cho thấy các chỉ tiêu kinh doanh tiếp tục tăng mạnh so với cùng kỳ.

Cụ thể, doanh thu thuần tăng trưởng 73% lên 4.084 tỷ đồng, chủ yếu nhờ doanh thu bán ure. Biên lãi gộp trong kỳ cải thiện từ 22,3% của quý II/2021 lên 33,2% quý này.

Trừ đi các chi phí, Đạm Cà Mau lãi sau thuế 1.039 tỷ đồng, cao gấp 3,5 lần cùng kỳ, nhưng vẫn thấp hơn so với con số đột biến của hai quý liền trước lần lượt là 1.096 tỷ và 1.517 tỷ.

Theo  Đạm Cà Mau, giá phân bón trong quý II/2022 tuy có giảm so với quý I trước đó nhưng vẫn neo ở mức cao. Riêng giá bán ure đã cao hơn 79% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận sau thuế và biên lãi gộp quý II/2022 của Đạm Cà Mau tuy thấp hơn hai quý liền trước nhưng vẫn ở mức cao so với giai đoạn trước đó. (Nguồn: MH tổng hợp từ BCTC quý của DCM).

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Đạm Cà Mau đạt 8.158 tỷ đồng, biên lãi gộp hơn 40%, lợi nhuận sau thuế đạt 2.556 tỷ, lần lượt tăng 93% và tăng 471% so với cùng kỳ. Với kết quả trên, công ty đã thực hiện được 90% kế hoạch doanh thu và vượt 4 lần mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm. 

Nửa đầu năm, sản lượng sản xuất urê quy đổi của Đạm Cà Mau đạt 474.350 tấn, đạt 55% kế hoạch năm và bằng 104% so cùng kỳ 2021. Sản lượng tiêu thụ urê ước đạt 432.380 tấn, đạt 56% mục tiêu năm và tăng 3% so cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, ban lãnh đạo Đạm Cà Mau cũng triển khai các phương án xuất khẩu trong các thời điểm nhu cầu nội địa giảm sút, lượng tiêu thụ nội địa chậm, tồn kho tăng cao. Tổng sản lượng urê xuất khẩu 6 tháng của tổng công ty đạt hơn 200.000 tấn đi Campuchia, Ấn Độ và Bangladesh - là một số thị trường truyền thống mà Phân bón Cà Mau có thế mạnh. 

 

Đánh giá những tháng cuối năm 2022, doanh nghiệp cho biết tỷ lệ lạm phát tăng lên trong khi dự báo tăng trưởng kinh tế đang xấu đi, đồng nghĩa với việc giá tất cả hàng hóa sẽ tăng lên và sức mua của các hộ gia đình sẽ giảm và chịu tác động nặng nề. Tình hình chiến sự Nga - Ukraine cùng các chính sách trừng phạt kinh tế, cấm vận cũng sẽ tiếp tục đẩy giá dầu, giá năng lượng lên cao làm tăng chi phí nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất.

Bên cạnh đó, những diễn biến bất thường của thời tiết, khí hậu dự báo sẽ gây ra những tác động không thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp; giá nông sản chưa được cải thiện nhiều trong khi chi phí sản xuất nông nghiệp tăng cao tiềm ẩn nguy cơ nông dân giảm canh tác hoặc chuyển đổi sang sử dụng phân bón giá rẻ kém chất lượng. 

Một nửa tổng tài sản là tiền nhàn rỗi

Tính đến cuối quý II, tổng tài sản của Đạm Cà Mau đạt trên 13.900 tỷ đồng, tăng 2.900 tỷ so với đầu năm, phần lớn do tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng kỳ hạn dưới một năm tăng mạnh. Cụ thể, khoản mục này tăng vọt từ 4.790 tỷ lên 7.208 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa tổng tài sản.

Các khoản phải thu ngắn hạn đạt 924 tỷ đồng, gấp gần 5 lần ngày đầu năm mà phần lớn do phát sinh phải thu với khách hàng Samsung C&T Corporation. Hàng tồn kho của Đạm Cà Mau, đa số là thành phẩm, đạt 2.556 tỷ đồng, tăng khoảng 300 tỷ và chiếm 18% tổng tài sản.

Ở bên kia bảng cân đối, dư nợ vay của Đạm Cà Mau còn 473 tỷ đồng, giảm hơn 30%, hầu hết là nợ di vay ngắn hạn từ Ngân hàng SHB.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/chenh-lech-giua-doanh-thu-va-gia-von-hon-40-dam-ca-mau-lai-2556-ty-nua-dau-nam-2022726144058801.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/