Chàng trai trở thành tỉ phú từ việc bán đồ chơi trong hộp kín

Khởi nghiệp từ những món đồ chơi nhỏ có giá 8 USD gây kích thích trí tò mò của khách hàng, Wang Ning, một tỉ phú khi chỉ mới 33 tuổi, đã gây dựng nên công ty Pop Mart với mức định giá là 2,5 tỉ USD.

Trở thành tỉ phú bằng việc bán đồ chơi trong hộp kín - Ảnh 1.

Wang Ning, 33 tuổi, nhà sáng lập Pop Mart. Ảnh: Pop Mart

Pop Mart là một công ty sản xuất đồ chơi có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Sản phẩm chính của công ty là các bức tượng nhỏ có giá khoảng 8 USD, hay có tên gọi là "blind boxes" (đồ chơi đựng trong hộp kín), có nghĩa là khách hàng sẽ không biết chính xác bên trong hộp đồ chơi có hình thù như thế nào.

Wang Ning, 33 tuổi, nhà sáng lập Pop Mart, cho biết công ty anh đã bán đủ các loại đồ chơi bằng tượng với nhiều hình thù như thỏ, người ngoài hành tinh và các hình dạng khác. Việc bán các sản phẩm đồ chơi đã mang lại cho công ty doanh thu lên tới 240 triệu USD vào năm ngoái, gấp đôi so với doanh thu năm 2018.

Pop Mart với 10 năm kinh nghiệm có lợi nhuận ròng đạt 63 triệu USD. Công ty đang chuẩn bị lên sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong sau vòng gọi vốn 100 triệu USD vào tháng 4 vừa rồi, tương đương mức định giá là 2,5 tỉ USD.

Trở thành tỉ phú bằng việc bán đồ chơi trong hộp kín - Ảnh 2.

Một cửa hàng đồ chơi của Wang Ning ở Trung Quốc, bên ngoài là nhân vật Labubu có hình thù một con thỏ với hàm răng sắc nhọn đặt trước cửa kính. Ảnh: Pop mart

"Tầm nhìn của công ty là trở thành một hãng tiên phong trên thế giới về lĩnh vực giải trí và văn hóa đại chúng", Lisa Yuan, một nhà đầu tư tại ngân hàng đầu tư Bắc Kinh China Renaissance - đơn vị tài trợ về tài chính cho Pop Mart hồi tháng 5, cho biết.

Theo Yuan, tiềm năng phát triển của công ty chính là từ việc vận dụng trí óc để tạo ra những nội dung phim và câu chuyện. Forbes đánh giá 56% hoạt động kinh doanh của Wang có trị giá là 1,2 tỉ USD, anh cũng nhận thấy đây là hướng đi duy nhất để công ty phát triển.

Khởi nghiệp gian nan

Wang đã suy nghĩ về việc làm thế nào để xây dựng Pop Mart sau khi tốt nghiệp Đại Học Trịnh Châu (Trung Quốc) năm 2009. Anh làm việc trong khoảng thời gian là một năm tại Sina Corp. Trung Quốc, một công ty về truyền thông kĩ thuật số, điều hành "Twitter Trung Quốc" là Weibo. Tuy nhiên, Wang nhận thấy anh muốn tự tạo mọi thứ cho mình.

Trong chuyến đi tới Hong Kong, anh đã để ý tới một chuỗi hàng bán lẻ được nhiều người ưa chuộng có tên là LOG-ON bán nhiều thứ từ đồ chơi, mỹ phẩm, chúng luôn nằm yên trên kệ, anh cho rằng những thứ đồ đó cũng có thể bán ở đất liền.

Năm 2010, Wang gọi vốn từ những người bạn đại học của mình, thuyết phục họ sử dụng tiền tiết kiệm để gây vốn, mở cửa hàng Pop Mart đầu tiên ở trung tâm thương mại gần khu phố Zhongguancun thuộc Bắc Kinh, một trung tâm dành cho các công ty công nghệ.

Ban đầu, công ty bán rất nhiều thứ đồ tương tự như LOG-ON, nhưng sau đó, anh gặp phải nhiều vấn đề về quản lí cửa hàng, nhân viên và dịch vụ khách hàng, nhận ra sẽ thật khó để công ty đạt tới điểm hòa vốn.

"Tại thời đó, đồ chơi là mặt hàng bán chạy nhất tại cửa hàng, chúng tôi dần ngưng bán các sản phẩm khác vào tới năm 2014, chúng tôi chỉ tập trung vào đồ chơi", Wang kể lại.

Đồ chơi đựng trong hộp kín - thứ thu hút khách hàng đến phát cuồng

Để bước lên một nấc thang, Wang đã vẽ ý tưởng lấy cảm hứng từ máy bán hàng đồ chơi tự động của Nhật Bản. Sau khi bỏ tiền xu vào, những chiếc máy tự động này sẽ đổi lại cho khách hàng món đồ chơi bất kì. Wang thích sự bất ngờ nhưng anh muốn bán sản phẩm của mình trong bao bì cao cấp hơn.

Anh bắt đầu tiếp cận với các họa sĩ để phác họa những món đồ chơi. Cũng từ đó, anh biết đến Kenny Wong, một người Hong Kong cũng đang bán con búp bê tên Molly được nhiều người ưa chuộng. Wang đã cho Wong cơ hội để Molly trở thành tâm điểm trong chuỗi của hàng của Pop Mart.

Trở thành tỉ phú bằng việc bán đồ chơi trong hộp kín - Ảnh 3.

Wang cùng với Molly và những món đồ chơi khác. Ảnh: Pop mart

Có Wong và Molly đồng hành kể từ năm 2016, doanh số bán hàng của Pop Mart từ đó cũng tăng lên, đạt tới 22 triệu USD năm 2017 và 73 triệu USD chỉ một năm sau đó.

Pop Mart đã nhanh chóng tung ra hàng chục dòng đồ chơi khác nhau. Các đồ chơi được đựng trong hộp kín, khách hàng biết đó thuộc dòng nào nhưng họ vẫn sẽ có cảm giác mơ hồ về hình hài của sản phẩm.

Chẳng hạn, búp bê Molly sẽ không giống như những con thỏ răng nanh từ dòng Labubu hoặc người ngoài hành tinh từ Dimoo. Mỗi dòng đồ chơi trong số trên đem lại sự rung cảm khác nhau nhờ 25 nghệ sĩ đóng góp thiết kế cho Pop Mart.

Mỗi nghệ sĩ sẽ được trích nhận phần trăm trên doanh số hoàn thành sản phẩm mà họ tạo ra. Nhưng không có dòng sản phẩm nào sánh được với Molly của Wong, chiếm 27% doanh số năm 2019.

Pop Mart hiện có 114 cửa hàng, tất cả đều phải đóng cửa tạm thời trong năm nay khi Trung Quốc đối phó với dịch COVID-19. Hiện các cửa hàng đã mở cửa trở lại và may mắn thay, việc kinh doanh trên thương mại điện tử của Pop Mart phát triển rất tốt.

Năm 2017, chưa đến 10% doanh thu của công ty thu từ mạng internet. Năm ngoái, con số đó là gần một phần ba doanh số bán hàng, các kênh trực tuyến mà công ty áp dụng bao gồm nền tảng Paqu của công ty và trang web mua sắm Tmall trên Alibaba.

Pop Mart không phải là công ty bán đồ chơi đựng trong hộp kín duy nhất, nhưng lại có nhiều khách hàng tiềm năng. Theo công ty nghiên cứu công nghiệp Frost and Sullivan, Pop Mart có 8,5% thị phần; đối thủ xứng tầm của công ty, xin được giấu tên, hiện có 7,7% thị phần.

Hiện tại, các sản phẩm của Pop Mart đã chính thức được bán ngoài Trung Quốc đại lục, nhưng phải thông qua các nền tảng thương mại điện tử toàn cầu như Alibaba hay mới đây đã xuất hiện trên Amazon và eBay. Công ty có kế hoạch mở rộng thị trường ở châu Á, châu Âu và châu Mỹ, nhưng Wang từ chối thảo luận thêm về kế hoạch này.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/chang-trai-ro-thanh-ti-phu-tu-viec-ban-do-choi-trong-hop-kin-20200707174841926.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/