CEO Masan MEATLife: 'Chúng tôi đi trước đối thủ khoảng 2 năm trong ngành thịt mát'

Theo Masan MEATLife, các thử nghiệm trên người tiêu dùng đều đánh giá thịt MEATDeli đạt điểm ngon cao hơn nhiều so với thịt chọn ngoài chợ theo phương thức truyền thống.

Cổ phiếu MML của CTCP Masan MEATLife dự kiến được giao dịch trên thị trường UPCoM vào ngày 9/12 (Thứ Hai tuần sau). Đây là thông tin từ ban lãnh đạo công ty trong sự kiện gặp gỡ nhà đầu tư, giới thiệu cổ phiếu chiều ngày 2/12.

Tiền thân từ việc hợp nhất hai công ty trong ngành thức ăn chăn nuôi là Anco và Proconco, mục tiêu cuối cùng của Masan MEATLife là chinh phục thị trường thịt heo qui mô hơn 10 tỉ USD, lớn nhất trong các ngành hàng tiêu dùng. 

Ông Phạm Trung Lâm, Tổng giám đốc của Masan MEATLife cho biết công ty đang áp dụng mô hình kinh doanh hàng tiêu dùng vào ngành thịt chưa có tiêu chuẩn, với 98% sức tiêu thụ thịt heo là thịt nóng tại các chợ. Sản phẩm của Masan MEATLife là thịt lợn mát, được cho biết là vượt trội hẳn về chất lượng so với các loại thịt thông thường. 

"Về công nghệ thịt mát, Masan MEATLife là đơn vị đi tiên phong, chúng tôi chưa thấy bóng dáng của người thứ hai", ông Lâm cho hay. 

Vị CEO với gần 30 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực ngành hàng tiêu dùng cũng tự tin rằng, để bắt đầu cho đến khi có sản phẩm ra thị trường cũng phải mất ít nhất hai năm. Hay cách khác, Masan MEATLife đang tạo khoảng cách hai năm so với các doanh nghiệp bám đuổi. 

"Sản phẩm của chúng tôi không cần phải lựa, vì đồng nhất qui chuẩn; bà bán thịt nay cũng không phần phải biết cắt thịt, vì Masan MEATLife đã nghiên cứu và cân đo khối lượng phù hợp; thịt heo của chúng tôi cũng đi cùng các công thức chế biến để người tiêu dùng có thể áp dụng vào món ăn của mình…", ông Trung nói về những ưu điểm của sản phẩm thịt MEATDeli. 

0000_0000_00000000(250)

Ông Phạm Trung Lâm - CEO Masan MEATLife (Ảnh: BM)

Thời điểm hiện tại, Masan MEATLife đang sở hữu khoảng 450 điểm bán hàng, chủ yếu tại Hà Nội và TP HCM, nhà máy chế biến công suất 240 con mỗi giờ đặt tại Hà Nam. Mục tiêu của công ty vào cuối năm nay là tăng thêm 100 điểm bán hàng nữa với động lực tăng trưởng chính đến từ kênh đại lý và siêu thị. 

Theo CEO Masan MEATLife, các kênh đại lý giúp công ty có thể huy động nguồn lực xã hội tham gia vào câu chuyện của MEATDeli, tạo kênh phân phối rộng rãi. 

Đối với nguồn heo đầu vào, công ty sử dụng mô hình đối tác chiến lược. Masan MEATLife sẽ mời các chủ trại qui mô lớn đến rất lớn cộng tác, trong  đó phía công ty cung cấp từ thức ăn chăn nuôi, đội ngũ kỹ thuật. Ngược lại, các chủ trại cam kết bán heo cho Masan MEATLife. Ông Lâm cho rằng, ở đây một lần nữa, công ty huy động nguồn lực xã hội trong việc cung ứng đầu vào. 

Theo quan sát, đây là mô hình mà Masan áp dụng rất thành công đối với ngành kinh doanh nước mắm. 

Thông qua chiến dịch truyền thông mạnh mẽ, sản phẩm thịt MEATDeli ngày càng được người tiêu dùng nhận biết rộng rãi. Sức tiêu thụ ngày một tăng nhanh, đạt 70 tỉ đồng trong tháng 11 và dự kiến vượt mức 100 tỉ đồng lần đầu tiên trong tháng 12, CEO Masan MEATLife cho biết. 

Khảo sát do chính Masan MEATLife thực hiện, người tiêu dùng đánh giá độ ngon của thịt MEATDeli đạt 4,4 điểm (trên 5) cao hơn nhiều so với thịt chọn lựa ngoài chợ và được cho là ngon, 3,3 điểm. 

Nghiên cứu biến động về giá cũng cho thấy, người tiêu dùng cũng sẵn sàng chấp nhận thịt của Masan MEATLife ở mức giá cao hơn từ 25 - 30% so với giá trung bình trên thị trường. 

"Tôi khuyên các bạn đừng xài thịt MEATDeli, vì nếu xài là các bạn nghiện luôn đó", CEO của MEATDeli chia sẻ một cách hóm hỉnh. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ceo-masan-meatlife-toi-khuyen-cac-ban-dung-an-thit-meatdeli-vi-an-vao-la-nghien-luon-do-20191202180211606.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/