Càng chạy càng lỗ, xe buýt TP.HCM muốn... ngưng hoạt động

Chỉ trong 8 ngày, các đơn vị vận tải xe buýt đã 2 lần gửi kiến nghị đến Chủ tịch HĐND, UBND...

cang chay cang lo xe buyt tphcm muon ngung hoat dong
Nhiều nguyên nhân khiến hành khách đi xe buýt giảm, trong đó có đến 80% vì lý do không đúng giờ do kẹt xe khiến nhiều người chuyển sang phương tiện khác

Doanh nghiệp xin trả lại tuyến, ngưng hoạt động

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phùng Đăng Hải, Giám đốc Liên hiệp HTX Vận tải Thành phố cho biết, đã báo cáo Sở GTVT về việc bắt đầu cắt bớt một số tuyến buýt hoạt động không hiệu quả từ ngày 15/10. “Nhiều xã viên chịu cảnh nợ nần, phải cầm cố nhà cửa, nếu càng tiếp tục chạy càng lỗ nặng thêm”, ông Hải nói.

Theo ông Hải, hiện có khoảng 30% số tuyến, doanh thu bán vé và trợ giá chỉ đủ trả tiền nhiên liệu, tiền lương cho lái xe, tiếp viên bán vé. Các chi phí khác như lãi và nợ gốc vay ngân hàng, chi phí bến bãi, chi phí bảo trì, bảo dưỡng xe, chi phí sửa xe, chi phí lương cho bộ phận điều hành kiểm soát và nhân viên quản lý… không biết trông chờ vào đâu.

Dẫn chứng tuyến xe buýt số 14 của Liên hiệp HTX TP, ông Hải cho hay, doanh thu bán vé một năm khoảng 10,188 tỷ đồng nhưng riêng tiền lương và khấu hao phải trả khoảng 16,606 tỷ đồng/năm, tức HTX lỗ 6,418 tỷ đồng/năm.

Ông Nguyễn Văn Triệu, Chủ nhiệm HTX Vận tải 19/5 cho biết, tuyến buýt số 33 của HTX này có sản lượng bình quân đạt 59,5 khách/chuyến, giờ cao điểm khoảng 90 hành khách/chuyến. Doanh thu bán vé một năm khoảng 27,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, riêng chi phí duy trì hoạt động tuyến chưa tính khấu hao đã khoảng 42,7 tỷ đồng/năm, tức HTX lỗ 15,3 tỷ đồng.

Tuyến số 08 (HTX Quyết Thắng) cũng chung “cảnh ngộ” khi doanh thu bán vé 6 tháng đầu năm 2018 khoảng 13,85 tỷ đồng, nhưng riêng tiền lương và tính khấu hao khoảng 19,47 tỷ đồng.

“Càng chạy càng lỗ nên xã viên rất khó khăn, nguy cơ cao bị ngân hàng siết nợ. Đối với những tuyến có xe đã cũ, chúng tôi không còn động lực và ý định nào để đầu tư đổi mới phương tiện, đề nghị trả lại luồng tuyến cho Nhà nước. Với những tuyến đã lỡ đầu tư phương tiện mới, đề nghị lãnh đạo thành phố giới thiệu các nhà đầu tư có năng lực về tài chính để chúng tôi chuyển nhượng và chỉ thu hồi lại vốn 30% đã đầu tư”, ông Hải nói.

Tính sản lượng kỳ vọng quá cao

Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Vận tải công cộng TP.HCM cho biết, mức trợ giá xe buýt hiện nay được tính theo “bộ đơn giá định mức” của thành phố ban hành trên 1km. Cụ thể, đơn giá bình quân hiện nay được tính là 3.500 đồng/vé.

Trong khi giá vé không tăng, nhưng sản lượng hành khách liên tục giảm thời gian gần đây, ông Hải khẳng định nguyên nhân do kẹt xe, ùn tắc khiến xe buýt bị chậm giờ, hành khách không đi. Buýt “khó lại càng thêm khó”.

Đáng nói, từ tháng 7/2017, Sở GTVT Thành phố gửi Sở Tài chính kế hoạch giao vốn trợ giá xe buýt cho năm 2018 nhưng lại lấy các số liệu sản lượng hành khách năm 2016. Cụ thể, Sở GTVT giao kế hoạch sản lượng vận chuyển trung bình trên toàn mạng xe buýt đạt 45,16 hành khách/chuyến trong khi thực tế tổng kết cuối năm 2017 sản lượng trung bình chỉ đạt 37,13 hành khách/chuyến.

“Khoảng cách giữa sản lượng thực tế và sản lượng tăng kỳ vọng quá xa nhau khiến việc xác định nguồn kinh phí trợ giá chưa sát thực tế, doanh nghiệp càng chạy càng lỗ”, ông Hải nhấn mạnh.

“Chúng tôi kiến nghị sớm phê duyệt “Bộ định mức kinh tế kỹ thuật và phương pháp xác định đơn giá chi phí trong hoạt động xe buýt. Việc trợ giá cho xe buýt hiện nay đang áp dụng theo “Bộ định mức” được ban hành từ năm 2009 với các đơn giá vật tư phụ tùng lấy tại thời điểm năm 2008 đến nay đã 10 năm là quá lạc hậu”, ông Phùng Đăng Hải nói.

Ông Trần Chí Trung cho biết, để giải quyết những khó khăn trên, trước mắt trung tâm đã ứng 100% kinh phí 6 tháng đầu năm cho 5 doanh nghiệp đã ký hợp đồng. Tạm ứng kinh phí cho 8 doanh nghiệp chưa ký hợp đồng để duy trì các hoạt động. Sở GTVT cũng đã trình UBND TP bổ sung dự toán chi phí ngân sách trợ giá xe buýt 2018 và đã được đồng ý về chủ trương. Tuy nhiên, ủy ban yêu cầu Sở Tài chính chủ trì làm việc với các Sở, ngành liên quan để rà soát đơn giá đầu tư xe buýt mới, việc giao khoán sản lượng, đảm bảo tính đúng, tính đủ cho các doanh nghiệp. Cố gắng trong tháng 10 sẽ thống nhất để trình UBND TP.

Về lâu dài, vấn đề mấu chốt là thay đổi “Bộ đơn giá định mức” mới về trợ giá xe buýt. Sở Tài chính, Sở GTVT đã thống nhất và trình UBND TP phê duyệt. Từ đầu năm 2019 sẽ bắt đầu áp dụng thay thế Bộ định mức cũ. Còn chuyện sản lượng tăng kỳ vọng sẽ tiếp tục bàn bạc, nhưng tinh thần là đưa ra sản lượng tăng hợp lý, không áp đặt duy ý chí tạo áp lực cho doanh nghiệp.

Xe buýt tốt nhưng trợ giá chưa hợp lý

Ông Cao Thanh Bình, Phó trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP HCM cho biết, qua khảo sát tình hình xe buýt hiện nay, chất lượng xe buýt được đầu tư tốt hơn nhiều so với các năm. Xe buýt mới, nhân viên tài xế cũng được tập huấn nâng cao phong cách phục vụ hành khách.

Tuy nhiên, việc trợ giá hiện chưa phù hợp với tình hình thực tế, ảnh hưởng đến hoạt động của các xã viên. Chúng ta vẫn đang áp dụng bộ định mức cũ, tính chi phí đầu vào cho doanh nghiệp thấp trong khi thực tế các đơn vị mua xe mới, vay ngân hàng chi phí cao, nhiên liệu tăng và mức lương trả nhân viên cũng tăng.

“Qua khảo sát về tình hình xe buýt hiện nay, chúng tôi thấy các đơn vị đang gặp nhiều khó khăn, sản lượng giảm, HTX bỏ chuyến nhiều. Có nhiều nguyên nhân, trong đó đường sá kẹt xe, bị trễ giờ khiến hành khách không hài lòng và bỏ xe buýt để di chuyển bằng phương tiện khác. Mức khoán cho doanh nghiệp hiện nay cũng chưa phù hợp, không thể khoán kỳ vọng cao được mà cần phải có cuộc khảo sát, thanh tra, điều tra tránh tình trạng theo cảm tính và không sát thực tế”, ông Bình cho biết.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/cang-chay-cang-lo-xe-buyt-tphcm-muon-ngung-hoat-dong-98592.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/