Cải tạo sông Tô Lịch thành sông Thames: Cần nhìn lại những bài học nhãn tiền

Các chuyên gia cho rằng, đề xuất cải tạo sông Tô Lịch giống sông Thames (nước Anh) của doanh nghiệp rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề nan giải mà TP Hà Nội cần phải cân nhắc và tính toán thật kỹ lưỡng để tránh mắc phải những sai lầm.

Việc cải tạo có thể khả thi nhưng tốn kém

Mới đây, Công ty CP Hạ tầng Phương Bắc có công văn gửi UBND TP Hà Nội đề xuất chủ trương cải tạo sông Tô Lịch thành sông Thames ở Anh. Cụ thể, doanh nghiệp này cho biết, trước đây sông Tô Lịch đã được nạo vét đáy sông để làm sạch và chống lấn chiếm. Tuy nhiên đến nay, do hệ thống nước thải của thành phố đổ về sông Tô Lịch ngày càng nhiều, khiến dòng sông bị ô nhiễm nghiêm trọng. Do đó, trong nội dung công văn gửi UBND TP Hà Nội, doanh nghiệp này cho rằng, việc cải tạo Sông Tô Lịch là vấn đề bức thiết và vô cùng quan trọng để giữ môi trường trong sạch cũng như vẻ đẹp của Thủ đô, phát triển du lịch và cải thiện đời sống của người dân, giúp Thủ đô văn minh, hiện đại và phát triển bền vững.

Theo đó, nội dung cải tạo gồm: Cải tạo lại hệ thống thoát nước thải thành hệ thống đi riêng, nước đổ ra sông sẽ là nước mưa tự nhiên và nguồn nước sạch tự nhiên; xây dựng lại hệ thống kè để tiết kiệm không gian, quỹ đất. Trồng cây và các vật liệu kiến trúc mang đến cho thành phố vẻ đẹp đặc sắc văn hóa riêng của thủ đô Hà Nội và phù hợp với phong thủy như vốn có trước đây.

Nhà đầu tư sẽ thực hiện nạo vét đáy sông tạo dòng chảy tự nhiên đảm bảo nguồn nước sạch cho các sinh vật sinh sống. Kết nối với sông Hồng và một số hồ hiện có như Hồ Tây… tạo thành hệ thống sông – hồ hài hòa (giai đoạn tiếp theo sẽ kết nối với sông Nhuệ, sông Kim Ngưu và các sông khác xung quanh để thoát nước mưa và chống ngập cho thành phố).

ho bien song to lich thanh song thames can nhin lai nhung bai hoc nhan tien
Sông Tô Lịch là một trong những con sông bị ô nhiễm nặng của Hà Nội (Nguồn: Tiền Phong)

Liên quan đến vấn đề cải tạo những dòng sông bị ô nhiễm ở Hà Nội, trước đây, TP Hà Nội cũng đã có chủ trương làm “sống lại” 4 dòng sông phía Tây thành phố như sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ và trong đó có sông Tô Lịch. Tuy nhiên, đến nay dòng sông này vẫn là một “dòng sông chết” với mùi hôi thối bốc lên nồng nặc quanh năm.

Đề xuất của Công ty CP Hạ tầng phương Bắc đã nhận được sự quan tâm của dư luận, rất nhiều người dân đang mong chờ dự án được thực thi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vẫn còn nhiều vấn đề nan giải xung quanh đề xuất này.

GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: “Việc cải tạo là hoàn toàn khả thi nhưng vấn đề còn lại là nhà nước phải trả tiền bằng cách gì cho cái việc ấy bởi vì việc cải tạo này sẽ rất tốn kém. Việc cải tạo bên Châu Âu họ cũng làm và cũng bằng cách là gom nước thải sinh hoạt dọc sông để đưa vào trạm xử lý, nước sông sẽ không bị nước sinh hoạt của đô thị đẩy vào. Nhưng hệ thống sông Tô Lịch gồm cả sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu,… tức là một lưu vực khá rộng, gần như bao phủ khắp Hà Nội. Bây giờ làm cống thoát cho nước thải sinh hoạt thì chi phí là rất lớn. Liệu khai thác du lịch có tương xứng được với chi phí bỏ ra đấy không… Đề xuất tài chính thì chưa có nên tôi cho rằng vấn đề ở đây là vấn đề tài chính phải như thế nào, chứ về kỹ thuật thì tôi nghĩ hoàn toàn khả thi”.

Còn theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, TP Hà Nội cũng đã có những dự án Cống hóa một số tuyến mương thoát nước và sông Tô Lịch thì đã có quy hoạch cải tạo, thậm chí quy hoạch này đã có cách đây từ 20 năm. Tuy nhiên, việc quản lý theo quy hoạch chưa được chặt chẽ nên còn xảy ra những khai thác không hiệu quả và không đảm bảo môi trường. Lần này, việc doanh nghiệp đề xuất cải tạo sông Tô Lịch là hoàn toàn hoan nghênh. Việc cải tạo không chỉ phục vụ cho mục tiêu hạ tầng kỹ thuật mà còn có ý nghĩa bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan đô thị và đặc biệt là phát huy giá trị truyền thuyết lịch sử của sông Tô Lịch.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng đưa ra một số vấn đề như: “Thứ nhất, việc cải tạo dòng sông cần phải có các căn cứ khoa học, chủ yếu trước mắt là về quy hoạch và về thoát nước để đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung. Thứ hai là phải lựa chọn chủ đầu tư có năng lực bởi vì hiện nay có rất nhiều chủ đầu tư nhận dự án xong không triển khai thực hiện hoặc triển khai chậm. Bài học kiểm tra 38 dự án của Hà Nội đến nay phải thu hồi 8 dự án là một bài học kinh nghiệm cần quan tâm. Một vấn đề nữa là cần phải lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng, đó là các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các nhà khoa học và đặc biệt là người dân, những chủ sở hữu nhà và đất ở khu vực gần dòng sông. Hơn nữa, các cơ quan quản lý cần phải xác định được năng lực của chủ đầu tư và thống nhất được quy trình triển khai dự án để tìm sự đồng thuận”.

Cẩn thận với hình thức BT

Về hình thức đầu tư, được biết, doanh nghiệp này đề xuất kết hợp giữa xây dựng – chuyển giao (BT) và xây dựng – khai thác – chuyển giao (BOT). Riêng với hình thức BT, Công ty CP Hạ tầng Phương Bắc đề xuất UBND thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư.Với hạng mục BOT, Công ty này đề xuất để nhà đầu tư kinh doanh, khai thác du lịch có thời hạn trên sông Tô Lịch. Liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia cho biết, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng hình thức BT.

“Một vấn đề nữa là riêng với hình thức BT thì họ đòi lấy quỹ đất nào, ở đâu, bao nhiêu. Còn đối với hình thức BOT khai thác, kinh doanh trên sông Tô Lịch thì tôi cho rằng đấy là một hình thức hợp lý”, GS Đặng Hùng Võ cho hay.

Đồng quan điểm, KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, với hình thức hình thức BT mà doanh nghiệp này đưa ra thì cần phải xem xét kỹ bởi vì đây là một dự án có vai trò của nhân dân. Bởi vì hình thức BT sẽ tác động rất nhiều tới đời sống của cư dân xung quanh khu vực. Nên cần phải xem xét và có chính sách thích hợp. Ở đây cần có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước và nhân dân bởi vì hình thức BT sẽ có những khó khăn riêng.

“Còn về phía UBND TP Hà Nội hãy lưu ý tới bài học của Gamuda Land và trạm xử lý nước thải ở Yên Sở vì hiện nay trạm này gần như hoạt động không có hiệu quả. Một dự án môi trường mà lại thiếu những giám sát kỹ thuật và kiểm tra quá trình thực hiện thì rất có thể sẽ dẫn đến việc nhà đầu tư chỉ tìm cách khai thác sông Tô Lịch mà chưa chắc đã giải quyết bản chất vấn đề là chống ô nhiễm dòng sông, khôi phục nước sông trở nên trong xanh. Do đó, mục tiêu này phải rõ ràng và quá trình giám sát phải đạt được yêu cầu đấy”, GS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

Theo ông Võ, từ thực tế ô nhiễm nghiêm trọng của sông Tô Lịch như hiện nay thì việc cải tạo là vô cùng cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, đây cũng là một bài toán khó cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Xem thêm

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/cai-tao-song-to-lich-thanh-song-thames-can-nhin-lai-nhung-bai-hoc-nhan-tien-117164.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/