Cái khó của doanh nghiệp xi măng: Cơn sốt giá than vừa qua, áp lực giá điện sắp đến

Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho rằng giá than hạ nhiệt có thể giúp biên lợi nhuận của doanh nghiệp xi măng cải thiện nhẹ, song khả năng tăng trưởng mạnh là rất khó bởi so với mặt bằng năm 2022, giá than vẫn ở mức cao, trong khi giá điện có thể tăng.

Giá than, điện vẫn là gánh nặng của doanh nghiệp xi măng

2022 là một năm đầy thử thách đối với ngành năng lượng khi xung đột Nga - Ukraine đẩy thế giới bước vào cuộc khủng hoảng, giá các mặt hàng nhiên liệu, trong đó có than tăng phi mã.

(Số liệu: Investing, Biểu đồ: Phạm Mơ)

Đỉnh điểm vào tháng 9/2022, giá than tương lai tại cảng Newcastle (Australia) leo thang lên 458 USD/tấn, gấp hơn 2 lần tháng 1/2022 (trước khi căng thẳng Nga – Ukraine nổ ra) và gấp gần 7 lần tháng 12/2019 (trước khi dịch COVID-19 bùng phát) theo số liệu của Investing.

Cập nhật đến ngày 7/3/2023, giá than tương lai tại cảng Newcastle đã hạ nhiệt về mức 180 USD/tấn, giảm khoảng 60% so với tháng 9/2022, tuy nhiên mức giá này vẫn cao hơn 2,5 lần mặt bằng trước dịch COVID-19.

Còn theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, giá than nhập khẩu về Việt Nam trong tháng 1/2023 ở mức 161 USD/tấn, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng vẫn cao gấp đôi so với tháng 12/2019.

(Số liệu: Tổng cục Hải quan, Biểu đồ: Phạm Mơ) 

Việc giá than nhập khẩu về Việt Nam lao dốc từ mức đỉnh 302 USD/tấn vào tháng 4/2022 và dần tiệm cận mức trước khi xung đột chính trị xảy ra được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến ngành xi măng.

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết giá than giảm nhưng chưa trở lại mặt bằng cũ, điều này vẫn gây khó khăn cho ngành xi măng bởi than thường chiếm 55% giá thành sản xuất xi măng.

“Trong trường hợp tiêu thụ xi măng năm 2022 tích cực hơn năm 2021, giá than giảm sẽ giúp biên lợi nhuận của các doanh nghiệp cải thiện nhẹ, nhưng tăng trưởng mạnh là rất khó”, ông Nguyễn Quang Cung nói.

Theo Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư của CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research), giá xi măng sẽ tương đương năm ngoái hoặc giảm nhẹ 1 - 3% so với năm 2022. SSI Research kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp xi măng cải thiện khoảng điểm 2% - 3% so với cùng kỳ do giá than điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, thời gian biến động giữa giá than thế giới và giá than Việt Nam thường có độ trễ.

Chủ tịch Hiệp hội Xi măng phân tích thêm thực tế loại than dành cho nhiệt điện và xi măng phải phối trộn giữa than bùn và than mỡ, than nâu. Dù Việt Nam có khai thác và sản xuất than, chúng ta vẫn phải nhập khẩu than về để phối trộn và cung cấp cho các doanh nghiệp.

Trong năm 2022, giá than thế giới phi mã, các đơn vị cung cấp than cũng liên tục điều chỉnh giá bán, ảnh hưởng lớn đến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành xi măng. Theo đó, biên lợi nhuận gộp năm 2022 của hầu hết công ty xi măng niêm yết như xi măng Hà Sơn, Bỉm Sơn, Vicem Bút Sơn… đã thu hẹp 2 - 3 điểm % so với năm 2021.

Một doanh nghiệp ghi nhận tỷ suất lợi nhuận gộp giảm sâu là xi măng Phú Thọ, từ gần 10% năm 2021 xuống còn 0,04% năm 2022.

Doanh nghiệp giải trình rằng năm 2022 nguyên vật liệu liên tục tăng cao, đặc biệt là than cám (giá chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) tăng gấp đôi so với năm 2021, lên 4 triệu đồng/tấn làm cho chi phí sản xuất clinker tăng trung bình 327.000 đồng/tấn. Cùng với giá than, giá dầu diesel cũng tăng 50% đã khiến công ty lỗ sau thuế 53 tỷ đồng, biên lợi nhuận tiến sát về mốc 0%.

 Minh Hằng tổng hợp từ báo cáo tài chính của các doanh nghiệp.

Việc giá than hạ nhiệt là tín hiệu đáng mừng cho doanh nghiệp xi măng, tuy nhiên ông Nguyễn Quang Cung cho biết áp lực mới có thể xuất hiện nếu giá điện tăng trong năm 2022.

Trong thời gian qua, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ tăng giá bán lẻ điện do nguồn nguyên liệu đầu vào tăng cao trong khi giá bán điện vẫn đứng yên suốt 4 năm, doanh nghiệp này đã lỗ 31.000 tỷ đồng trong năm 2022.

“Nguy cơ giá điện tăng là rất cao, điều này sẽ tác động lớn đến các doanh nghiệp xi măng vì giá điện chiếm khoảng 30% giá thành sản xuất mặt hàng này.

Đầu tư công liệu có tạo động lực cho ngành xi măng?

Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) nhu cầu tiêu thụ xi măng toàn ngành năm 2023 dự kiến khoảng 100 - 105 triệu tấn, tăng 7 - 10% so với năm 2022. Trong đó tiêu thụ nội địa ở mức 60 - 65 triệu tấn và xuất khẩu đạt 35 - 40 triệu tấn.

Trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao, doanh nghiệp xi măng phải trông cậy vào động lực đến từ đầu tư công. Tại một cuộc họp đầu năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ mục tiêu năm nay là giải ngân ít nhất 95% trong tổng số hơn 711.000 tỷ đồng vốn đầu tư công.

Ông Nguyễn Quang Cung đánh giá việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng, đường cao tốc… sẽ là điểm tựa chính cho doanh nghiệp trong ngành, đồng thời việc các ngân hàng giảm lãi suất cho vay cũng được kỳ vọng sẽ “hồi sinh” thị trường bất động sản, tác động gián tiếp đến ngành xi măng.

Ở mảng xuất khẩu, ông Cung cho rằng xuất khẩu xi măng và clinker năm 2023 sẽ tiếp tục khó khăn khi nhu cầu xây dựng của thị trường chính là Trung Quốc vẫn ảm đạm.

Mặt khác, việc tăng thuế xuất khẩu với mặt hàng clinker từ 5% lên 10% từ ngày 1/1/2023 cũng đang khiến doanh nghiệp điêu đứng vì giá bán không đủ bù đắp cho chi phí sản xuất và thuế.

Từ năm 2022, Hiệp hội Xi măng Việt Nam đã gửi văn bản lên Chính phủ kiến nghị lùi thời hạn tăng thuế xuất khẩu clinker nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng đến thời điểm này vẫn chưa nhận được phản hồi.

“Trong bối cảnh giá clinker xuất khẩu không tăng, lại phải gánh thêm thuế sẽ làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp”, ông Cung nói.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/cai-kho-cua-doanh-nghiep-xi-mang-con-sot-gia-than-vua-qua-ap-luc-gia-dien-sap-den-202338175717102.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/