Các nước chống dịch thành công bắt đầu trở lại cuộc sống bình thường

Đức, Hàn Quốc và New Zealand bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế, dần dỡ bỏ các hạn chế với người dân, sau khi kiểm soát thành công sự lây lan của virus corona trong cộng đồng.

Một số quốc gia đã tiến hành kết hoạch dần mở cửa trở lại nền kinh tế trong tuần này, báo hiệu một sự lạc quan thận trọng của các chính phủ về hiệu quả của các biện pháp chống lại sự lây lan của virus corona.

Đức và Hàn Quốc - hai tấm gương trong việc kiểm soát sự bùng phát của đại dịch - đang chầm chậm nới lỏng các hạn chế với người dân được đặt ra cách đây khoảng một tháng, bắt đầu một con đường dài nhưng thận trọng để trở lại cuộc sống bình thường, và tiếp tục đóng vai trò hình mẫu cho các nước khác học hỏi.

Các nước chống dịch thành công bắt đầu trở lại cuộc sống bình thường - Ảnh 1.

Một số công ty ở Hàn Quốc đã yêu cầu nhân viên đi làm trở lại từ ngày 20/4 sau khi chính phủ dỡ bỏ các lệnh phong toả. Ảnh: Reuters.

Đức trở thành hình mẫu của châu Âu

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã kéo dài lệnh phong toả thêm một tuần, nhưng động thái này được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm mới đã giảm xuống 1 con số, và với tốc độ lây nhiễm như vậy thì chính phủ hoàn toàn có thể kiểm soát được đường đi của virus.

Trong khi đó vào lúc này, đó vẫn là một viễn cảnh xa vời ở phần lớn châu Âu, nơi số ca tử vong do virus corona đã vượt qua 100.000 vào tuần qua. Nhiều quốc gia trong đó có Anh và Pháp, vẫn đang trong lệnh phong toả chặt chẽ, và dự kiến tiếp tục tình trạng này trong nhiều tuần tới.

Theo công ty tư vấn McKinsey, tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng gần gấp đôi, vì hàng chục triệu việc làm ở châu Âu đang bị đe doạ.

Các quan chức ở Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - có vẻ như đã sẵn sàng để đi theo hướng ngược lại, khi cho phép nhiều công ty và cơ sở không thiết yếu mở cửa trở lại từ ngày 20/4. Trong số này có cả các showroom bán xe hơi, cừa hàng sách, sở thú và cửa hàng điện tử, tuy nhiên nhà hàng và quán bar vẫn chưa được phép hoạt động.

Với gánh nặng nợ công tương đối thấp sau nhiều năm tăng trưởng kinh tế, Đức có nhiều thời gian hơn để phong toả đất nước so với các quốc gia khác của EU. Nhưng cho tới nay, tỷ lệ tử vong thấp tại nước này đã khiến các quan chức đồng ý nới lỏng các hạn chế xã hội.

Ít nhất 4.642 người đã chết vì virus corona ở Đức, trong khi đó nước Pháp láng giềng có số ca nhiễm chỉ nhiều hơn một chút, nhưng lại có tỷ lệ tử vong cao gấp 4 lần. Sự khác biệt này được các chuyên gia nhận định là do Đức xét nghiệm trên quy mô rộng hơn so với Pháp, cũng như việc các biện pháp phong toả được đưa ra sớm hơn tại nước này.

Các nước chống dịch thành công bắt đầu trở lại cuộc sống bình thường - Ảnh 2.

Cảnh tượng đông đúc tại công viên ở Berlin sau khi chính phủ nới lỏng các hạn chế tụ tập đông người hôm 20/4. Ảnh: Reuters.

Cũng giống như nhiều nơi khác, việc Đức mở cửa trở lại một phần nền kinh tế diễn ra trong bối cảnh các quan chức cảnh báo rằng sẽ phải còn rất xa mới có thể hoàn toàn trở lại cuộc sống bình thường. 

Tuần trước, Tây Ban Nha cho phép lao động ngành xây dựng trở lại làm việc, mặc dù kéo dài lệnh phong toả và yêu cầu người dân ở nhà thêm 2 tuần. Áo cho phép các cửa hàng mở cửa trở lại, nhưng yêu cầu người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

Tương tự, Đan Mạch và CH Czech cũng cho phép những cửa hàng nhỏ mở cửa trở lại, còn Na Uy thì bắt đầu cho phép học sinh mầm non tới trường. Ba Lan trong khi đó mở cửa công viên và các cánh rừng cho người dân.

Hàn Quốc và New Zealand thận trọng

Tại Hàn Quốc, chính phủ nước này thậm chí đã cho phép các quán bar, cơ sở thể thao và nhà thờ hoạt động trở lại. Số ca tử vong vì COVID-19 ở nước này tới nay là 236 trường hợp - thấp nhất trong số các quốc gia có sự bùng phát lớn, và nhiều ngày qua số ca nhiễm mới đều chỉ ở mức 2 con số.

Thủ tướng Chung Sye Kyun hôm 20/4 tuyên bố rằng mặc dù chính sách cách ly xã hội sẽ được kéo dài thêm 16 ngày, các quy định sẽ được nới lỏng.

"Giờ đây khi các lớp học trực tuyến và việc làm việc tại nhà đã trở thành điều bình thường mới, chúng tôi có thời gian để xem xét việc cân bằng giữa kiểm soát sự lây nhiễm và các hoạt động kinh tế", ông Chung nói trong cuộc họp của chính phủ.

Mặc dù số ca nhiễm hàng ngày ở Hàn Quốc chỉ còn ở mức vài chục, nhưng nguy cơ từ các ổ dịch nhỏ là vẫn còn, theo Bộ trưởng Y tế Park Neung Hoo.

Một sự quan ngại tương tự đã khiến chính phủ New Zealand kéo dài lệnh phong toả thêm 5 ngày, bất chấp các con số cho thấy tỷ lệ lây nhiễm đã ở mức gần với an toàn.

New Zealand theo đuổi chiến lược "sớm và quyết liệt" trong đó đóng cửa biên giới và phong toả đất nước ngay từ khi số ca nhiễm còn ở mức thấp. Kết quả là tỷ lệ lây nhiễm ở nước này giờ chỉ là 0,48 (1 người lây cho 0,48 người khác) - so với tỷ lệ trung bình 2,5 trên toàn thế giới.

Các nước chống dịch thành công bắt đầu trở lại cuộc sống bình thường - Ảnh 3.

Thủ tướng Jacinda Ardern cho biết New Zealand sẽ kéo dài lệnh phong toả thêm 5 ngày như một biện pháp thận trọng trước khi mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế. Ảnh: AFP.

Bộ Y tế New Zealand cho biết nước này ghi nhận 9 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm toàn quốc lên 1.440. Hơn hai phần ba số người nhiễm bệnh đã hồi phục trong khi có 12 người tử vong từ đầu dịch, tất cả đều trên 70 tuổi.

Từ thứ 3 tuần tới, những cơ sở dịch vụ ở New Zealand sẽ được phép mở cửa nếu có thể duy trì khoảng cách vật lý giữa người lao động và khách hàng, nhưng đối với hầu hết mọi người, họ sẽ phải tiếp tục học tập và làm việc tại nhà, cũng như hạn chế tiếp xúc với bên ngoài.

Thủ tướng Ardern giải thích cho việc kéo dài phong toả là vì chính phủ không muốn những nỗ lực của "tập thể 5 triệu người" để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh bị lãng phí, và cũng để hạn chế việc phải thay đổi kế hoạch phong toả liên tục.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/cac-nuoc-chong-dich-thanh-cong-bat-dau-tro-lai-cuoc-song-binh-thuong-2020042106473309.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/