Các doanh nghiệp đăng ký xây dựng 1,2 triệu căn nhà ở xã hội

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương xây dựng đề án đầu tư, xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp trong giai đoạn từ nay tới năm 2030.

Ngày 1/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp nhằm đáp ứng mục tiêu xây dựng nhà ở phù hợp khả năng chi trả của công nhân, người lao động, người thu nhập thấp, người có hoàn cảnh khó khăn.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, trong thời gian chuỗi cung ứng nhà ở xã hội, trong đó đối tượng là người thu nhập trung bình rất khó tiếp cận nhà ở với giá cả như hiện nay.

Với đồng lương của người lao động hiện nay, trong vòng 20 năm để tiếp cận nhà ở vô cùng khó khăn. Các đối tượng xã hội thụ hưởng, tính cả đô thị và nông thôn, mặc dù đã có nhiều chủ trương, chính sách nhưng vẫn còn nhiều vấn đề. 

Từ thực trạng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng hiện có 2 nhóm cần được tập trung giải quyết, bao gồm nhóm nhà ở xã hội cho những người nghèo nông thôn và người thu nhập thấp ở đô thị và nhóm nhà ở cho công nhân.  

"Cần phân loại rõ, quy định cho vay rõ ràng, thu hẹp loại vay vốn ngắn hạn. Phải đưa ra 2 loại: Một loại nhà ở công nhân ở khu công nghiệp thì chỉ nên cho doanh nghiệp thuê đất, sau đó cho công nhân đang ở trong khu công nghiệp thuê lại. Khi họ không làm nữa họ sẽ ra khỏi khu công nghiệp. Nếu bán cho người ta, sau này doanh nghiệp tuyển công nhân mới thì không có nhà mới nữa, muốn làm phải có đất. Cho nên ở trong khu công nghiệp là phải cho thuê, ở ngoài khu công nghiệp có thể cho thuê, thuê mua hoặc bán.

Còn nhà ở xã hội chúng ta bố trí theo quy hoạch được duyệt và nên ưu tiên những quỹ đất sạch để làm. Những quy định hiện hành của chúng ta mới chỉ tính đến chuyện doanh nghiệp đứng ra làm chứ chưa tính đến chuyện Nhà nước thuê doanh nghiệp làm",Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết.

Theo báo cáo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Văn Tuấn tại hội nghị, giai đoạn 2016-2020, TP Hà Nội đã hoàn thành 25 dự án với khoảng 1,25 triệu m2 sàn và 52 dự án đang triển khai với khoảng 4,14 triệu m2 sàn. Thành phố đang tiếp tục triển khai 5 khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) quy mô lớn.

Tính chung trên cả nước,Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biếttính đến nay đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân, quy mô xây dựng khoảng 156.000 căn, với tổng diện tích hơn 7,79 triệu m2. Có khoảng 401 dự án đang tiếp tục được triển khai với quy mô xây dựng 455.000 căn, tổng diện tích khoảng 22,7 triệu m2.

Cũng tại hội nghị lần này, các doanh nghiệp đã đăng kýđầu tư, xây dựng trên 1,2 triệu căn hộ từ nay tới năm 2030. Thủ tướng nhấn mạnh "các doanh nghiệp này cần nói đi đôi với làm, không để người dân mất niềm tin". 

Về giải pháp, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, xây dựng đề án đầu tư, xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp trong giai đoạn từ nay tới năm 2030, hoàn thành ngay trong tháng 8 này.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng được giao nhiệm vụ phối hợp với các bộ, cơ quan địa phương tháo gỡ các vướng mắc, sửa đổi, hoàn thiện các quy định để triển khai hiệu quả, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp...

Thủ tướng Phạm Minh Chính.  (Ảnh: Báo Chính Phủ).

Thủ tướng cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố báo cáo trước ngày 15/8 về các dự án nhà ở xã hội đang triển khai, các vị trí đất đã có chủ trương xây dựng nhà ở xã hội nhưng chưa triển khai, lập kế hoạch triển khai cho thời gian tới với số lượng dự án, căn hộ cụ thể từ nay tới năm 2030 để bảo đảm nhu cầu địa phương. Qua đó, Chính phủ sẽ nghiên cứu, tổng hợp, giao kế hoạch cụ thể. 

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổng hợp, đề xuất và phân bổ nguồn vốn từ ngân sách Trung ương theo kế hoạch trung hạn và hằng năm thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội. Chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để tăng nguồn cung cho thị trường.

Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi pháp luật về thuế để phù hợp với pháp luật về nhà ở đối với trường hợp ưu đãi thuế cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê. Chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về phương án bảo lãnh phát hành trái phiếu của Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Nghiên cứu chính sách về nghĩa vụ của các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động tại các khu công nghiệp có trách nhiệm hỗ trợ nhà ở cho công nhân, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp đó.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng hướng dẫn các địa phương trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm đủ quỹ đất để triển khai thực hiện các dự án xây dựng nhà ở xã hội. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng nghiên cứu chính sách ưu đãi không tính tiền sử dụng đất đối với dự án nhà ở xã hội, nhà công nhân trong quá trình xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi).

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các Ngân hàng thương mại được chỉ định, quan tâm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đủ điều kiện được vay vốn ưu đãi theo quy định của Nghị định số 31/2022/NĐ-CP; nghiên cứu việc cho vay phát triển nhà trọ cho công nhân.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/cac-doanh-nghiep-dang-ky-xay-dung-12-trieu-can-nha-o-xa-hoi-202281203929612.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/