Cá tra giống rớt giá, người nuôi lỗ nặng

Giá thấp nên không ai đầu tư thì 6 tháng tới sẽ không có cá tra giống để thả

Cá tra nguyên liệu rớt giá thê thảm đã kéo theo hàng loạt hộ sản xuất cá tra giống khốn đốn vì vừa không tìm được đầu ra vừa phải tốn thêm nhiều chi phí phát sinh do cá ngày càng lớn.

Do thả nuôi tràn lan

Bà N.T.Đ - chủ một doanh nghiệp (DN) sản xuất cá tra giống ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang - cho biết DN này đang tồn đọng hàng tấn cá tra giống tại các ao nuôi do không tìm được đầu ra, dù cá đã đến kỳ thu hoạch.

Cá tra giống rớt giá, người nuôi lỗ nặng - Ảnh 1.

Người nuôi cá tra giống kiểu tự phát đã bao phen chịu cảnh thua lỗ do phụ thuộc vào giá cá nguyên liệu Ảnh: THỐT NỐT

Nhiều năm qua, bà Đ. thường chọn mua cá bột (dạng trứng) từ các cơ sở ở tỉnh Đồng Tháp về ương thành cá giống để cung cấp cho DN và người nuôi trong khu vực ĐBSCL. Bình quân, mỗi ao ương cá giống 3 ha thả nuôi 20 triệu cá bột tốn khoảng 12 triệu đồng.

Tuy nhiên, không ít người nuôi chịu cảnh trắng tay vì cá giống chết sạch sau vài tháng gây nuôi. Những năm thời tiết tương đối tốt như năm nay thì tỉ lệ cá sống thành cá giống cũng chỉ từ 10% đến 20%.

"Có rất nhiều người nuôi như tôi đang khốn đốn do giá cá tra giống rớt thê thảm mà cũng không có người mua. Suốt cả tháng nay, tôi đi khắp nơi để kêu bán mà không được. Tôi kêu giá 20.000 đồng/kg cá giống (10-15 con) nhưng người ta trả 15.000 đồng/kg thì tụi tôi cầm chắc lỗ không dưới 3.000 đồng/kg.

Tính riêng trong đợt này, tôi chịu lỗ hơn 1 tỉ đồng" - bà Đ. nói như khóc. Cũng theo bà Đ., thảm cảnh này kéo dài từ đầu năm đến nay.

Khi thấy giá cá tra giống tăng cao, ai nấy cũng đào ao thả nuôi. Đến lúc cá tra thịt (cá nguyên liệu chế biến xuất khẩu) rớt giá thì người nuôi cá tra giống lâm nợ do không bán được.

Ông Ngô Quang Trường, Giám đốc Công ty Thủy sản Biển Đông, phản ánh năm 2018, giá cá tra giống tới 60.000 đồng/kg nhưng cách đây 2 tháng, chỉ còn 15.000 đồng/kg. Giá thấp nên không ai đầu tư thì 6 tháng tới sẽ không có cá tra giống để thả.

"Giá cá tra nguyên liệu bị ảnh hưởng rất lớn bởi giá cá giống. Do tình trạng nuôi cá tra giống tràn lan nên cần quy hoạch mỗi tỉnh một khu vực tập trung nuôi cá giống và cá thịt cho phù hợp.

Thay vì khống chế sản lượng cá giống, có thể mua ổn định 24.000-25.000 đồng/kg để bảo đảm người nuôi cá giống có lời, kiểm soát con giống tốt hơn và giá cả không bấp bênh" - ông Trường cho biết.

Cần có quy chuẩn

Theo ông Vũ Đức Trí, Giám đốc quản lý doanh nghiệp đại diện Tập đoàn Việt - Úc, sự bấp bênh của ngành cá tra bắt nguồn từ con giống, có lúc không có giống cung cấp cho vùng nuôi.

"Cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản, ngành nông nghiệp địa phương cần đẩy mạnh việc đánh số và quy hoạch vùng nuôi. Đồng thời, xây dựng quy chuẩn nhất định cho các cơ sở sản xuất giống, vùng nuôi đạt chất lượng mới bán ra thị trường" - ông Trí đề xuất.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh An Giang, cho biết địa phương này đang tích cực triển khai thực hiện "Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL" theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

"Chúng tôi đang phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II tiến hành nghiên cứu hoàn thiện quy trình ương cá tra giống nâng cao tỉ lệ sống, cải thiện chất lượng con giống, hạ giá thành.

Chúng tôi cũng đang tiến hành thử nghiệm "Mô hình ương 2 giai đoạn trong bể lót bạt" và sẽ hoàn thiện giai đoạn 1 trong năm nay là ương cá hương. Theo dự kiến, mô hình này sẽ hoàn chỉnh quy trình sản xuất trong năm 2020" - ông Lâm nói.

Cũng theo ông Lâm, để triển khai đề án này, ngành chức năng đã tích cực thực hiện công tác mời gọi các DN đầu tư nâng cấp trung tâm giống cá tra chất lượng cao tỉnh An Giang với hình thức hợp tác công - tư; thành lập công ty cổ phần sản xuất giống cá tra chất lượng cao; dự án đầu tư khu liên hợp sản xuất giống và nuôi cá tra thương phẩm công nghệ cao với quy mô 350 ha…

Ông Lâm cho biết: "Sở NN-PTNT cũng đã hướng dẫn về trình tự, thủ tục cần thiết cho 2 DN đầu tư để được hỗ trợ chính sách ưu đãi theo Nghị định 57 của Chính phủ.

Hiện sở đang phối hợp với các đơn vị liên quan lập dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất cá tra tập trung trên địa bàn tỉnh trình Bộ NN-PTNT để thực hiện các bước tiếp theo theo quy định hiện hành".

Chọn giống bố mẹ kháng bệnh

Về đề án "Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL", TS Nguyễn Văn Sáng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, thông tin rằng qua 3 đợt ương thì tỉ lệ sống cá bột/cá hương khoảng 40%. "Hướng tiếp theo, viện sẽ kết hợp với DN đẩy mạnh quy trình ương, chọn tạo giống cá tra bố mẹ tập trung tính kháng bệnh gan, thận, mủ do bệnh này sẽ gây thiệt hại lớn cho người nuôi" - TS Nguyễn Văn Sáng nói.


Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ca-tra-giong-rot-gia-nguoi-nuoi-lo-nang-20191202103621952.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/