Cá nhân trong nước rót thêm gần 11.200 tỷ đồng vào TTCK, tập trung HPG và nhóm ngân hàng

Theo thống kê, cá nhân trong nước mua ròng tổng cộng 11.161 tỷ đồng trên sàn HOSE trong 20 phiên giao dịch của tháng 5, tập trung vào HPG (4.277 tỷ đồng) và nhóm ngân hàng (3.631 tỷ đồng).

NĐT cá nhân trong nước mua ròng gần 11.200 tỷ đồng trong tháng 5

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua tháng 5 đầy hứng khởi. VN-Index tiếp tục thiết lập mức đỉnh lịch sử mới, đóng cửa tháng ở 1.328,05 điểm, tăng hơn 7% so với tháng trước. Khởi sắc hơn, HNX-Index thêm 12,8% và UPCoM-Index đi lên 10%.

Đà tăng điểm của thị trường một phần đến từ lực cầu từ những nhà đầu tư cá nhân trong nước. Bất chấp đà bán ròng của khối ngoại, nhóm NĐT cá nhân nội ồ ạt đổ tiền vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Dữ liệu từ FiinPro, khối này đã mua ròng tổng cộng 11.161 tỷ đồng trên sàn HOSE trong 20 phiên giao dịch của tháng 5.

Cá nhân trong nước rót thêm gần 11.200 tỷ đồng vào TTCK, tập trung HPG và nhóm ngân hàng - Ảnh 1.

Thống kê giao dịch của NĐT cá nhân trong nước trong tháng 5. Nguồn: Hoàng Linh tổng hợp.

Chi tiết hơn, NĐT cá nhân trong nước đã mua vào lượng cổ phiếu 12,58 tỷ đơn vị với giá trị 377.390 tỷ đồng trong khi bán ra 12,26 tỷ đơn vị với giá trị 366.229 tỷ đồng trong tháng.

Tổng cộng, nhóm NĐT cá nhân trong nước mua ròng 18/20 phiên giao dịch của tháng 5. Hoạt động bán ròng diễn ra trong hai phiên 12/5 và 27/5. Trong đó, có 5 phiên khối này mua ròng trên 1.000 tỷ đồng là 13/5, 14/5, 17/5, 18/5 và 31/5. Vậy nhà đầu tư cá nhân trong nước mua bán ròng nhiều nhất cổ phiếu nào trong tháng 5?

Khẩu vị ưa thích HPG và cổ phiếu ngân hàng

Cá nhân trong nước rót thêm gần 11.200 tỷ đồng vào TTCK, tập trung HPG và nhóm ngân hàng - Ảnh 2.

Top10 được NĐT cá nhân mua/bán ròng nhiều nhất trong tháng 5. Nguồn: Hoàng Linh tổng hợp.

Tại chiều mua vào, cổ phiếu HPG của Hòa Phát dẫn đầu về giá trị mua ròng với 4.277 tỷ đồng. Đây là mã chứng khoán bị khối ngoại xả mạnh nhất trong tháng 5 vừa qua. Bất chấp đà bán ròng của khối ngoại, cổ phiếu HPG diễn biến tích cực nhờ lực cầu từ NĐT cá nhân trong nước. Đây là mã duy nhất ghi nhận giá trị mua ròng trên 1.000 tỷ đồng từ cá nhân trong nước trong tháng 5.

Thống kê trong phiên chốt quyền (31/5) chia cổ tức bằng cổ phiếu (tỷ lệ 35%) và tiền mặt (tỷ lệ 5%), mã HPG tăng kịch trần với khối lượng khớp lệnh khủng nhất trong lịch sử với hơn 60,3 triệu đơn vị. NĐT cá nhân trong nước đóng góp phần lớn vào thanh khoản phiên đó.

Cùng với HPG, nhóm ngân hàng là tâm điểm giao dịch. Tổng cộng khối này mua ròng 3.631 tỷ đồng cổ phiếu ngân hàng trong tháng 6. Hoạt động mua vào diễn ra tại 13/16 mã niêm yết trên sàn HOSE.

Cá nhân trong nước rót thêm gần 11.200 tỷ đồng vào TTCK, tập trung HPG và nhóm ngân hàng - Ảnh 3.

Giao dịch cổ phiếu ngân hàng của cá nhân trong nước trong tháng 5. Nguồn: Hoàng Linh tổng hợp.

Cổ phiếu VPB dẫn đầu về giá trị mua ròng trong nhóm với 920 tỷ đồng. Ba cổ phiếu khác cũng được gom trên 500 tỷ đồng có MBB (870 tỷ đồng), CTG (797 tỷ đồng), TPB (584 tỷ đồng). Động thái mua ròng với giá trị trên 100 tỷ đồng của cá nhân trong nước còn diễn ra tại một số mã khác như MSB, LPB, VCB và SSB. 

Tại chiều bán ra, cổ phiếu STB của Sacombank khi cá nhân trong nước chốt lời mạnh nhất khi giá tiến lên vùng đỉnh lịch sử với 314 tỷ đồng. Hai mã ngân hàng khác bị bán ròng là ACB (290 tỷ đồng) và OCB (165 tỷ đồng).

Trở lại giao dịch của cá nhân trong nước trong tháng 5, nhóm này giao dịch trái chiều với cổ phiếu "họ Vingroup". Trong khi mã VIC của Tập đoàn Vingroup đứng thứ hai về giá trị mua ròng (983 tỷ đồng), cổ phiếu VHM của Vinhomes lại bị xả mạnh nhất trên sàn HOSE với hơn 616 tỷ đồng. Mã VRE của Vincom Retail được mua ròng hơn 247 tỷ đồng.

Theo thống kê trong tháng 5, cá nhân trong nước "xuống tiền" bắt đáy cổ phiếu VNM của Vinamilk khi mã này lao dốc mạnh. Tổng giá trị mua vào trong tháng vừa qua đạt 655 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền còn hướng đến hai mã vốn hóa lớn là NVL và HNG.

Trong khi đó, dòng tiền từ các cá nhân trong nước rút ra khỏi một số mã vốn hóa lớn như PNJ (292 tỷ đồng), MWG (263 tỷ đồng), MSN (256 tỷ đồng). Ngoài các bluechip trên, các mã vốn hóa trung bình nằm trong nhóm bị bán ròng có FMC (181 tỷ đồng), NKG (158 tỷ đồng) và DHC (152 tỷ đồng).

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ca-nhan-trong-nuoc-rot-them-gan-11200-ty-dong-vao-ttck-tap-trung-hpg-va-nhom-ngan-hang-20210602105312835.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/