Buộc doanh nghiệp cung cấp dữ liệu hoạt động, Trung Quốc có công cụ mới trong cuộc đấu với Mỹ?

Trung Quốc đang thay đổi môi trường kinh doanh thông qua hệ thống tín nhiệm xã hội - một động thái mà giới chuyên gia dự đoán sẽ làm tăng nhanh khối lượng dữ liệu các doanh nghiệp phải chia sẻ với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, hệ thống mới cũng dấy lên nhiều lo ngại rằng Bắc Kinh có thể sử dụng nó như một công cụ đấu đá trong cuộc thương chiến với Washington.

105917037-1558010258774gettyimages-1142488819r

Ảnh: Getty Images

Để tạo ra môi trường kinh doanh công bằng và minh bạch?

Theo một báo cáo do Phòng Thương mại Liên minh châu Âu (EU) và công ty Sinolytics công bố hôm 28/8, Bắc Kinh muốn đối chiếu thông tin từ các doanh nghiệp hoạt động tại Trung Quốc, bao gồm cả doanh nghiệp nước ngoài và nội địa, để tích hợp chúng vào một cơ sở dữ liệu tập trung.

Mặc dù Bắc Kinh khẳng định hệ thống này là nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh "công bằng, minh bạch và có thể dự đoán được", nhiều người bày tỏ lo ngại về cách chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng dữ liệu, đặc biệt là trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung leo thang.

Hệ thống mới còn có thể đưa Bắc Kinh đến gần hơn mục tiêu xây dựng một "hệ thống tín nhiệm xã hội" quốc gia, CNBC dẫn lời báo cáo trên cho hay.

Cơ sở dữ liệu mới này cho phép chính phủ theo dõi và giám sát hoạt động của toàn bộ doanh nghiệp tại Trung Quốc. Ngoài ra, nó còn tìm cách cải thiện mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và tăng mức phạt đối với các công ty có đối tác liên quan đến hành vi gian lận.

Một phiên bản thử nghiệm của cơ sở dữ liệu khổng lồ này, có tên gọi là Hệ thống Giám sát Internet+ toàn Quốc gia, có khả năng được tung ra trong tháng 9 và phiên bản cuối cùng sẽ được công bố vào cuối năm nay.

Ông Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc, cho biết rằng hệ thống mới có thể giúp bình đẳng hóa sân chơi giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, nó còn có thể giúp thực thi pháp luật Trung Quốc tốt hơn vì có ít lỗ hổng để quan chức chính phủ "nhúng tay" vào hơn.

Hệ thống giám sát doanh nghiệp nói trên dường như là chìa khóa để biến hệ thống tín nhiệm xã hội gây nhiều tranh cãi thành hiện thực. Mục tiêu của cơ sở dữ liệu này là tích hợp nhiều kênh thu thập thông tin hiện có tại Trung Quốc, từ đó loại bỏ rào cản để tạo ra một hệ thống tín nhiệm xã hội trên toàn quốc vào năm 2020.

Khi hoàn thiện, hệ thống tín nhiệm xã hội sẽ nhằm vào các công dân, doanh nghiệp và chính phủ Trung Quốc, theo công ty nghiên cứu Trivium China (Bắc Kinh). Về cơ bản, hệ thống sẽ bao gồm ba phần: cơ sở dữ liệu chính, hệ thống danh sách đen và hệ thống thưởng - phạt.

Vũ khí tiềm năng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Một hệ thống có thể hạn chế khả năng tiếp cận thị trường hẳn dấy lên nhiều lo ngại cho các doanh nghiệp nước ngoài và điều này đặc biệt liên quan đến tranh chấp thương mại Mỹ - Trung hiện nay.

CEO của Sinolytics - ông Bjorn Conrad ước tính, khối lượng dữ liệu mà các công ty cần cung cấp trong tương lai có thể gấp 10 lần so với yêu cầu hiện tại. Ông chỉ ra rằng phần lớn thông tin đều không nhạy cảm, nhưng CEO Sinolytics lại ngạc nhiên trước việc các cơ quan chính phủ làm việc nhanh chóng như thế nào để ra mắt và vận hành hệ thống.

"Điều này có thể cho phép Trung Quốc sử dụng hệ thống một cách có chủ đích trong bối cảnh xung đột thương mại", ông Conrad nhận định.

Bắc Kinh cũng đang cố gắng cải thiện khả năng hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài trong thị trường lâu nay vốn khép kín của họ.

Chẳng hạn, các công ty có thể sử dụng một bộ luật đầu tư nước ngoài (dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2020) để giải quyết một số khiếu nại về chuyển giao công nghệ bắt buộc và bảo vệ sở hữu trí tuệ - hai điểm vướng mắc chính trong đàm phán thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.

Tuy nhiên, Phòng Thương mại EU và Sinolytics cũng chỉ ra, việc triển khai hệ thống tín nhiệm xã hội cho thấy Trung Quốc đang đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát như thế nào.

"Do đó, công cuộc dỡ bỏ (một phần hoặc toàn bộ) rào cản thị trường cứng nhắc của Trung Quốc có thể được lí giải qua việc Bắc Kinh ngày càng tự tin về khả năng gây ảnh hưởng lên doanh nghiệp nội địa và nước ngoài theo nhiều cách khác nhau".

Hệ thống mới có ý nghĩa thế nào đối với doanh nghiệp?

Hiện nay, cũng có thông tin cho biết các nhà chức trách Trung Quốc đang phát triển một số danh sách đen song song, điều này làm gia tăng lo ngại về mối liên hệ giữa chúng với hệ thống tín nhiệm xã hội doanh nghiệp.

Cơ quan Quản lí Thị trường Quốc gia Trung Quốc đang xây dựng một danh sách các tổ chức không đáng tin cậy. CNBC đã gửi yêu cầu bình luận nhưng cơ quan này không phản hồi liệu danh sách nói trên có liên quan đến Hệ thống Giám sát Internet+ hay không.

Bộ Thương mại Trung Quốc cũng đang lên kế hoạch cho một danh sách doanh nghiệp không đáng tin cậy mà họ từng tuyên bố hồi cuối tháng 5, theo sau khi Mỹ quyết định liệt gã khổng lồ Huawei vào danh sách đen.

Trong một cuộc họp báo hôm 29/8, phát ngôn viên Bộ Thương mại Gao Feng cho biết, danh sách của bộ tách biệt với hệ thống tín nhiệm xã hội.

Hệ thống tín nhiệm xã hội doanh nghiệp được triển khai ra sao?

5 công ty công nghệ lớn đang tham gia vào quá trình thiết lập hệ thống. Một trang web chính phủ cho biết việc đấu thầu cho dự án này đã được mở vào ngày 19/3 và giá trúng thầu là 52,78 triệu nhân dân tệ (tương đương 7,54 triệu USD).

Báo cáo của Phòng Thương mại EU và Sinolytics đã tóm tắt các công việc chính như sau:

Taiji Computer nhận trọng trách điều phối và chịu trách nhiệm chính trong việc tích hợp các nguồn dữ liệu khác nhau lên một nền tảng; Huawei cung cấp máy chủ và cơ sở hạ tầng đám mây; Alibaba hỗ trợ khâu phân tích xếp hạng và hồ sơ doanh nghiệp';  Tencent cũng tham gia vào khâu phân tích; VisionVera cung cấp dữ liệu giám sát video.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/buoc-doanh-nghiep-cung-cap-du-lieu-hoat-dong-bac-kinh-co-cong-cu-moi-trong-cuoc-dau-voi-my-20190904115853364.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/