Bùi Thanh Tâm, sáng lập thương hiệu Bánh mì Xin chào: Khát vọng tạo sự tử tế trong từng sản phẩm

Bùi Thanh Tâm, du học sinh Nhật Bản đang bắt đầu kế hoạch mở chuỗi cửa hàng bánh mì tại Việt Nam, với một tiêu chuẩn mới và một nhu cầu mới cho thị trường.

bui thanh tam sang lap thuong hieu banh mi xin chao khat vong tao su tu te trong tung san pham Người mang bánh mì Việt tới Nhật và ước mơ chuỗi cửa hàng thức ăn nhượng quyền

Đau đáu ước mơ mở chuỗi cửa hàng bánh mì tại Việt Nam

Bùi Thanh Tâm được xem là một ví dụ điển hình trong số những du học sinh khởi nghiệp thành công tại xứ sở hoa anh đào, với thương hiệu Bánh mì Xin chào.

Sau 4 năm học và làm thuê tại Nhật Bản, Bùi Thanh Tâm bắt đầu lập nghiệp với cửa hàng Bánh mì Xin chào vào năm 2016, tại quận Shinjuku, Tokyo. Sau đó 5 tháng, luận văn tốt nghiệp với chủ đề Triển khai mở chuỗi cửa hàng bánh mì - sandwich Việt Nam tại Nhật của anh được bình chọn hay nhất khoa.

bui thanh tam sang lap thuong hieu banh mi xin chao khat vong tao su tu te trong tung san pham
Bùi Thanh Tâm, sáng lập thương hiệu Bánh mì Xin chào

Trong những ngày sống trên đất Nhật với nhiều khó khăn khi vận hành Bánh mì Xin chào, Thanh Tâm luôn mơ ước ngày nào đó sẽ mở chuỗi nhà hàng bánh mì Made in Vietnam tại Việt Nam và nhượng quyền ra khắp thế giới.

Mơ ước của anh đang dần trở thành hiện thực. Cửa hàng Bánh mì Xin chào đầu tiên tại Việt Nam, đặt tại Khu cư xá Bắc Hải (TP.HCM), với menu không chỉ bánh mì, mà còn có cả cà phê, nước ép và kem đá bào, dự kiến đi vào hoạt động trong tháng 10/2018.

“Mang củi về rừng” chắc sẽ gặp phải nhiều khó khăn, Tâm xác định phải hình thành mô hình cửa hàng chuẩn, mang phong cách mới để khác biệt hẳn và không cạnh tranh với những cửa hàng bánh mì truyền thống hay những xe đẩy tiện dụng.

Mô hình cửa hàng bánh mì này đề cao sự sạch sẽ, mát mẻ (có máy lạnh), đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Mỗi cây hành, cọng rau thơm phải được chọn lọc và rửa cẩn thận cũng như từng miếng bơ, pa-tê, nước sốt phải tự chế biến đúng quy chuẩn.

Thanh Tâm khẳng định, bánh mì và các sản phẩm khác của Xin chào cam kết công khai mọi nguyên liệu, cũng như quá trình trồng/chế biến nguyên liệu đó. Những bức tường trong cửa hàng sẽ treo các tấm ảnh về vùng nguyên liệu cung cấp cụ thể.

Chắc chắn nhiều khách hàng không có thói quen ngồi lại vừa cắn ổ bánh mì, vừa uống li cà phê hay cốc nước ép. Tuy nhiên, Tâm tin rằng, một bộ phận người tiêu dùng sẽ dần thay đổi thói quen.

“Đó là việc mình phải kể được câu chuyện về sự tử tế trong từng sản phẩm, bởi ở Việt Nam bây giờ, thương hiệu là vấn đề niềm tin”, Tâm nói về mục tiêu đầu tiên của Bánh mì Xin chào tại Việt Nam là cam kết làm đúng những gì đã nói.

Khi làm việc, hợp tác trực tiếp với các nông trại, thương hiệu này sẽ thực sự kiểm soát được tính an toàn và đồng nhất trong chất lượng nguyên liệu, đồng thời giảm thiểu chi phí. Tuy nhiên, việc quyết định giá bán bao nhiêu cho một ổ bánh mì cũng không đơn giản. Định giá cho một sản phẩm mới, mang tính tiên phong lúc nào cũng khó khăn vì không thể dựa vào những gì đã diễn ra trong quá khứ. Câu hỏi quan trọng nhất là khách hàng sẵn sàng trả bao nhiêu tiền cho một ổ bánh mì an toàn, được phục vụ trong một không gian tiện nghi như vậy.

Theo tiết lộ của Tâm, giá một ổ bánh mì đúng chuẩn an toàn của thương hiệu Xin chào sẽ không dưới 15.000 đồng. Anh kỳ vọng, cửa hàng đầu tiên này sẽ bán ra ít nhất 200 ổ bánh mì thịt/chả mỗi ngày.

Hành trình khởi nghiệp

Thanh Tâm đến Nhật Bản vào tháng 4/2011, sau 20 ngày khi quốc gia này trải qua thảm họa kép lịch sử động đất và sóng thần. Mọi người đều khuyên Tâm từ bỏ chuyến đi, bởi hàng chục ngàn người Việt Nam tại Nhật Bản bỏ về nước vì thiệt hại và sợ hãi sau thảm họa. Nhưng Tâm tin, sự sống hay cái chết của mỗi người đã được sắp đặt sẵn và nếu không theo đuổi ước mơ, khát vọng học tại Nhật, thì có lẽ anh sẽ không thực hiện được ước mơ của mình.

“Không thể đong đếm tổn thất về tinh thần, trong khi thiệt hại về vật chất là hơn 130 tỷ USD trong thảm họa đó. Hàng triệu dân Nhật Bản vẫn kiên cường ở lại để khắc phục hậu quả, thì tại sao tôi lại phải sợ hãi, rồi từ bỏ ước mơ của mình”, Tâm chia sẻ.

Hơn 7 năm ròng rã sống và làm thuê trong nhiều chuỗi cửa hàng mang thương hiệu nổi tiếng tại Nhật Bản, Tâm học hỏi văn hóa làm việc và quy trình vận hành của người Nhật. Nhìn thấy họ làm một lần có thể chưa rút ra bài học, nhưng quan sát họ lặp lại điều đó hàng trăm, hàng ngàn lần, chắc chắn sẽ có những trải nghiệm đáng quý mà gần 2 năm qua, Tâm đã đưa vào hệ thống vận hành cho Bánh mì Xin chào.

Tháng 10 năm nay, Bánh mì Xin chào tại Nhật tròn 2 năm thành lập và Tâm vẫn trăn trở với việc mở rộng không gian quán, bởi chi phí thuê mặt bằng rất đắt.

“Trung bình mặt bằng 60 triệu đồng/tháng. Lúc mới bắt đầu mất 10 tháng tiền cọc, 1 tháng tiền tặng chủ nhà vì đã cho mình thuê nhà và 1 tháng tiền môi giới cho công ty bất động sản”, Tâm chia sẻ về giá thuê mặt bằng cho tiệm Xin chào rộng 22 m2 tại Shinjuku - khu thương mại sầm uất bậc nhất ở Tokyo.

Hiện tại, Tâm đang triển khai phương pháp thay thế để tiếp cận nhiều người mua hơn, khi sử dụng xe bán tải để bán hàng lưu động. Bánh mì Xin chào từng bán hơn 5.000 ổ bánh mì trong 2 ngày (từ 10 giờ sáng đến 5 rưỡi chiều) tại một lễ hội thường nhật ở xứ sở hoa anh đào.

Xem thêm

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/bui-thanh-tam-sang-lap-thuong-hieu-banh-mi-xin-chao-khat-vong-tao-su-tu-te-trong-tung-san-pham-87040.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/