Bức tranh kinh tế của Đà Nẵng trở nên xấu hơn bao giờ hết do dịch COVID-19 tái bùng phát

Theo Sở KH&ĐT và Cục Thống kê Đà Nẵng, đợt bùng phát dịch thứ hai đã khiến cho bức tranh kinh tế của Đà Nẵng trở nên xấu hơn bao giờ hết, tiêu dùng xã hội dự báo sẽ giảm sâu ở quí III năm 2020 và sẽ tác động đến tăng trưởng của cả năm 2020.

Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng cho biết, đã phối hợp với Cục Thống kê thành phố và các đơn vị liên quan thực hiện dự thảo Báo cáo kết quả cập nhật, rà soát tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020 và dự kiến năm 2020 của TP Đà Nẵng.

Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2020 ước tính sụt giảm ở mức 3,61% so với cùng kì năm trước. Đây là lần đầu tiên kinh tế TP Đà Nẵng tăng trưởng âm kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (1/1997).

Qui mô toàn nền kinh tế 6 tháng ước đạt 51.072 tỉ đồng, thu hẹp hơn 918 tỉ đồng so với cùng kì năm 2019. Trong đó, qui mô khu vực dịch vụ bị thu hẹp nhiều nhất với 758 tỉ đồng; khu vực công nghiệp và xây dựng 261 tỉ đồng; thuế sản phẩm 12 tỉ đồng; riêng khu vực nông, lâm nghiệp thủy sản tăng thêm 114 tỉ đồng so với cùng kì.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tương đối ổn định và ít chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Tăng trưởng của cả khu vực ước đạt 2,28%, cao hơn mức tăng 1,1% của cùng kì năm 2019. Tăng trưởng khu vực công nghiệp và xây dựng 6 tháng đầu năm 2020 đạt mức âm 1,8% so với cùng kì.

Về thu hút đầu tư, tính đến thời điểm 15/6/2020 toàn thành phố 4 dự án đầu tư trong nước ngoài khu công nghiệp (KCN), tổng vốn đầu tư 10.815 tỉ đồng, tăng 593% về vốn so với cùng kì; thu hút 4 dự án đầu tư trong nước vào các KCN, tổng vốn đăng kí 33,75 tỉ đồng và một dự án đầu tư trong nước tại Khu Công nghệ cao, tổng vốn đầu tư đăng kí 162,05 tỉ đồng.

Chấp thuận chủ trương đầu tư cho 4 dự án đầu tư trong nước theo luật nhà ở với tổng vốn đầu tư 2.282 tỉ đồng. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 6 tháng đầu năm ước tính đạt 210,7 triệu USD, tăng 79,4% so với cùng kì năm 2019.

Bức tranh kinh tế của Đà Nẵng trở nên xấu hơn bao giờ hết do dịch COVID-19 lần hai - Ảnh 1.

Người dân đi lại trên cầu Rồng - biểu tượng thành phố Đà Nẵng, trong những ngày giãn cách xã hội. (Ảnh: Chu Lai).

Về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, thu nhập và việc làm của người lao động, kết quả khảo sát nhanh gần 7.200 doanh nghiệp, có đến 90% doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trong đó, doanh nghiệp phải ngừng hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội chiếm đến 58,4%; 37,4% doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn; 40,6% doanh nghiệp khó khăn về các khoản chi trả cho người lao động; 31,9% doanh nghiệp khó khăn về chi phí thuê mặt bằng; 30,9% doanh nghiệp thiếu hụt nguyên liệu đầu vào và 44,3% doanh nghiệp giảm thị trường tiêu thụ sản phẩm...

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, có đến 94,1% doanh nghiệp có qui mô lớn bị ảnh hưởng, do các doanh nghiệp có qui mô lớn thường giao dịch với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Tình trạng lao động, việc làm 6 tháng đầu năm chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, tỉ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao do nhu cầu thị trường lao động sụt giảm. Tỉ lệ thất nghiệp chung toàn thành phố 6 tháng đầu năm 2020 ước tính là 7,24%, tỉ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi là 7,55% (cùng kì năm 2019, tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi là 2,89%).

6 tháng đầu năm 2020 có 15.904 lao động đăng kí hưởng trợ cấp thôi việc, mất việc, tăng gần 89% so với cùng kì; đã có 12.715 lao động được giải quyết trợ cấp thôi việc, mất việc với số tiền 12.925 triệu đồng, tăng 88%.

Đến nay, trên địa bàn thành phố có hơn 179.000 người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trong đó, có hơn 12.600 lao động bị chấm dứt HĐLĐ, 59.600 lao động bị ngừng việc, nghỉ việc không hưởng lương và 106.800 lao động làm việc không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc.

Bức tranh kinh tế của Đà Nẵng trở nên xấu hơn bao giờ hết do dịch COVID-19 lần hai

Với tình hình diễn biến bất lợi của dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP Đà Nẵng, dự báo 6 tháng cuối năm 2020, hoạt động công nghiệp sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn trong sản xuất, thị trường xuất khẩu hàng hóa bị đứt gãy, doanh nghiệp phải ngừng hoạt động do thiếu nguyên liệu đầu vào.

Phần lớn các doanh nghiệp đang đối mặt với những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Dự báo số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể trong những tháng cuối năm 2020 sẽ còn tiếp tục gia tăng.

Các chương trình kích cầu du lịch nội địa sẽ phải dừng để thực hiện các biện pháp cách li, giãn cách xã hội. Vì vậy các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, dịch vụ lữ hành, vui chơi giải trí… sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn. Đợt bùng phát dịch thứ hai đã khiến cho bức tranh kinh tế của Đà Nẵng trở nên xấu hơn bao giờ hết, tiêu dùng xã hội dự báo sẽ giảm sâu ở quí III năm 2020 và sẽ tác động đến tăng trưởng của cả năm 2020.

Số lượng doanh nghiệp đăng kí mới dự kiến sẽ tiếp tục giảm so với cùng kì. Công tác thu hút vốn đầu tư trong nước và vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong quí III, quí IV dự kiến tiếp tục gặp nhiều khó khăn do những diễn biến bất lợi của dịch bệnh trên địa bàn.

Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như thời gian vừa qua đã và sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội của người dân thành phố, như: số người thất nghiệp gia tăng; các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng; học sinh, sinh viên kéo dài việc phải nghỉ học; công tác chăm sóc y tế cho người dân bị gián đoạn, không đảm bảo chất lượng, sinh kế, việc làm, đời sống đối với người lao động, người nghèo, người yếu thế bị ảnh hưởng mạnh...

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/buc-tranh-kinh-te-cua-da-nang-tro-nen-xau-hon-bao-gio-het-do-dich-covid-19-tai-bung-phat-20200904191119084.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/