Bức tranh khởi nghiệp ở Đông Nam Á đang thay đổi mạnh vì dòng vốn từ Trung Quốc

Thị trường công nghệ đang bão hòa ở Trung Quốc là lí do khiến giới đầu tư mạo hiểm ở quốc gia đông dân nhất thế giới hướng sang Đông Nam Á để tìm cơ hội.

Vốn đầu tư của người Trung Quốc vào các startup ở Đông Nam Á đã tăng vọt lên mức 1,78 tỉ USD trong 7 tháng đầu năm nay - tăng gấp 8 lần so với cùng kì năm 2018, theo số liệu của công ty công nghệ tài chính Refinitiv.

Dòng vốn Trung Quốc chảy mạnh vào Đông Nam Á

Dẫn lời nhiều chuyên gia, báo South China Morning Post nhận định sự bão hòa của môi trường khởi nghiệp công nghệ ở Trung Quốc và những cơ hội nảy sinh trong nền kinh tế Internet di động đang ở giai đoạn chín muồi ở Đông Nam Á là hai nhân tố thúc đẩy dòng tiền Trung Quốc vào khu vực.

Những kì lân (công ty có giá trị từ một tỉ USD trở lên) và những doanh nghiệp có khả năng trở thành kì lân là những đối tượng hưởng lợi nhiều nhất từ dòng vốn Trung Quốc.

nhan dan te

Các startup ở Đông Nam Á đã nhận 1,78 tỉ USD từ Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2019. Ảnh: China Daily

Hồi tháng 7, Gobi Partners cùng công ty vận tải Teleport (thuộc hãng hàng không AirAsia) đã đầu tư 10,6 triệu USD vào công ty EasyParcel ở Malaysia. Hai tháng trước đó, công ty mạng xã hội YY của Trung Quốc mua nền tảng phát video trực tiếp Bigo (Singapore) với giá 1,45 tỉ USD.

Qiming Ventures và GGV - hai quỹ đầu tư mạo hiểm lớn nhất Trung Quốc - đã mở văn phòng đại diện ở Singapore. Đây có thể là động thái cho thấy hai quỹ muốn xâm nhập sâu hơn vào Đông Nam Á.

Giới doanh nghiệp thương mại điện tử Indonesia cũng bắt đầu nhận nguồn vốn từ các tập đoàn Trung Quốc. 

Tháng 12 năm ngoái, Tokopedia nhận khoản vốn 1,1 tỉ USD từ tập đoàn Alibaba và tập đoàn viễn thông SoftBank (Nhật Bản), trong khi Ant Financial (công ty tài chính thuộc Alibaba) rót vốn cho Bukalapak.

Thị trường Internet di động tăng trưởng siêu tốc

Boh Wai Fong, giáo sư của Trường Kinh doanh Nanyang ở Singapore, nói rằng thị trường công nghệ đang bão hòa ở Trung Quốc là lí do khiến giới đầu tư mạo hiểm ở quốc gia đông dân nhất thế giới hướng ra nước ngoài.

Sự tương đồng giữa thị trường Trung Quốc và thị trường Đông Nam Á là một yếu tố khác thu hút sự chú ý của họ. Theo bà Fong, người dân ở Đông Nam Á rất cởi mở với các công nghệ trên thiết bị di động và Trung Quốc cũng dang thành công với kinh tế di động.

"Ở Trung Quốc, người dân có phản ứng tích cực với kinh tế di động. Họ sử dụng điện thoại di động để mua hàng trực tuyến. Xu hướng tương tự đang diễn ra ở Đông Nam Á", nữ giáo sư phát biểu.

Một báo cáo gần đây của Temasek, Google và Bain & Company cho thấy số người sử dụng Internet ở Đông Nam Á đang tăng nhanh. 90% người dân ở Đông Nam Á có thể mua hàng trên điện thoại di động. Mới chỉ 10 năm trước, gần 4/5 người Đông Nam Á không có kết nối Internet hoặc kết nối hạn chế.

Qui mô thị trường cũng là một điểm hấp dẫn đối với giới đầu tư Trung Quốc. Nền kinh tế số Đông Nam Á sẽ đạt giá trị 300 tỉ USD vào năm 2025. 

Chua Joo Hock, giám đốc điều hành quỹ đầu tư Vertex Ventures ở khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ, nói rằng giờ đây giới đầu tư Trung Quốc coi Đông Nam Á là cơ hội mới, với đà tăng trưởng GDP mạnh và các yếu tố vĩ mô phù hợp.

Vị giám đốc nhấn mạnh những điểm hấp dẫn khác của Đông Nam Á - như dân số trẻ, mức thu nhập tăng dần, tần suất sử dụng mạng xã hội cao.

"Đông Nam Á có thể mang lại giá trị cao hơn so với Trung Quốc. Các quĩ đầu tư Trung Quốc cũng hi vọng họ có thể áp dụng kinh nghiệm tại thị trường Trung Quốc vào giới khởi nghiệp Đông Nam Á", Chua bình luận.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/buc-tranh-khoi-nghiep-o-dong-nam-a-dang-thay-doi-manh-vi-dong-von-tu-trung-quoc-20191014095736271.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/