Botchat của startup Việt được Facebook, Amazon hỗ trợ phát triển mạnh

Nền tảng Botbanhang hiện được gần 850 trang bán hàng sử dụng thường xuyên sau khi nhận gói hỗ trợ trị giá 30.000 USD từ Facebook, Amazon cuối năm 2017.

Sản phẩm botchat của startup Việt này hiện tương tác và chăm sóc thường xuyên hơn 19.000 khách hàng cá nhân của gần 850 trang bán hàng trên Facebook tại Việt Nam.

Kết quả được ghi nhận sau hai tháng Botbanhang chính thức ra mắt sản phẩm và nhận được gói hỗ trợ sử dụng dịch vụ trị giá 30.000 USD cuối năm 2017 từ Facebook và Amazon trong khuôn khổ dự án FbStart - chương trình toàn cầu được thiết kế nhằm giúp những người mới khởi nghiệp xây dựng và phát triển doanh nghiệp.

"Botbanhang mang những tính năng đặc trưng của một nền tảng quản lý bán hàng như bán hàng tự động trên Messenger, tối ưu hóa quản lý nội bộ và chuỗi cung ứng. Đặc biệt, botchat này còn có tính năng quản lý quan hệ khách hàng (CRM), tạo data khách hàng và tự động tiếp thị sản phẩm", CEO Lê Anh Tiến cho biết.

Ứng dụng được sử dụng phổ biến và đa dạng trong các lĩnh vực tư vấn, chăm sóc người dùng, marketing, quảng cáo, trả lời khách hàng...ở tất cả các nhóm ngành, sản phẩm, dịch vụ như: ẩm thực và đồ uống, sản phẩm công nghệ, điện gia dụng, nông sản, sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, thời trang, đồ chơi, nhà cửa, sách, văn phòng phẩm, quà tặng, kiến trúc...

"Các sản phẩm botchat trên thị trường hiện nay đều yêu cầu người dùng trả một mức phí cố định hàng tháng. Tuy nhiên, botbanhang đang cho phép người dùng sử dụng miễn phí. Chúng tôi mong muốn tạo ra một nền tảng công nghệ tối ưu, giúp các đơn vị bán hàng nhỏ lẻ trên Facebook, tạo ra những giá trị cho cộng đồng", CEO Lê Anh Tiến cho biết.

botchat cua startup viet duoc facebook amazon ho tro phat trien manh
Ứng dụng được lập trình và đào tạo để thu thập tư liệu người dùng, phân tích hành vi, sở thích mua sắm, những mối quan tâm của khách hàng cũng như có khả năng đưa ra các dự báo để marketing tự động cho sản phẩm. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tuy vậy, tham vọng của cả nhóm phát triển không chỉ dừng lại ở đó. Nhận ra một vấn đề từ thực tế là các hệ sinh thái thương mại điện tử ở Việt Nam như Tiki, Shopee, Lazada...đang phải chi trả nhiều tiền để tăng tương tác với khách hàng thông qua việc thu thập, khuyến khích mỗi người dùng bình luận, đánh giá sản phẩm trên trang; nhóm ấp ủ dự định xây dựng một sàn thương mại điện tử cho các doanh nghiệp Việt Nam ngay trên nền tảng Facebook trong năm 2018.

botchat cua startup viet duoc facebook amazon ho tro phat trien manh
Nhóm phát triển sản phẩm botchat với tham vọng xây dựng sàn thương mại điện tử đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng công nghệ blockchain trên nền tảng mạng xã hội Facebook. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo đó, tất cả những đơn vị sử dụng botbanhang sẽ được kết nối vào một mạng lưới thương mại điện tử riêng, đồng bộ hóa mọi bình luận, đánh giá sản phẩm của người dùng dưới mỗi bình luận trên facebook vào trang bán hàng.

Trong tương lai, sàn thương mại điện tử này cũng sẽ được ứng dụng công nghệ blockchain, tiến tới nền tảng các bot mua bán hàng, bot doanh nghiệp "trò chuyện" với bot của người mua hàng thay cho các giao tiếp bot-người như hiện nay.

Phát triển botchat là một trong những xu hướng khởi nghiệp bùng nổ ở Việt Nam và trên toàn cầu trong năm 2017 cùng với công nghệ chuỗi khối (blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data)...

Ở Việt Nam, một vài nhà phát triển ứng dụng đã lập trình và hoàn thiện được botchat tích hợp trong nền tảng trò chuyện của Facebook. Vượt lên trên một xu thế, botchat đã trở thành một phần thiết yếu trong đời sống công nghệ và thương mại của toàn thế giới.

Messenger cũng đã tiến hành sử dụng botchat để tạo hệ sinh thái kết nối cộng đồng người sử dụng. Với việc đẩy mạnh botchat trong nền tảng Facebook Messenger, cộng với lợi thế hơn hai tỷ người dùng và hơn 50 triệu doanh nghiệp đang hoạt động, mạng xã hội lớn nhất hành tinh hy vọng sẽ tạo ra sự thay đổi về mặt công nghệ và thương mại trên toàn thế giới.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/botchat-cua-startup-viet-duoc-facebook-amazon-ho-tro-phat-trien-manh-43298.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/