Bỏ bình ổn giá sữa: 'Không cần lo lắng'

Theo TS Ngô Trí Long việc kết thúc bình ổn giá sữa là đúng đắn và Nhà nước chỉ nên sử dụng công cụ điều tiết giá khi xuất hiện đơn vị độc quyền hoặc thống lĩnh thị trường.

bo binh on gia sua khong can lo lang
Không cần lo lắng khi kết thúc bình ổn giá sữa. (Ảnh: Thời báo Tài chính Việt Nam).

Chính phủ vừa đồng ý với Bộ Công Thương (đơn vị vừa tiếp nhận việc quản lý giá sữa từ Bộ Tài chính) kết thúc áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi từ ngày 1/4.

Trước lo lắng việc bỏ giá trần mặt hàng sữa sẽ khiến các doanh nghiệp cung cấp sữa trên thị trường đồng loạt tăng giá như tình trạng đã diễn ra năm 2014, phóng viên có cuộc trao đổi với TS Ngô Trí Long, Nguyên Viện trưởng Viện quản lý giá, Bộ Tài chính về vấn đề này.

Theo ghi nhận của Tuổi trẻ vào thời điểm đầu năm 2014, sữa Dielac nửa tháng trước chỉ hơn 200.000 đồng sau tăng lên 230.000 đồng một hộp. Trong vòng một tháng, giá sữa Vinamilk ở nhiều sản phẩm sữa nước, sữa bột, sữa chua đều đồng loạt tăng thêm 5-7% so với trước đây. Abbott đã tăng 5%, Mead Johnson cũng tăng giá một loạt sản phẩm 5-7%. Một số ít sản phẩm của Nutifood cũng tăng thêm 7-10%.

Thưa ông, liệu việc kết thúc biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi có khiến giá mặt hàng này tăng như năm 2014?

- Theo tôi bỏ công cụ điều tiết giá này là đúng đắn. Không nên lo lắng thị trường có nhiều biến động. Bởi cơ quan quản lý nhà nước còn nhiều công cụ khác để đảm bảo giá cả thị trường ổn định, cạnh tranh.

Bỏ chính sách giá trần nhưng các doanh nghiệp kinh doanh ngành sữa vấn phải đăng ký, kê khai giá sữa trước khi niêm yết. Khi đó, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ thanh tra, kiểm tra, theo dõi đảm bảo việc thực hiện giá này.

Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý, cần phải theo dõi sát sao các doanh nghiệp ngành sữa, tránh tình trạng các doanh nghiệp thao túng thị trường, khi đó sẽ xảy ra bất ổn về giá.

Việc áp dụng giá trần đối mới mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi thời gian qua có thực sự cần thiết không thưa ông?

- Giá sữa là một trong 14 mặt hàng thuộc nhóm bình ổn giá theo quy định. Vào thời điểm năm 2014 giá sữa như con ngựa bất kham, biến động thất thường, Nhà nước tiến hành nhiều biện pháp nhưng mỗi năm giá vẫn tăng vài lần.

Trước tình trạng như vậy, Chính phủ giao Bộ Tài chính (cơ quan chủ quản giá sữa trước đây) áp dụng bình ổn giá sửa với quy định mức giá trần từ cuối năm 2014, đầu năm 2015. Mỗi năm chính sách này lại được gia hạn và sẽ hết hiệu l vào ngày 31/3 năm nay.

Việc dỡ bỏ trần giá sữa là hoàn toàn đúng đắn. Bởi theo Luật giá, chỉ áp dụng giá trần khi lĩnh vực có doanh nghiệp độc quyền hoặc doanh nghiệp thống lĩnh thị trường có thể ảnh hưởng tới cạnh tranh công bằng. Chỉ khi xác định có doanh nghiệp thống lĩnh thị trường buộc Nhà nước phải định giá, phải quy định giá trần đối với doanh nghiệp bán.

Tuy nhiên, vào thời điểm áp dụng giá trần để bình ổn giá năm 2014, Nhà nước chưa hề xác định được doanh nghiệp thống lĩnh thị trường đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Vì vậy, theo tôi, việc áp dụng giá trần đối với mặt hàng sữa trên là khiên cưỡng và không cần thiết. Các tổ chức quốc tế cũng khuyến cáo Việt Nam nên bỏ chính sách này.

Vậy khi nào Nhà nước cần can thiệp vào chính sách giá thưa ông?

- Như tôi đã phân tích ở trên, chỉ áp dụng bình ổn giá bằng cách quy định giá trần khi trên thị trường xuất hiện doanh nghiệp bán độc quyền hoặc thống lĩnh thị trường. Điều 18, dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) quy định doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan hoặc có sức mạnh thị trường đáng kể.

Hai doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu cùng hành động nhằm gây hạn chế cạnh tranh có tổng thị phần từ 50% trở lên trên thị trường liên quan.

Với ba doanh nghiệp, tổng thị phần là từ 65% trở lên và bốn doanh nghiệp, tổng thị phần là từ 75% trở lên.

Mở rộng ra, với các ngành khác như điện, xăng dầu ở Việt Nam đều cần giá trần áp dụng trong khi ở Mỹ thì không. Bởi ở Việt Nam ngành điện chỉ có EVN độc quyền, ngành xăng dầu do Petrolimex chiếm tới 50% thị phần. Ngược lại, các ngành này ở Mỹ đều cạnh tranh tự do, có nhiều thành phần tham gia thị trường.

Tương tự như trường hợp về việc quy định giá trần, giá sàn vé máy gây tranh cãi gần đây. Trong thị trường, các hãng hàng không đóng vai trò là doanh nghiệp bán. Ngành hàng không đang tồn tại doanh nghiệp thống lĩnh thị trường khi hai hãng Vietjet Air và Vietnam Airlines mỗi hàng đều chiếm khoảng 40% thị phần nội địa. Vì vậy, việc áp dụng giá trần vé máy bay là cần thiết.

Ngược lại việc áp dụng giá sàn cho vé may bay là sai. Bởi các hãng là doanh nghiệp bán, trong khi quy định giá sàn chỉ áp dụng đối với trường hợp có doanh nghiệp mua độc quyền hoặc thống lĩnh thị trường.

Và như vậy, Nhà nước chỉ nên sử dụng quyền của mình khi thị trường chưa đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, công bằng.

Xin cảm ơn ông!

bo binh on gia sua khong can lo lang Kết thúc bình ổn giá sữa cho trẻ 6 tuổi

Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ Công Thương kết thúc áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành ...

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/bo-binh-on-gia-sua-khong-can-lo-lang-18504.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/