Big Tech Trung Quốc đồng loạt rớt hạng trong danh sách 2000 công ty niêm yết lớn nhất thế giới năm 2022

Ngành công nghiệp internet bị siết chặt quản lý đã khiến đa số ông lớn công nghệ Trung Quốc tụt hạng trong năm nay, ngoại trừ một số cái tên, chẳng hạn như Tencent.

Trung Quốc đại lục, bao gồm cả Hong Kong, đã có thêm một số doanh nghiệp đáng chú ý gia nhập danh sách Forbes Global 2000 năm 2022, qua đó nâng tổng số lượng công ty của nước này có mặt trong danh sách lên con số 351.

Đây là một con số kỷ lục bất chấp Trung Quốc đã trải qua một năm đầy sóng gió, phải đối mặt với nhiều vấn đề, từ đại dịch COVID-19 cho đến việc siết chặt quy định với nhiều ngành nghề như công nghệ, bất động sản,… theo Forbes.

Một năm lận đận với các doanh nghiệp internet và bất động sản

Forbes Global 2000 đề cập tới danh sách 2000 công ty niêm yết lớn nhất thế giới dựa theo doanh số, lợi nhuận, tài sản và giá trị vốn hóa thị trường. Công ty niêm yết lớn nhất Trung Quốc năm nay thuộc về Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC).

Tuy nhiên, xét trên bình diện toàn cầu, ICBC đã có lần đầu tiên rớt xuống vị trí công ty niêm yết lớn thứ hai thế giới sau 9 năm, nhường lại vị trí đầu tiên cho Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett.

Năm qua cũng là một năm đi xuống đối với một số tổ chức tài chính do nhà nước Trung Quốc kiểm soát. Trong số đó, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc tụt xuống từ vị trí thứ 4 xuống thứ 5, Ping An Insurance cũng tụt từ vị trí thứ 6 năm ngoái xuống thứ 17 năm nay, China Life Insurance tụt từ vị trí thứ 49 xuống 71.

Nhiều công ty thương mại điện tử và internet nổi tiếng Trung Quốc niêm yết tại Mỹ và được kiểm soát bởi các tỷ phú hàng đầu nước này đã lao dốc sau khi chính phủ thắt chặt quy định đối với ngành công nghệ.

Những ông lớn ngành công nghệ Trung Quốc gặp nhiều sóng gió trong năm qua. (Ảnh: Asia Nikkei).

Trong số đó, gã khổng lồ Alibaba và nhà sáng lập Jack Ma, là những cái tên chịu thiệt hại nặng nề nhất. Alibaba thậm chí đã tụt từ vị trí thứ 23 năm 2021 xuống 33 năm 2022. Một gã khổng lồ khác của Trung Quốc là JD.com thậm chí còn tụt hạng sâu hơn khi rơi xuống vị trí thứ 467 từ vị trí thứ 101 năm trước.

Một cái tên khác cũng chịu chung số phận với hai ông lớn trên chính là Baidu do Robin Li đứng đầu (rơi từ vị trí thứ 202 xuống vị trí thứ 418). Ngược lại, gã khổng lồ ngành game Trung Quốc là Tencent đã chứng kiến vị trí của công ty trong danh sách của Forbes tăng một bậc, từ vị trí thứ 29 năm 2021 lên 29 năm 2022.

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 8,1% trong năm 2021. Trong quý I/2022, nền kinh tế nước này cũng tăng trưởng 4,8% so với quý I/2021. Chính điều này đã giúp Trung Quốc trở thành quốc gia có nhiều công ty thứ hai góp mặt trong danh sách Forbes Global 2000, chỉ xếp sau Mỹ.

Dù vậy, hơn 60% công ty Trung Quốc có mặt trong danh sách năm nay đều bị tụt hạng. Các nhà phát triển bất động sản hàng đầu thị trường tỷ dân đã phải vật lộn với nhiều vấn đề trong năm 2021, khiến kết quả kinh doanh của một số công ty sụt giảm ngay cả khi nhiều thành phố lớn tại quốc gia này chưa thực hiện các lệnh phong tỏa.

Trong số các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc lọt vào danh sách năm nay, China Vanke đã rớt từ vị trí thứ 96 xuống vị trí thứ 197; Country Garden, do tỷ phú Yang Huiyan đồng chủ tịch, tụt xuống vị trí thứ 254 từ vị trí thứ 140. Ông lớn Sunac gặp khó khăn về tài chính đứng ở vị trí 462 so với vị trí thứ 230 năm ngoái và Shimao Property Holding cũng rớt xuống vị trí thứ 637 từ vị trí thứ 463.

Đâị dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng đến một số công ty du lịch và doanh nghiệp F&B lớn nhất đất nước. Yum China, công ty điều hành chuỗi KFC và Pizza Hut ở Trung Quốc, đã trượt xuống vị trí thứ 1.157 từ vị trí thứ 939. Trip.com, doanh nghiệp du lịch trực tuyến lớn nhất thị trường ty dân, cũng rớt từ vị trí thứ 1.416 xuống vị trí thứ 1.617.

Những công ty năng lượng xanh tăng trưởng nhanh

Những công ty hoạt động tốt hơn đáng chú ý đến từ lĩnh vực năng lượng xanh. Các nhà cung cấp bảng điều khiển năng lượng mặt trời Tongwei đã nhảy lên vị trí thứ 1.085 từ vị trí thứ 1.243, trong khi Công nghệ năng lượng xanh LONGi tăng lên vị trí thứ 724 từ vị trí thứ 839.

Hoshine Silicon Industry, nhà cung cấp vật liệu silicon, có lần đầu tiên lọt vào danh sách, đã đứng ở vị trí thứ 1.719. Contemporary Amperex Technology, nhà cung cấp pin cho ô tô điện lớn nhất thế giới, đã vươn lên vị trí thứ 296 từ vị trí thứ 739.

Ngành ô tô điện Trung Quốc cũng đóng góp hai doanh nghiệp cho danh sách năm nay, bao gồm NIO ra mắt ở vị trí thứ 1.808, trong khi Li Auto lọt vào danh sách ở vị trí thứ 1.986. Các công ty vận tải biển cũng đã làm tốt việc tăng giá cước trong năm qua, với việc COSCO Shipping Holding do nhà nước điều hành đã tăng từ vị trí 409 lên vị trí thứ 243 trong khi công ty tư nhân SITC International Holding ra mắt ở vị trí thứ 1.880.

 

Ngoài những cái tên kể trên, Trung Quốc cũng có một số công ty lớn không có mặt trong danh sách năm nay bởi những cái tên này chưa niêm yết. Trong đó, đáng chú ý nhất phải kể đến nhà sản xuất phần cứng viễn thông Huawei và kỳ lân lớn nhất thế giới ByteDance, chủ sở hưu của ứng dụng TikTok.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/big-tech-trung-quoc-dong-loat-rot-hang-trong-danh-sach-2000-cong-ty-niem-yet-lon-nhat-the-gioi-nam-2022--2022514205758426.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/