Biện pháp tránh dịch H5N6

Trong bối cảnh dịch cúm gia cầm diễn ra tại một số tỉnh, mới đây Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khuyến cao một số biện pháp chăn nuôi an toàn.

Theo đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khuyến cáo cần cách  ly và kiểm soát vào, ra khu vực chăn nuôi. Việc thực hiện tốt việc cách ly và kiểm soát ra, vào khu vực chăn nuôi sẽ góp phần ngăn chặn được các loại mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào cơ sở chăn nuôi và ngược lại.

Chuồng nuôi gia cầm cần cách xa các chuồng nuôi động vật khác, khu dân cư, đường giao thông lớn và khu công cộng như chợ, trường học, bệnh viện..., có tường bao quanh, có hố khử trùng...

Thực hiện cách ly và kiểm soát gia cầm giống mới nhập về (mua gia cầm giống từ cơ sở an toàn dịch bệnh, cách ly ít nhất 14 ngày).

Hạn chế khách tham quan, người vào khu chăn nuôi cần có quần áo, bảo hộ lao động đảm bảo vệ sinh dùng riêng trong khu chăn nuôi; đi từ khu sạch sang khu bẩn, hạn chế đi lại giữa các khu.

Kiểm soát phương tiện vận chuyển, trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi, kiểm soát thức ăn, nước uống. Có biện pháp ngăn các động vật khác  như chó, mèo, chuột, chim, côn trùng... vào chuồng nuôi.

Vệ sinh làm sạch nhằm loại bỏ tất cả bụi bẩn và các chất hữu cơ (thức ăn thừa, phân chất thải…) bám bẩn khỏi bề mặt các dụng cụ, thiết bị, sàn, tường, trần nhà,... 

Khi tất cả các chất bẩn bị loại bỏ, sẽ không còn các chất hữu cơ để nuôi dưỡng và chứa mầm bệnh. Việc vệ sinh làm sạch giúp loại bỏ trên 80% mầm bệnh tại trại chăn nuôi.

Ngoài ra Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khuyến cáo người chăn nuôi cọ rửa sạch dụng cụ, chuồng trại bằng nước với xà phòng hoặc chất tẩy rửa. Hàng ngày cần quét dọn, thu gom rác và chất thải cho vào nơi quy định để xử lý đúng yêu cầu kỹ thuật.

Thường xuyên quan sát đàn gia cầm để sớm phát hiện, thải loại những gia cầm ốm, yếu ra khỏi đàn và xử lý, điều trị nếu cần thiết.

Khi thấy gia cầm có hiện tượng ốm, chết nghi mắc cúm gia cầm, phải báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở, chính quyền địa phương. Không bán chạy, ăn thịt gia cầm ốm, gia cầm trong đàn bị bệnh, không vứt xác chết, chất thải bừa bãi.

Việc tiêu hủy gia cầm phải được thực hiện ngay khi có kết quả xét nghiệm dương tính virus cúm gia cầm H5N1 hoặc virus cúm gia cầm H5N6 hoặc chủng virus cúm có khả năng truyền lây bệnh và gây tử vong cho người hoặc được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương kiểm tra, xác minh và kết luận là mắc bệnh cúm gia cầm.

Bao vây ổ dịch, tiêu huỷ toàn bộ gia cầm chết, mắc bệnh và gia cầm khác trong đàn bằng cách đốt hoặc đào hố chôn sâu với chất sát trùng hoặc vôi bột. Tổng vệ sinh toàn bộ khu vực, trống chuồng theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/bien-phap-tranh-dich-h5n6-20200212151119126.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/