Basel II và áp lực tăng gấp đôi vốn tự có của các 'ông lớn' ngân hàng nhà nước

Theo mô hình dự báo của UBGSTC, 3 ngân hàng thương mại nhà nước phải tăng vốn tự có lên gấp từ 1,8 - 2 lần so với mức hiện tại mới có thể đáp ứng Basel II vào năm 2020.

basel ii va ap luc tang gap doi von tu co cua cac ong lon ngan hang nha nuoc Dậy sóng trong 2017, cổ phiếu ngân hàng chờ đợi hàng loạt tân binh 2018
basel ii va ap luc tang gap doi von tu co cua cac ong lon ngan hang nha nuoc Khó như tăng vốn ngân hàng

Áp lực tăng vốn tăng dần khi Basel II đến gần

Báo cáo của Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTC) cho thấy các ngân hàng đang chịu áp lực tăng vốn lớn để đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo tiêu chuẩn Basel II.

Trong năm 2017, nhiều ngân hàng đã tăng mạnh vốn tự có bằng nhiều biện pháp khác nhau như phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài để tăng vốn cấp 2, không chia cổ tức để bổ sung vốn tự có hoặc tăng vốn điều lệ theo hai hình thức phổ biến là trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Ngoài ra, một số ngân hàng cũng xây dựng kế hoạch tăng vốn cấp 2 thông qua phát hành các trái phiếu dài hạn. Một số ngân hàng khá thành công với việc phát hành trái phiếu dài hạn như ACB, VietinBank, Vietcombank.

Đến cuối năm 2017, CAR của toàn hệ thống ước đạt 11,1% (năm 2016 là 11,6%). Tỷ lệ vốn cấp 1/tổng tài sản “có” rủi ro điều chỉnh là 8%. Tuy nhiên, hiện toàn hệ thống có 9/118 TCTD âm vốn tự có. Nếu loại trừ các TCTD bị âm vốn tự có thì CAR của toàn hệ thống đạt khoảng 12,3%.

Năm 2017, tốc độ tăng vốn tự có của các TCTD chậm hơn so với tốc độ tăng của tổng tài sản. Cụ thể, tổng tài sản quy đổi hệ số rủi ro tăng 9,3% trong khi vốn tự có ước tăng 4,6%. Đối với các ngân hàng thương mại nhà nước, áp lực tăng vốn càng lớn và kéo dài do hiện tại tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của các ngân hàng này đã tiệm cận mức 9%. Nếu áp dụng Basel II, CAR sẽ giảm xuống dưới 8%.

Ba "ông lớn" ngân hàng nhà nước phải tăng vốn tự có lên 1,8 - 2 lần

basel ii va ap luc tang gap doi von tu co cua cac ong lon ngan hang nha nuoc

Dựa theo mô hình dự báo của UBGSTC, để đáp ứng Basel II vào năm 2020, nhu cầu tăng vốn tự có của 3 ngân hàng thương mại nhà nước (VietinBank, BIDV, Vietcombank) là rất lớn.

Ước tính ba ngân hàng này phải tăng vốn tự có lên gấp 1,8 - 2 lần so với thời điểm hiện tại. Do vậy các tổ chức tín dụng này cần có lộ trình cụ thể và tính toán phù hợp việc bổ sung vốn để đáp ứng được yêu cầu đúng thời hạn.

Mô hình này được xây dựng dựa trên giả định tốc độ tăng trưởng tài sản khoảng 14 – 18%/năm, tỷ lệ CAR là 8% và tỷ lệ tài sản có rủi ro/tổng tài sản áp dụng Basel II khoảng 65% - 95%.

Hiện nay, các TCTD đã chủ động xây dựng phương án tăng vốn, trong đó riêng phương án tăng vốn Vietcombank đã được Thủ tướng chấp thuận. Việc tăng vốn của các TCTD sẽ diễn ra thuận lợi hơn do lợi nhuận năm 2017 khả quan, kinh tế vĩ mô ổn định, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cải thiện và kỳ vọng vào xử lý nợ xấu theo tinh thần Nghị quyết số 42 của Quốc hội.

Về phía hỗ trợ từ chính sách, việc tăng vốn được tạo điều kiện thuận lợi qua Quyết định số 1058/QĐ-TTg ban hành trong năm 2017. Theo đó, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành cân đối, bố trí nguồn để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50 % vốn điều lệ đến năm 2020, lựa chọn cổ đông chiến lược, đảm bảo có ít nhất một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có uy tín trên thị trường, có năng lực tài chính, kinh nghiệm quản trị tốt.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/basel-ii-va-ap-luc-tang-gap-doi-von-tu-co-cua-cac-ong-lon-ngan-hang-nha-nuoc-42123.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/