[Báo cáo] Thị trường đường tháng 4/2022: Giá đường thế giới tăng cao trong bối cảnh nguồn cung nhiều bất ổn

Giá đường thế giới tăng lên mức cao nhất trong 5 năm gần đây do lo ngại Brazil có thể giảm sản xuất đường và chuyển sang sản xuất ethanol khi giá dầu thô tăng cao. Trong khi đó, triển vọng vụ tới của Thái Lan, Ấn Độ và châu Âu cũng không chắc chắn do ảnh hưởng của giá phân bón tăng cao, trong khi nhiều loại ngũ cốc khác có giá hấp dẫn hơn so với trồng mía và củ cải đường.

Theo thông tin từ Tổ chức Đường Quốc tế (ISO), tính trung bình trong tháng 4 giá đường thô giao ngay (tính theo giá hàng ngày của ISA) vẫn tăng lên mức 19,6 Cents/lb so với 19,1 Cents/lb của tháng trước đó và là mức cao nhất trong 5 năm gần đây.

Chỉ số giá đường trắng ISO tháng 4 cũng tăng lên mức 538 USD/tấn so với mức 528,4 USD/tấn của tháng 3 và cũng là mức giá cao nhất trong 5 năm gần đây.

Các chuyên gia trong ngành đường quốc tế cho rằng, giá đường thế giới sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới do được nâng đỡ bởi nhiều yếu tố như:

Một số nước trên thế giới hiện đang hạn chế xuất khẩu nông sản theo từng giai đoạn, làm gia tăng nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, đặc biệt là khi triển vọng sản xuất đường toàn cầu không chắc chắn. Các biện pháp hạn chế xuất khẩu của các nước có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng thị trường, từ đó đẩy giá đường quốc tế lên cao.

Ấn Độ nước tiêu thụ đường lớn nhất và cũng là nhà sản xuất đường lớn thứ hai thế giới có thể giảm dần lượng đường xuất khẩu trong năm nay trong bối cảnh nước này đang phải trải qua đợt nắng nóng vô cùng khắc nhiệt.

Nếu nhiệt độ tiếp tục duy trì ở cao sẽ làm tăng nhu cầu tiêu thụ đường trong nước và gây thiệt hại cho sản xuất mía đường của Ấn Độ, điều này cũng gây ra lo ngại về nguồn cung đường toàn cầu trong thời gian tới.

Mới đây, Pakistan cũng ban hành lệnh cấm xuất khẩu đường nhằm duy trì lượng đường tồn kho và ổn định giá trong nước, đồng thời cảnh báo sẽ có hành động nghiêm khắc chống buôn lậu và tích trữ mặt hàng này.

Còn tại Brazil, nhà sản xuất đường lớn nhất thế giới đã bước vào vụ ép 2022-2023 nhưng quá trình sản xuất diễn ra chậm và triển vọng không chắc chắn do giá dầu tăng cao có thể khiến nước này chuyển sang sản xuất nhiều ethanol hơn.

Mặc dù sản lượng đường của Ấn Độ và Thái Lan vụ 2021-2022 cao hơn so với dự kiến nhưng triển vọng sản xuất vụ 2022-2023 không ổn định do ảnh hưởng bởi giá phân bón cao.

Ngoài đường mía, triển vọng sản xuất đường củ cải cũng không mấy lạc quan. Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine tiếp tục kéo dài có thể khiến nông dân châu Âu chuyển sang trồng ngô và lúa mì giá cao hơn, vì thế đường củ cải sẽ phải đối mặt với sản lượng giảm.

Diễn biến giá đường thô trong tháng 4/2022 theo ghi nhận của tổ chức ISO, ĐVT: Cents/pound. (Nguồn: ISO)

Mặc dù giá đường thế giới tăng cao nhưng giá đường trong nước vẫn đứng yên trong tháng 4 do nguồn cung dồi dào. Đường nhập khẩu từ Thái Lan đã giảm mạnh song đường từ các nước ASEAN cũng như đường lậu tiếp tục tràn vào, cộng thêm đường từ vụ ép 2021-2022 khiến thị trường rơi vào cảnh thừa cung.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), các nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu tiêu thụ đường chưa tăng nên sẽ không có hiện tượng thiếu hụt đường trong tháng 5 cũng như các tháng kế tiếp và ưu thế thị trường vẫn thuộc về các loại đường và chất ngọt có nguồn gốc nhập khẩu. Giá đường trong nước sẽ có diễn biến gắn với giá đường thế giới nhưng sẽ tiếp tục ở mức thấp hơn so với giá đường của các quốc gia trồng mía lân cận.

Về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, hầu hết doanh nghiệp đều ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái thậm chí có doanh nghiệp đã vượt chỉ tiêu lợi nhuận năm sau 9 tháng (niên độ từ 1/7/2021 - 30/6/2022) nhờ sự hỗ trợ của giá đường.

Xem chi tiết báo cáo thị trường đường tháng 4/2022 tại đây:

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/bao-cao-thi-truong-duong-thang-42022-gia-duong-the-gioi-tang-cao-trong-boi-canh-nguon-cung-nhieu-bat-on-2022520145734887.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/