Bản tin thị trường gạo tuần 32/2019: Cơ hội nào cho xuất khẩu gạo khi lũ lụt tàn phá mùa màng Bangladesh

Tuần qua, thị trường gạo nổi bật với thông tin lũ lụt đang càn quét tại Bangladesh có thể khiến quốc gia này thiệt hại 400.000 tấn gạo. Quốc gia Nam Á có truyền thống nhập khẩu gạo để đối phó với tình trạng thiếu hụt do thiên tai, liệu đây có là cơ hội cho các quốc gia xuất khẩu như Việt Nam?

Cụ thể, lũ lụt gây ra bởi những cơn mưa gió mùa lớn đã khiến ít nhất 108 người thiệt mạng và ảnh hưởng đến hơn 6 triệu người ở Bangladesh, cũng như tàn phá các loại cây trồng khác, chủ yếu ở khu vực phía bắc.

Theo ước tính từ Bộ Nông nghiệp Bangladesh, lũ lụt đã khiến gần 400.000 tấn gạo bị cuốn trôi.

Tuy nhiên, theo ông Mir Nurul Alam, Tổng giám đốc của Cục Khuyến nông, điều này sẽ không có tác động nhiều đến trữ lượng gạo nói chung, khi dự trữ quốc gia đang rất dồi dào.

Sản xuất lúa đã tăng nhiều lần so với những năm trước, Bộ trưởng Nông nghiệp Bangladesh, ông Muhammad Abdur Razzaque nhận định. Chỉ có 11,08 triệu tấn lúa được sản xuất vào năm 1972, nhưng sản lượng đã đạt hơn 19,6 triệu tấn vào năm 2019.

"Lưu lượng dự trữ lúa sẽ được tăng lên 5 triệu tấn theo từng giai đoạn trong các hầm chứa của chính phủ. Chúng tôi phải khuyến khích xuất khẩu gạo và không khuyến khích nhập khẩu", ông nói. 

Mặc dù vậy, văn phòng thời tiết Bangladesh đã dự báo một đợt lũ khác có thể ập đến trong tháng này.

Nhu cầu giảm từ Bangladesh đã ảnh hưởng tới các quốc gia xuất khẩu như Việt Nam và đặc biệt là Ấn Độ, vốn là nhà cung cấp gạo lớn nhất cho quốc gia Nam Á trong năm 2017 sau khi lũ lụt tàn phá mùa màng, theo Reuters.

23854280-wooden-spoon-with-raw-rice-in-gunny-bag-

Ảnh: 123rf.com

Thị trường xuất khẩu gạo ảm đạm từ đầu năm cũng đã khuyến khích các nhà cung cấp gạo lớn tìm kiếm thị trường mới. 

Theo nguồn tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, một phái đoàn của hiệp hội đã có mặt tại Mexico vào đầu tuần này để tìm kiếm cơ hội xuất khẩu gạo Việt Nam sang Nam Mỹ, khi quốc gia Đông Nam Á tìm thị trường mới cho mặt hàng chủ lực.

Dữ liệu sơ bộ cho thấy 103.000 tấn gạo đã được bốc xếp tại cảng TP HCM trong giai đoạn ngày 2 - 10/8, với 42% trong số đó sẽ được chuyển sang Tây Phi, 29% sang Iraq và phần còn lại chuyển tới Philippines và Malaysia.

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam duy trì không thay đổi so với tuần trước ở 340 - 350 USD/tấn.

Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu tại các quốc gia đối thủ gồm Thái Lan và Ấn Độ vẫn đang ở mức cao so với Việt Nam. 

Cụ thể, giá gạo chuẩn 5% tấm của Thái Lan tăng 10 - 11 USD/tấn lên 406 - 425 USD/tấn hôm 8/8, từ mức 395 - 405 USD của tuần trước.

Còn giá gạo đồ 5% tấm của nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới đã giảm còn khoảng 377 - 381 USD/tấn trong tuần này từ mức 381 - 384 USD của tuần trước vì giá trị đồng rupee giảm.

Báo cáo từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết giá gạo thế giới không biến động trong tháng 7, đánh dấu tháng ổn định thứ 5 liên tiếp, trong bối cảnh hoạt động thương mại trên thị trường tương đối trầm lắng. 

Trên thị trường nội địa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) dự báo giá lúa, gạo trong nước có thể tăng trong thời gian tới do nhu cầu cải thiện.

Giá lúa, gạo tại đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn 25/7 - 1/8:

Loại lúa/gạo

Giá ngày 25/7 (đồng/kg)

Giá ngày 1/8 (đồng/kg)

Lúa tươi tại ruộng

Hạt dài

4.250 – 5.500

4.250 – 5.600

Hạt thường

4.200 – 4.850

4.250 – 5.150

Lúa khô/ướt tại kho

Hạt dài

5.100 – 6.700

5.150 – 6.800

Hạt thường

4.300 – 5.650

4.450 – 5.950

Gạo Nguyên liệu

Lứt loại 1

7.150 – 8.200

7.150 – 8.300

Lứt loại 2

6.175 – 6.350

6.250 – 6.500

Xát trắng loại 1

8.750 – 10.200

8.850 – 10.000

Xát trắng loại 2

7.050 – 7.200

7.150 – 7.250

Nguồn: Hiệp hội Lương thực Việt Nam

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ban-tin-thi-truong-gao-tuan-32-2019-co-hoi-nao-cho-xuat-khau-gao-khi-lu-lut-tan-pha-mua-mang-bangladesh-20190811122531774.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/