Bài toán tồn tại của doanh nghiệp: Để giữ cho ngọn đèn những công xưởng vẫn sáng

Trong bối cảnh suy thoái toàn cầu, thiếu đơn hàng, cạn vốn,... các doanh nghiệp sản xuất đã và đang tìm mọi cách để giữ cho ngọn đèn các công xưởng vẫn sáng, công nhân giữ được việc làm.

Tìm cách giữ cho những công xưởng sáng đèn

Thiếu hụt đơn hàng vào cuối năm đang khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất lâm vào tình cảnh khó khăn khi công xưởng phải tạm dừng sản xuất. Thay vì ồ ạt tuyển dụng lao động để hoàn thành các đơn hàng cuối năm, hàng loạt doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân sự.

Sa thải để tiết kiệm chi phí hay cầm cự, giữ chân người lao động là bài toán kinh tế mà các doanh nghiệp cần phải vượt qua để tồn tại ở giai đoạn khó khăn hiện nay. Đứng trước bài toán khó về nguồn nhân lực, mỗi công ty đều có lựa chọn cho riêng mình để tồn tại trong bối cảnh khắc nghiệt.

Theo thống kê chưa đầy đủ giữa tháng 11 của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, có hơn 240.000 công nhân dệt may, da giày, chế biến gỗ thiếu việc làm dịp cuối năm do tình trạng cắt giảm lao động, giờ làm đang diễn ra diện rộng.  

Quyết đinh sa thải công nhân không chỉ ảnh hưởng tới người lao động mà còn tác động không nhỏ tới chính hoạt động của doanh nghiệp đó trong dài hạn.

Đại diện một số doanh nghiệp chia sẻ nếu vì thiếu việc làm mà ngay lập tức cho công nhân nghỉ việc thì rất có thể doanh nghiệp sẽ lại nhanh chóng rơi vào tình trạng thiếu lao động khi có đơn hàng mới.

Theo các doanh nghiệp, mối quan tâm lớn nhất hiện nay của các đơn vị là cố gắng giữ cho công nhân có việc làm nhằm ổn định tình hình lao động, để khi tình hình kinh tế thế giới sáng sủa hơn, các đơn hàng có lại dồi dào, doanh nghiệp không phải chạy đôn chạy đáo tuyển dụng lao động, nhất là lao động có tay nghề, nhiều năm gắn bó với doanh nghiệp.    

Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, doanh nghiệp da giày có số lao động nhiều nhất TP HCM với khoảng 50.000 lao động, cho biết thay vì sa thải, doanh nghiệp sẽ cho 40% lao động, tương đương 20.000 công nhân các xưởng thuộc khối sự nghiệp nghỉ luân phiên trong ba tháng, hưởng lương 180.000 đồng/ngày trong thời gian nghỉ.  

Doanh nghiệp đang cố gắng giữ việc cho người lao động. (Ảnh: GDT)

Mặc dù lượng đơn hàng sụt giảm 30 - 40% song CTCP Gỗ Đức Thành cho biết sẽ không vì thế mà sa thải lao động. Hiện công ty vẫn cố gắng duy trì việc làm cho gần 1.300 lao động, không tổ chức tăng ca vào ban đêm hoặc cuối tuần nhưng không cắt giảm lao động chính thức nào trong giai đoạn khó khăn này.

Đại diện của Gỗ Đức Thành chia sẻ để giữ được việcthu nhập cho cả nghìn công nhân ở thời điểm hiện tại không phải là câu chuyện dễ đối với các doanh nghiệp. Công ty đã phải xoay trở bằng nhiều biện pháp như bán không lợi nhuận, giảm giá thành sản phẩm, tập trung phát triển mạnh thị trường nội địa và cả việc sản xuất hàng dự trữ.

"Việc này khá rủi ro vì thông thường công ty sản xuất theo đơn đặt hàng nên khi làm hàng dự trữ, nếu khách không mua thì mình không biết làm gì với những sản phẩm này. Do đó, ban lãnh đạo phải tính toán rất nhiều để chọn mặt hàng dự trữ có thể đáp ứng nhu cầu khách hàng. Tuy nhiên, để người lao động có việc làm được xem là "phần lời" của công ty trong giai đoạn này", bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch HĐQT Gỗ Đức Thành, cho hay.

Bên cạnh đó, để bù đắp khoản thiếu hụt do không còn tăng ca, từ tháng 9 đến nay, công ty đã hỗ trợ thêm cho mỗi người 500.000 đồng/tháng. Riêng với tháng Tết, công ty vẫn duy trì việc thưởng Tết, lương tháng 13, 14.

Riêng tôi sẽ dùng tiền cá nhân chi trả cho mỗi công nhân 1 triệu đồng như một phần quà, hỗ trợ người lao động khó khăn trong dịp Tết”, bà Lê Hải Liễu nói.

Trong ngành dệt may, lãnh đạo Công ty TNHH May mặc Dony cũng đang áp dụng chính sách làm việc luân phiên khoảng 4 – 5 ngày tuần, không tăng ca, cho về quê ăn Tết sớm nhưng vẫn giữ chế độ phụ cấp cho người lao động.

Doanh nghiệp này còn cho biết dự kiến thưởng Tết bằng một tháng lương cho công nhân dù lượng đơn hàng giảm tới 50% ở mảng thời trang và công ty đang hoạt động không có lợi nhuận. 

 “Các doanh nghiệp đang cố gắng duy trì đèn sáng trong xưởng. Khi đèn trong xưởng không còn sáng nữa thì đó là lúc doanh nghiệp không còn hàng để sản xuất, đồng nghĩa với việc người lao động sẽ không có việc làm và không có thu nhập", ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM, nhận định.

Tín hiệu đơn hàng quay trở lại

Chủ tịch HĐQT Gỗ Đức Thành cho biết sau thời gian "gồng gánh" trong khó khăn đứt gãy đơn hàng sản xuất thì trong tháng 12 và tháng 1/2023, công ty đã có đơn hàng trở lại từ nhiều thị trường như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc,... dù số lượng không nhiều do hàng tồn kho của khách hàng vẫn cao.

Theo bà Liễu, trước mắt là doanh nghiệp có việc đều đặn cho người lao động và có thể tăng ca vài ngày trong tuần với những đơn cần gấp, cải thiện phần nào thu nhập cho công nhân.

"Đây được xem là tín hiệu lạc quan, chưa biết sẽ kéo dài bao lâu nhưng nhu cầu về sản phẩm đồ dùng nhà bếp, đồ gia dụng có thể sẽ sớm phục hồi vì người tiêu dùng sẽ chẳng ngại ngần chi tiêu, thay mới so với các mặt hàng giá trị cao như đồ nội ngoại thất", Chủ tịch HĐQT Gỗ Đức Thành chia sẻ.

Đơn hàng trở lại, người lao động sẽ có thể yên tâm sản xuất (Ảnh: Dony)

Còn với Công ty TNHH May mặc Dony, trước tình hình phân khúc làm gia công mặt hàng thời trang bị sụt giảm, doanh nghiệp vẫn cố "chạy đông chạy tây", làm mọi cách để kiếm đơn hàng. 

Cụ thể với khách hàng cũ vẫn tập trung vào áo quần thì hiện nay May mặc Dony mở rộng tối đa các mặt hàng đồng phục, khẩu trang, mũ, găng tay, đồ bảo hộ...và liên tục kết nối tìm khách hàng mới thông qua công ty trung gian, hội chợ, triển lãm và marketing.

Bên cạnh đó, nếu trước đây chỉ lo tập trung các đơn hàng, sản phẩm giá trị cao thì nay Dony bắt đầu quan tâm các đơn hàng, sản phẩm "bình dân" hơn khi chuyển sang tìm những đơn hàng số lượng nhiều, giá rẻ sản xuất cho hệ thống siêu thị tại Mỹ.

"Cách đây một tháng, doanh nghiệp cũng đối diện tình trạng không có hoặc rất ít đơn hàng sản xuất nhưng mới đây công ty đã tìm được những đơn hàng dịch chuyển từ Trung Quốc sang và vừa xuất được 2 container 40 feet đi Mỹ, nhờ đó công nhân có đủ việc làm đến cuối năm. Tiếp đó, công ty chốt được đơn hàng khác cũng là khách hàng từ Trung Quốc dịch chuyển sang", ông Quang Anh nói.

Thực tế, nhiều dự báo cho rằng nhu cầu thị trường vẫn chưa thể sớm phục hồi trong những tháng đầu năm sau, tuy nhiên, việc các doanh nghiệp vẫn luôn tìm mọi cách xoay xở để tồn tại và thu về những đơn hàng "quý giá" như hiện nay cũng là một trong những tín hiệu tích cực giữa bức tranh kinh tế vẫn còn nhiều mảng xám trong năm 2023.

Trích Đặc san "Doanh nhân Việt Nam - Xuân Quý Mão"- Số tháng 1/2023 Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/bai-toan-ton-tai-cua-doanh-nghiep-de-giu-cho-ngon-den-nhung-cong-xuong-van-sang-202311892128192.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/