Bài học từ sự sung túc của nhiều địa phương trên cả nước

Thay vì dựa vào sự ưu đãi của tự nhiên, nhiều chọn cách ứng dụng công nghệ trong cải cách môi trường đầu tư, tăng cường tương tác với người dân và doanh nghiệp.

Cách đây 3 năm, ngân sách trung ương phải trợ cấp cho tỉnh Hà Nam gần 1.039 tỷ đồng. Khoản tiền này được gọi là “Bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương”. Năm 2019, tỉnh cần 1.030 tỷ đồng từ ngân sách trung ương để cân đối thu, chi.

Chỉ 16 tỉnh, thành phố đang có điều tiết ngân sách về trung ương

Không phải là thủ phủ chăn nuôi và xuất khẩu lợn như Hà Nam, Tây Nam Bộ lại có danh xưng “vựa lúa” nhờ đươc thiên nhiên ưu đãi. Tuy nhiên, ngân sách trung ương dự kiến sẽ phải trợ cấp cho khu vực này gần 37.471 tỷ đồng. Theo Dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2019, số tiền này tương đương tổng thu ngân sách của cả tỉnh Quảng Ninh.

Bài học từ sự sung túc của nhiều địa phương trên cả nước - Ảnh 1.

Dự kiến số thu NSNN trên địa bàn 16 địa phương có điều tiết ngân sách về trung ương năm 2019. Nguồn số liệu: Bộ Tài chính.

Tính trung bình, mỗi tỉnh còn lại nhận trợ cấp 4.216 tỷ đồng. Một số tỉnh cần bổ sung lớn từ trung ương như: Nam Định (6.174 tỷ đồng), Thanh Hóa (14.588 tỷ đồng), Lâm Đồng (4.293 tỷ đồng), Sóc Trăng (4.714 tỷ đồng).Dự toán thu, chi ngân sách là một trong những chỉ tiêu kế hoạch trọng yếu được các Đại biểu Quốc hội quyết định hàng năm. Năm 2019, dù tổng thu ngân sách của các địa phương tăng hơn 100.000 tỷ đồng nhưng bảng tổng hợp dự toán vẫn cho thấy nhiều điều rất đáng quan tâm. Chỉ 16 tỉnh và thành phố có điều tiết ngân sách về trung ương. So với năm 2016, danh sách này đã thêm được 3 địa phương.

Ngân sách mạnh nhờ thường xuyên tương tác với người dân

Không thể phủ nhận thu nhập thấp và bấp bênh từ lĩnh vực nông nghiệp đã dẫn đến những chênh lệch rất lớn về số thu ngân sách. Nhưng nếu điều kiện tự nhiên không phải là yếu tố quyết định thì 16 địa phương kia đã làm như thế nào để trở nên giàu có?

Theo kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI 2018, trong danh sách top 10 có tới 6 địa phương đứng đầu về thu ngân sách. Các địa phương có điều tiết ngân sách về trung ương cũng xếp thứ hạng cao trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Điểm số này là đánh giá của doanh nghiệp tại nơi họ đến đầu tư kinh doanh.

Bài học từ sự sung túc của nhiều địa phương trên cả nước - Ảnh 2.

Đồ họa: Zing

80% doanh nghiệp trả lời điều tra PCI tại Quảng Ninh cho biết, thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn hơn so với quy định. 74% doanh nghiệp đánh giá thủ tục giấy tờ tại đây đơn giản (mức cao nhất cả nước).

Nguyên tắc “4 tại chỗ” được áp dụng, bảo đảm việc tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả thủ tục hành chính được thực hiện ngay tại Trung tâm Hành chính công. Điều này đã giúp Quảng Ninh có được vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng năm thứ hai liên tiếp.

Đà Nẵng được các doanh nghiệp đánh giá có cải thiện trong việc giảm chi phí không chính thức. Bình Dương đứng thứ 6 bảng xếp hạng với những kết quả đánh giá tích cực về tính công khai, minh bạch của môi trường kinh doanh.

Hà Nội đứng thứ 10 bảng xếp hạng nhờ bước chuyển rõ rệt về chất lượng của bộ phận một cửa trong đăng ký doanh nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp phải chờ trên 3 tháng mới hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức đi vào hoạt động đã giảm mạnh từ 17% của năm 2017 xuống còn 5% trong năm 2018. 67% doanh nghiệp cho biết được tháo gỡ vướng mắc kịp thời (năm 2017 là 57%).

Bài học từ sự sung túc của nhiều địa phương trên cả nước - Ảnh 3.

Những xu hướng tích cực trong năm 2018. Nguồn: Khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI 2018.

Việc cải thiện nguồn thu sau khi lắng nghe ý kiến doanh nghiệp và cải cách môi trường kinh doanh còn thấy rõ ngay tại địa phương chưa có điều tiết ngân sách về trung ương. Chẳng hạn, thu ngân sách của Đồng Tháp đã tăng từ 4.787 tỷ đồng (năm 2014) lên hơn 5.800 tỷ đồng (năm 2015), đạt gần 7.454 tỷ đồng (năm 2016) - theo Quyết toán NSNN được Quốc hội phê chuẩn. Mức tăng thu ngân sách này gấp 2-3 lần so với trung bình cả nước.Qua thu thập đánh giá từ cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương đã hiểu rõ được điểm mạnh và điểm yếu trong môi trường kinh doanh để thực thi các biện pháp cải cách. Nhờ đó, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa phương, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cải thiện nguồn thu ngân sách.

Sự thay đổi ấn tượng của nền hành chính trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp là hình mẫu cải cách được Ngân hàng Thế giới (WB) nhiều lần nhắc đến. Từ năm 2014, chính quyền Đồng Tháp đã phối hợp với WB nhằm hiện đại hóa cách tiếp cận của tỉnh trong xúc tiến đầu tư, tập trung vào mối quan hệ nhà đầu tư -chính quyền. Lãnh đạo tỉnh dành 1 tiếng đồng hồ mỗi sáng để lắng nghe nhà đầu tư và giải quyết nhanh các vấn đề vướng mắc.

Vì vậy, một tỉnh ở phía tây nam, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nghèo nàn, cách sân bay 3 tiếng chạy xe, lại có thể thu hút 6 nhà đầu tư nước ngoài, 42 nhà đầu tư trong nước. Từ năm 2016 đến nay, tổng vốn đầu tư đăng ký vào tỉnh đã đạt gần 10.000 tỷ đồng.

Bài học từ sự sung túc của nhiều địa phương trên cả nước - Ảnh 4.

Bản đồ PCI 2018 và Bản đồ những địa phương ứng dụng Zalo trong hiện đại hóa nền hành chính công trên địa bàn.


Ứng dụng công nghệ trong cải tiến nền hành chính công, lắng nghe người dân và doanh nghiệp nhiều hơn cũng đang dần lan tỏa tới những địa phương khác trong bảng xếp hạng PCI.Đáng chú ý, nhiều địa phương trong top 10 bảng xếp hạng PCI đã ứng dụng công nghệ trong cải cách hành chính, góp phần hiện đại hóa nền hành chính trên địa bàn. Người dân Quảng Ninh, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Bình Dương… đã có thể nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên Zalo bằng điện thoại di động. Công dân đỡ tốn thời gian và công sức di chuyển tới Trung tâm hành chính công mà vẫn có thể thực hiện đăng ký kinh doanh. Chính quyền không cần làm khảo sát xã hội học nhưng vẫn kịp thời nắm bắt được nhu cầu và xử lý nhanh các phản ảnh từ người dân.

Có tới 40/63 tỉnh và thành phố tận dụng số lượng người dùng lớn trên Zalo để tăng tương tác với người dân và doanh nghiệp. Tại địa phương đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước - TP.HCM, chính quyền quận 3 đã tiên phong mở tài khoản “Quận 3 trực tuyến” trên Zalo, tạo thuận tiện trong việc tra cứu, nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính và phản ánh kiến nghị của người dân.

Nguyên tắc “4 tại chỗ” ở Quảng Ninh, mô hình “Cà phê doanh nhân” tại Đồng Tháp hay “Quận 3 trực tuyến” là một vài cách làm mang đến hiệu quả tích cực. Điều quan trọng sau những sáng kiến này là tinh thần cầu thị. Khi áp dụng công nghệ trong cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho tương tác như Quảng Ninh, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Bình Dương… địa phương sẽ lắng nghe được nhiều ý kiến hơn của người dân, doanh nghiệp.

Cải thiện môi trường đầu tư và giải quyết nhanh chóng những kiến nghị ấy, tỉnh sẽ trở nên giàu có hơn mà không cần nhờ tới sự ưu đãi của tự nhiên.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/bai-hoc-tu-su-sung-tuc-cua-nhieu-dia-phuong-tren-ca-nuoc-20190515212955151.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/