Ba kịch bản ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của Thái Lan

Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NESDC) cho rằng nền kinh tế Thái Lan có thể bị ảnh hưởng bởi 3 kịch bản có tính đến xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra và các xung đột địa chính trị khác.

Theo Phó Tổng thư ký NESDC Wichayayuth Boonchit, kịch bản đầu tiên và có thể xảy ra nhất là nếu xung đột Nga-Ukraine tiếp tục, nhưng nguồn cung dầu mỏ toàn cầu không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt đối với Nga. Trong trường hợp này, nền kinh tế Thái Lan sẽ tăng trưởng từ 2,5-3,5% trong năm nay.

Ông Wichayayuth nhận xét lạm phát của Thái Lan sẽ giảm nhẹ vào năm 2023, trong khi tài khoản vãng lai sẽ tăng dần lên. Ông cũng kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng trong năm nay trước khi chậm lại vào năm sau dựa trên xu hướng lãi suất và chu kỳ của các nền kinh tế lớn. Ông Wichayayuth tin rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ bắt đầu phục hồi sau năm 2023.

Trong kịch bản thứ hai, nhưng ít xảy ra hơn, ông Wichayayuth cho biết nền kinh tế Thái Lan sẽ tăng trưởng kém hơn dự kiến trong giai đoạn 2022-2023 nếu nhiều lệnh trừng phạt hơn được áp dụng đối với Nga. Điều đó sẽ khiến giá dầu và các sản phẩm khác trên thế giới tăng vọt.

Ông Wichayayuth nói rằng lạm phát năm nay sẽ cao hơn so với kịch bản đầu tiên trước khi giảm, đồng thời cho biết tài khoản vãng lai sẽ thặng dư cao hơn kịch bản đầu tiên.

Ông Wichayayuth cũng kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng ở mức thấp hơn trong năm tới tùy thuộc vào các hình thức trừng phạt. Ông Wichayayuth nói thêm rằng các nền kinh tế ở châu Âu, Anh và Mỹ đối mặt với nguy cơ suy thoái.

Kịch bản thứ ba và cũng là kịch bản tồi tệ nhất là nếu một cuộc xung đột bùng lên giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông Wichayayuth cho biết xung đột này sẽ châm ngòi cho một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu tùy thuộc vào cường độ của xung đột này và các xung đột địa chính trị khác.

Theo ông Wichayayuth, nếu xung đột Mỹ-Trung nảy sinh, điều đó sẽ đẩy giá nhiên liệu, thực phẩm và hàng tiêu dùng lên cao và thậm chí gây ra tình trạng thiếu hụt. Lạm phát của Thái Lan vẫn sẽ ở mức cao, với cán cân tài khoản vãng lai thâm hụt.

Trước đó, phát biểu sau cuộc họp Chính phủ hôm 2/8, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha khẳng định tình hình kinh tế vĩ mô của đất nước có xu hướng tích cực và dự báo Thái Lan có thể đạt mức tăng trưởng kinh tế 3,3% trong năm 2022 và 4,2% trong năm 2023.

Thủ tướng Thái Lan Prayut khẳng định tình hình tài chính của đất nước đang rất ổn định và mạnh mẽ nhờ các chính sách tài khóa và tiền tệ thận trọng và có kỷ luật. Điều này được thể hiện qua sự quan tâm ngày càng gia tăng của giới đầu tư nước ngoài tới Thái Lan.

Theo ông Prayut, tiêu dùng tư nhân và sức mua của những người có thu nhập cao đang hồi phục trong nửa cuối năm nay, cùng với lượng du khách quốc tế đã phục hồi. Lượng du khách quốc tế tới Thái Lan trong năm 2022 dự báo sẽ đạt 6 triệu lượt, cao hơn so mức dự báo 5,6 triệu lượt trước đó. Trong năm 2023, dự báo lượng du khách quốc tế có thể đạt 19 triệu lượt, bằng 50% so với thời điểm trước khi bùng phát đại dịch COVID-19 năm 2019.

Trong khi đó, Ủy ban thường trực hỗn hợp về thương mại, công nghiệp và ngân hàng (JSCCIB) cho biết kinh tế Thái Lan dự kiến vẫn tăng trưởng từ 2,75% đến 3,5% trong năm nay, nhờ xuất khẩu tăng, nhiều khách du lịch hơn và sự hỗ trợ của Chính phủ, nhưng phải đối mặt với áp lực lạm phát gia tăng.

Theo JSCCIB, xuất khẩu của Thái Lan dự kiến sẽ tăng từ 6% đến 8% trong năm nay, so với mức dự báo trước đó là từ 5% đến 7%. JSCCIB cho rằng Thái Lan sẽ đón 7-8 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2022. Nhóm này dự báo lạm phát toàn phần từ 5,5% đến 7,0% trong năm 2022, cao hơn mức mục tiêu của Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) là từ 1% đến 3%.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ba-kich-ban-anh-huong-toi-tang-truong-kinh-te-cua-thai-lan-2022812205059985.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/