Áp lực nợ ngân hàng đè người mua nhà ‘khó thở’ trong dịch

Nhiều người dân vay tiền ngân hàng để mua nhà đang lo lắng vì lâm cảnh thất nghiệp, mất thu nhập. Họ đang cầm cự hoặc rao bán nhà để thoát cảnh mất ăn mất ngủ triền miên.

Tiền vay ngân hàng đè người mua nhà ‘khó thở’ trong dịch - Ảnh 1.

Người vay ngân hàng để mua nhà đang chịu áp lực do mất thu nhập. (Ảnh minh họa: Chu Lai).

Những ngày qua, anh Thanh Bình (quê Quảng Nam) cầm khư khư điện thoại trong tay để gọi cho bạn bè và đồng nghiệp để hỏi vay tiền đóng lãi ngân hàng sắp đến hạn. Anh Bình trước đó đã vay 1 tỷ đồng để mua căn hộ trên địa bàn quận Sơn Trà, mỗi tháng đóng lãi và nợ gốc hơn 11 triệu đồng.

"Vợ chồng tôi mua căn hộ hồi đầu năm 2021 với giá hơn 1,5 tỷ đồng, sau thời gian 7 năm ở trọ. Lúc trước khi dịch COVID-19 xảy ra, chúng tôi có thu nhập hàng tháng hơn 20 triệu đồng, ngoài khoản đóng tiền lãi còn lại để tiêu sinh hoạt vừa vặn. Khi dịch bùng phát lại, cả hai vợ chồng thất nghiệp vì công ty cho nghỉ làm", anh Thanh Bình tâm sự.

Thất nghiệp lại không có khoản tiền dự phòng, cuộc sống gia đình anh Thanh Bình vô cùng khó khăn, túng quẫn. Hai vợ chồng nhiều đêm mất ngủ để suy nghĩ, tìm nơi vay mượn tiền đóng lãi ngân hàng, sinh hoạt.

"Chúng tôi đã liên hệ ngân hàng để mong khoanh nợ, họ hướng dẫn làm giấy đề nghị để xem xét", anh Thanh Bình chia sẻ và nói đã nghĩ tới việc bán căn hộ nếu không được khoanh nợ hay tìm được cách tốt hơn.

Giống gia đình anh Thanh Bình, chị T.Vy (quê Quảng Ngãi) cũng mất việc làm 4 tháng, đang gánh khoản vay 500 triệu đồng để mua căn hộ trên địa bàn quận Sơn Trà.

Chị T.Vy tâm sự: "Tôi đã vay được một năm, lãi suất trước đó rất tốt, công việc cũng tốt nên không đắn đo việc mua nhà ở. 4 tháng qua thất nghiệp, tôi vay bạn bè, người thân đóng lãi tạm, đồng thời liên hệ ngân hàng để đề nghị khoanh nợ hoặc giảm lãi, không áp dụng lãi suất thả nổi cho các năm tiếp theo".

Người phụ nữ này thừa nhận rất áp lực, tuy nhiên chị vẫn muốn gắng gượng thêm 1-2 tháng chờ xin được việc mới rồi tính tiếp.

"Tôi muốn cố gắng hết khả năng để giữ căn hộ ở sau 8 năm ở trọ mới mua được. Nếu bán trong lúc dịch bệnh thế này, tôi lo bị ép giá, bị lỗ và không biết bao giờ mới có thể mua lại được", chị T.Vy nói.

Trường hợp của gia đình anh Thanh Bình, chị T.Vy chỉ là những câu chuyện điển hình về áp lực nợ của người dân vay ngân hàng mua nhà trong tình hình khó khăn hiện nay.

Chị T.Thương, một môi giới chia sẻ, từ tháng 6 đến nay có nhiều người đã liên hệ để hỏi thăm việc bán căn hộ, nhà đang ở do áp lực lãi vay ngân hàng.

"Có 10 người đã liên hệ tôi, trong đó có ba người gửi bán, còn lại hỏi thăm bán trong lúc dịch bệnh này có bị lỗ không? Bán được giá bao nhiêu? Họ đắn đo suy nghĩ nhiều", môi giới này nói.

Theo chị T.Thương, chị vẫn rao thông tin các BĐS khách hàng gửi bán qua nhiều kênh nhưng người hỏi mua không có. "Nếu không giảm giá mạnh, khó có người mua thời điểm này!", chị nhận định.

Chia sẻ tại một tọa đàm BĐS được tổ chức vào tháng 8 vừa qua, ông Phan Công Chánh, chuyên gia BĐS cá nhân cho rằng, làn sóng bán tháo bất động sản sẽ chưa xảy ra, ít nhất là từ nay đến cuối năm 2021.

Vị chuyên gia này giải thích, bất động sản là một tài sản lớn, có những người phải dành dụm rất lâu mới có được. Do đó, họ sẽ giữ tài sản bằng mọi giá như đi vay mượn bạn bè, người thân, ngoại trừ số ít các nhà đầu tư chuyên mua đi bán lại.

"Tuy nhiên, nếu đến hết năm 2021 mà tình hình dịch bệnh chưa cải thiện, lực bán sẽ tăng dần lên, bắt đầu từ khoảng quý II/2022", ông Chánh dự báo.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ap-luc-no-ngan-hang-de-nguoi-mua-nha-kho-tho-trong-dich-20210920091014042.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/