Ấn tượng nửa đầu 2019: Xuất hiện mã tăng gần 65 lần, cổ phiếu Yeah1 rớt thảm, đầu tư nhóm khu công nghiệp 'ăn bằng lần'

Nửa đầu năm 2019, thị trường chứng kiến sự tăng giá của nhóm cổ phiếu dự báo hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung như khu công nghiệp, dệt may. Đáng chú ý, thị trường xuất hiện nhiều cổ phiếu 'ăn bằng lần', cá biệt có mã tăng giá gần 65 lần.

VN-Index tăng trưởng vượt trội so với HNX-Index và UPCoM-Index

Kết thúc nửa đầu năm 2019, nhìn chung các chỉ số đều tăng điểm so với thời điểm đầu năm, với sự khởi sắc trong ba tháng đầu và chùng xuống trong ba tháng tiếp theo. Trong đó, chỉ số VN-Index có mức tăng trưởng vượt trội so với HNX-Index và UPCoM-Index.

chiso

VN-Index tăng trưởng vượt trội so với HNX-Index và UPCoM-Index. Nguồn: VNDirect

Cụ thể, VN-Index tăng trưởng cao nhất với 6,53%, từ 892,5 điểm lên 949,9 điểm. UPCoM-Index đứng thứ hai với mức tăng 2,8 điểm lên 55,6 điểm, tương ứng tỉ lệ 5,44%. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index kết thúc tháng 6 tại 103,5 điểm, tăng 0,81%,.

Trái ngược với diễn biến lình xình của thị trường, nhiều cổ phiếu bứt phá mạnh với những câu chuyện riêng của doanh nghiệp. 

Theo số liệu thống kê, Top10 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất đạt tỉ lệ trung bình 961,4%, thậm chí có mã tăng tới hơn 64 lần. Trong đó, UPCoM đóng góp 8 mã, HNX có 2 mã, riêng HOSE không có cổ phiếu nào nằm trong nhóm này.

top10

HOSE không có gương mặt nào trong Top 10 tăng giá. Nguồn: Sơn Tùng tổng hợp

Cổ phiếu VNX của Quảng cáo và Hội chợ Thương mại giữ vị trí quán quân với mức tăng gần 65 lần, từ 777 đồng/cp (giá điều chỉnh) lên 51.000 đồng/cp. Quảng cáo và Hội chợ Thương có hoạt động kinh doanh hiệu quả. Năm 2108, công ty đạt lợi nhuận 12,5 tỉ đồng, cao hơn vốn điều lệ 12 tỉ đồng. Theo đó, EPS năm 2018 đạt hơn 10.000 đồng/cp. 

Việc cổ phiếu VNX tăng mạnh cũng diễn ra trong bối cảnh công ty công bố trả cổ tức năm 2018 tỉ lệ 50% bằng tiền mặt, gấp 6,43 lần so với thị giá tại thời điểm đó chỉ 1.200 đồng/cp.

Đứng thứ hai, cổ phiếu VCR của Vinaconex – ITC tăng 604,7% do kỳ vọng dự án Cái Giá sẽ được hoạt động trở lại. Được biết, đây là dự án duy nhất đóng góp toàn bộ vào doanh thu và lợi nhuận của công ty.

Xếp sau đó, cổ phiếu KHD của Khoáng sản Hải Dương tăng 413,3%, cổ phiếu VIM của Khoáng sản Viglacera (365,7%), TVM của Tư vấn Đầu tư Mỏ (300%).

Đối với Đầu tư Sài Gòn VRG, ngay từ khi chào sàn ngày 6/6 doanh nghiệp này đã gây chú ý khi 5 phiên liền không có giao dịch, trong khi dư mua hàng triệu cổ phiếu tại mức giá trần. Tuy nhiên, kể từ ngày 13/6, cổ phiếu SIP liên tiếp có những phiên tăng trần vàn giao dịch cân bằng quanh 70.000 đồng/cp. Kết phiên 28/6, cổ phiếu này tạm dừng tại 66.600 đồng/cp, tương đương mức tăng 287,2%.

Trong danh sách này, cổ phiếu C69 của Xây dựng 1369 có mức tăng thấp nhất cũng đạt tới 230%, cổ phiếu HCS của Thông tin Tín hiệu Đường sắt Hà Nội tăng 239,1%.

Cổ phiếu Khu công nghiệp gây ấn tượng trên HOSE nửa đầu năm

Đối với các cổ phiếu trên HOSE, Top10 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất có mức tăng trung bình 86% trong 6 tháng đầu năm. Đáng chú ý, hầu hết các mã này đều thuộc nhóm cổ phiếu midcap, trong khi nhóm vốn hóa lớn và VN30 không đại diện nào.

top10hose

Nhóm cổ phiếu midcap tăng mạnh nhất sàn HOSE

Trong đó, cổ phiếu CCL của Đầu tư và Phát triển Dầu khí Cửu Long đứng đầu với tỉ lệ tăng 109,8% lên 6.040 đồng/cp. Đáng chú ý, thời gian này không xuất hiện thông tin hỗ trợ nào đặc biệt, do vậy cổ phiếu tăng mạnh do triển vọng doanh nghiệp hay chỉ là con sóng đầu cơ vẫn là dấu hỏi lớn đối với nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu phát triển khu công nghiệp có 3 đại diện gồm D2D của Phát triển Đô thị Số 2 (tăng 103,3%), TIP của Phát triển KCN Tín Nghĩa (tăng 100,2%) và PHR của Cao su Phước Hòa (tăng 83%). Các cổ phiếu này bứt phá do nhu cầu thuê đất khu công nghiệp tăng mạnh, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh thương mại có thể khiến nhiều nhà máy sản xuất dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Cũng hưởng lợi từ chiến tranh thương mại, cổ phiếu dệt may ghi nhận sự khởi sắc trong nửa đầu năm, trong đó cổ phiếu STK có mức tăng giá 77% lên 23.900 đồng/cp.

Trong khi đó, cổ phiếu GTN tăng từ 10.300 đồng /cp lên 18.300 đồng/cp, tương ứng tỉ lệ 77,7%. Trong thời gian này, Vinamilk đã chào mua công khai 116,7 triệu cổ phiếu GTN, tương ứng 49% vốn điều lệ. Tuy nhiên, HĐQT GTNFoods không đồng ý với đề nghị chào mua của Vinamilk do chưa nhận được sự trao đổi nào của Vinamilk về định hướng phát triển của GTNFoods. Kết quả, Vinamilk chỉ mua được hơn 95,8 triệu cp, tương ứng tỉ lệ 38,34% từ Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, hai quỹ ngoại PENM IV và Tael Two Partners.

Với Sao su Sao Vàng, việc thoái vốn nhà nước giúp cổ phiếu của doanh nghiệp này tăng 69,6%, lên 22.900 đồng/cp. Trong khi, cổ phiếu PPC của Nhiệt điện Phả Lại bứt phá 66,3% do hưởng lợi từ giá điện tăng.

Cổ phiếu Yeah1 rớt thảm với sự cố với Youtube

Trong diễn biến ngược lại, top 10 cổ phiếu giảm giá cũng ghi nhận 8 cái tên đến từ UPCoM, với tỉ lệ mất giá trung bình 71,5%.

top10giam

Top 10 cổ phiếu giảm giá có 8 mã thuộc UPCoM và hai mã thuộc HOSE. Nguồn: Sơn Tùng tổng hợp

Dẫn đầu danh sách giảm giá, cổ phiếu BAL của Bao bì Balpac mất 77,4% giá trị, còn 7.600 đồng/cp. Do không có giao dịch trong thời gian một năm, biên độ giao dịch của cổ phiếu này được tăng lên 40%. Theo đó, ngày 19/3 cổ phiếu BAL giảm sàn từ 33.667 đồng/cp xuống còn 20.200 đồng/cp, giai đoạn sau đó được nối tiếp bằng chuỗi giảm liên tục về mức 7.600 đồng/cp.

Đáng chú ý, Top10 giảm giá xuất hiện cái tên YEG của Tập đoàn Yeah1. Với một số sự cố hoạt động ở đơn vị trực thuộc, YouTube đã có thông báo về việc chấm dứt Thỏa thuận lưu trữ nội dung với các công ty con/đơn vị trực thuộc Tập đoàn Yeah1 từ ngày 31/3. Theo Chủ tịch Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, sự cố này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của công ty, minh chứng là mức độ tăng trưởng không còn ở mức 50 - 60% như mọi năm.

Kết quả, cổ YEG liên tiếp giảm sàn từ ngày 1/3 – 20/3, sau đó giao dịch cân bằng quanh giá 110.000 đồng/cp đến hết tháng 5, sau đó tiếp tục giảm cho đến hiện tại. Kết thúc tháng 6, cổ phiếu YEG đóng cửa tại 73.500 đồng/cp, giảm 68,7% so với giá 235.000 hồi đầu năm.

Không tăng giá mạnh, cuộc đua vốn hóa của các 'ông lớn' ra sao?

Với diễn biến tích cực của giá cổ phiếu trong nửa đầu năm, vốn hóa toàn thị trường tăng thêm 8,88%, đạt mức 4,535 triệu tỉ đồng vào ngày 28/6. Cuộc đua của cổ phiếu vốn hóa lớn nửa đầu năm được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Trong đó, Top10 cổ phiếu lớn nhất đạt mức vốn hóa 1,99 triệu tỉ đồng, chiếm tới 45,73%.

top10vonhoa

Nhóm cổ phiếu lớn nhất chiếm 46% vốn hóa thị trường. Nguồn: Sơn Tùng tổng hợp

Hai cổ phiếu thuộc 'họ Vingroup' là VIC và VHM trở thành hai mã có vốn hóa lớn cao nhất thị trường, chiếm 15% vốn hóa toàn tị trường.

Theo đó, vốn hóa của Vingroup tăng 27,3% trong nửa đầu năm lên 387.125 tỉ đồng, chiếm 8,9% vốn hóa toàn thị trường. Đứng thứ hai, Vinhomes chiếm tỉ lệ vốn hóa 6,1%, tương ứng giá trị 265.616 tỉ đồng.

Nhóm ngân hàng có hai đại diện trong Top10  vốn hóa với tổng tỉ lệ 8,5%. Nhờ sự bứt phá của giá cổ phiếu, vốn hóa Vietcombank tăng 35,8% lên mức 261.476 tỉ đồng, đứng thứ ba và đồng thời dẫn đầu nhóm ngân hàng. Trong khi đó, vốn hóa của BIDV giảm 7,8% xuống 108.373 tỉ đồng, đứng thứ 8 toàn thị trường.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có vốn hóa lớn như Vinamilk (214.191 tỉ đồng), Cảng Hàng không Việt Nam (211.175 tỉ đồng), PV Gas (186.610 tỉ đồng), Sabeco (176.352 tỉ đồng), Masan (97.023 tỉ đồng).

Hai đại diện thị trường UPCoM là cổ phiếu ACV và VGI. Cụ thể, vốn hóa của ACV tăng 7,8% nửa đầu năm, đạt 211.175 tỉ đồng, đứng thứ 5 toàn thị trường. 

'Họ Viettel' cũng giao dịch tích cực nửa đầu năm nay với việc tăng giá của hầu hết mã cổ phiếu như CTR, VTK, VGI. Đáng chú ý, vốn hóa thị trường của Viettel Global (mã: VGI) tăng 175,4% lên 82.792 tỉ đồng.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/an-tuong-nua-dau-2019-xuat-hien-ma-tang-gan-65-lan-co-phieu-yeah1-rot-tham-dau-tu-nhom-khu-cong-nghiep-an-bang-lan-20190702193229362.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/