Ấn Độ và cơ hội 'ngàn năm có một' về kinh tế

Trang Quỹ nghiên cứu nhà quan sát (ORF) đăng bài phân tích của Chủ tịch Nilanjan Ghosh và cộng sự nghiên cứu viên Soumya Bhowmick có tựa đề “Triển vọng tăng trưởng kinh tế Ấn Độ trong năm 2023”.

Cảng hàng hóa Mundra, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Khi Ấn Độ kỷ niệm Ngày Cộng hòa lần thứ 74, một kỳ tích thú vị dường như chưa được thừa nhận. Vào tháng 1/2023, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới với dân số xấp xỉ 1,417 tỷ người so với 1,412 tỷ người của Trung Quốc, theo Tạp chí Dân số Thế giới (WPR).

Đây có vẻ là kết luận hợp lý nhất sau thông báo của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc về việc dân số nước này đã giảm 850.000 người trong thời gian từ năm 2021 đến 2022.

Điều này tạo ra cả cơ hội và thách thức cho Ấn Độ. Dân số đông sẽ giúp mở rộng cơ sở nguồn lực con người, nâng cao năng lực sản xuất giữa các ngành kinh tế, làm tăng tính cấp thiết của các chương trình giáo dục và y tế hiệu quả, các sáng kiến kỹ năng và cơ hội việc làm đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực con người.

Bất chấp tình trạng bất ổn toàn cầu do cú sốc kép COVID-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine, câu chuyện tăng trưởng dài hạn của kinh tế Ấn Độ vẫn là điểm sáng duy nhất trong kịch bản tăng trưởng toàn cầu ảm đạm.

Điều này giúp thu hút đầu tư nước ngoài, với dòng vốn FDI chảy vào quốc gia Nam Á đạt mức cao nhất mọi thời đại trong năm 2021-2022 với gần 85 tỷ USD. Việc Ấn Độ nổi lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, vượt qua Anh vào năm 2022 đã đánh dấu sự khởi đầu của “kỷ nguyên Ấn Độ” trong câu chuyện tăng trưởng toàn cầu. Nước này đang hướng tới việc vượt qua Nhật Bản và Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đến năm 2029.

Bất ổn toàn cầu và Trung Quốc là nhân tố thúc đẩy câu chuyện tăng trưởng của Ấn Độ

Có ba yếu tố tạo nên câu chuyện tăng trưởng của Ấn Độ. Thứ nhất, nếu đại dịch mang lại một bài học quan trọng cho kinh tế toàn cầu thì đó phải là giảm sự phụ thuộc quá mức vào Chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) của Trung Quốc.

Như có thể thấy rõ từ các yếu tố như đại dịch, cuộc xung đột Nga-Ukraine sau đó hay đợt bùng phát dịch COVID-19 gần đây ở Trung Quốc, sự phụ thuộc quá mức vào một nền kinh tế cụ thể chắc chắn gây ra những tác động theo tầng đối với kinh tế thế giới do những cú sốc kinh tế vĩ mô mà chúng tạo ra.

Thứ hai, các đường nét trong quan hệ đối tác kinh tế hiện đã thay đổi. Các quốc gia đang cố gắng đạt được sự cân bằng phù hợp giữa toàn cầu hóa và địa phương hóa, thông qua các nền tảng song phương/đa phương được đặc trưng bởi việc tận dụng các lợi thế so sánh của tiểu vùng.

Ở một mức độ lớn, các dạng mô hình tiểu khu vực mới nổi này dựa trên việc kiểm soát sức mạnh kinh tế và chính trị của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và hơn thế, nơi Ấn Độ đóng vai trò tích cực.

Thứ ba, chắc chắn rằng đại dịch tạo ra một bước tiến trong việc sử dụng công nghệ, từ việc cung cấp khoản thanh toán an sinh xã hội ở cấp cơ sở cho đến các hội nghị cấp chính phủ.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch đã thực sự mở đường để nhiều tập đoàn phương Tây xem xét chiến lược Trung Quốc+1 (C+1) nhằm đa dạng hóa đầu tư từ Trung Quốc sang các quốc gia khác, giảm thiểu rủi ro kinh tế và địa chính trị. Trong bối cảnh đó, Ấn Độ có thể là quốc gia đi đầu tiềm năng trong trò chơi C+1.

Công nhân kiểm tra các ống sợi trên máy dệt thảm tại một nhà máy ở ngoại ô Jammu, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Tại sao Ấn Độ vượt lên dẫn trước ở C+1?

Không còn nghi ngờ gì nữa, trên toàn cầu, kinh tế Ấn Độ đang trỗi dậy từ đống tro tàn như một “con phượng hoàng” sau một năm tăng trưởng âm vì các biện pháp phong tỏa do đại dịch gây ra. Có nhiều lý do để Ấn Độ vượt lên dẫn trước các nước khác và dẫn đầu kinh tế thế giới.

Thứ nhất, Ấn Độ được hưởng ưu thế về nhân khẩu học tương đối so với Trung Quốc. Trong khi tỷ lệ dân số dưới 30 tuổi ở Ấn Độ là 52%, thì tỷ lệ tương tự ở Trung Quốc là khoảng 40%. Dân số trẻ dự kiến thúc đẩy tiêu dùng, tiết kiệm và đầu tư, đây là những điều kiện cần thiết để Ấn Độ đạt được các mục tiêu nền kinh tế trị giá 5.000 hoặc 10.000 tỷ USD.

Thứ hai, chi phí lao động thấp và các yếu tố tích cực khác trong dây chuyền sản xuất ở Ấn Độ mang lại cho nền kinh tế một lợi thế đặc biệt trong việc giảm chi phí sản xuất và từ đó giúp hàng hóa có giá cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế. Các ước tính năm 2019 cho thấy mức lương trung bình mỗi tháng tại Trung Quốc cao gấp gần 10 lần mức lương của Ấn Độ. Bằng cách tận dụng lợi thế kinh tế theo quy mô trong sản xuất, Ấn Độ có tiềm năng trở thành một bên tham gia toàn cầu đáng kể với các sản phẩm điện tử và chất bán dẫn như một phần của chiến lược đa dạng hóa C+1.

Thứ ba, đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng vật chất thông qua các hoạt động toàn chính phủ như Đường ống cơ sở hạ tầng quốc gia (NIP) cho năm tài chính 2019-2025 được dự đoán làm giảm chi phí sản xuất ngành. Ngành giao thông vận tải của Ấn Độ dự kiến tăng trưởng với tốc độ kép hàng năm (CAGR) là 5,9% và dự kiến cắt giảm khoảng 20% thời gian và chi phí vận chuyển. Ngoài ra, ở Trung Quốc, thường xảy ra trường hợp các phương tiện lấy hàng, vận chuyển trên đường và giao hàng cuối cùng được thực hiện bởi các công ty khác nhau, điều này làm tăng chi phí giao dịch của toàn bộ quá trình.

Thứ tư, những can thiệp chính sách gần đây nhằm khuyến khích môi trường kinh doanh ở Ấn Độ thông qua các biện pháp như Chương trình khuyến khích liên kết sản xuất (PLI), cải cách chế độ thuế, tự do hóa chính sách Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong sản xuất, thiết lập quỹ đất và tổ chức các hội nghị thượng đỉnh kinh doanh thường xuyên, chắc chắn sẽ giúp Ấn Độ trở thành một thế lực đối trọng với Trung Quốc trong thu hút đầu tư. Tất cả những điều này, được thúc đẩy bởi sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ”, cũng được thúc đẩy bởi quá trình thúc đẩy khuôn khổ chủ nghĩa liên bang cạnh tranh, trong đó các bang liên tục đưa ra cải cách trong thực tiễn và không ngừng phát triển để giảm chi phí giao dịch khi thực hiện.

Thứ năm, dựa trên sự gia tăng ứng dụng kỹ thuật số sau thời kỳ đại dịch, Ấn Độ có vị trí thuận lợi để khai thác mức độ thâm nhập Internet cao (ở mức 43%) và chuyển đổi các sáng kiến kỹ năng kỹ thuật số để mang lại lợi nhuận cho các lĩnh vực kinh tế khác nhau, đặc biệt là dịch vụ.

Trên thực tế, sự kết hợp đúng đắn giữa các công nghệ tự phát triển như ứng dụng Aarogya Setu/DigiYatra, cũng như sự thâm nhập rộng rãi hơn của Google và Facebook (bị cấm ở Trung Quốc), giúp giới trẻ Ấn Độ vượt trội so với phần còn lại về kiến thức về các cơ sở kỹ thuật số.

Thứ sáu, sự phổ biến của kỹ năng tiếng Anh trong giới trẻ Ấn Độ chắc chắn đưa Ấn Độ vượt lên trên Trung Quốc. Vì tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức thứ hai ở các bang của Ấn Độ, điều này giúp các nhà điều hành doanh nghiệp dễ dàng giao tiếp hơn khi tiến hành kinh doanh với các khách hàng Bắc Mỹ và châu Âu.

Thứ bảy, trong thế giới hậu đại dịch, các quốc gia hiện đang thận trọng trong việc đạt được sự cân bằng phù hợp giữa toàn cầu hóa và địa phương hóa, thông qua nền tảng song phương và đa phương. Các quan hệ đối tác kinh tế thường được đặc trưng bởi việc tận dụng các lợi thế so sánh của tiểu vùng.

Ví dụ, quyết định của Ấn Độ không tham gia vào khối thương mại lớn nhất thế giới Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) năm 2020 để bảo vệ thị trường nội địa và hạn chế thâm hụt thương mại đã gửi đi những tín hiệu mạnh mẽ về việc nước này không muốn liên kết với Trung Quốc trong lĩnh vực quan hệ đối tác thương mại.

Trong khi đó, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA) lịch sử được ký kết năm 2022 giữa Các tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Ấn Độ dự kiến mở ra cơ hội tiếp cận cho các nhà xuất khẩu Ấn Độ vào thị trường Arập và châu Phi, và ước tính tăng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương từ 60 tỷ USD lên 100 tỷ USD trong khoảng 5 năm.

Thứ tám, ngoại giao Ấn Độ thực sự đang đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc đáp ứng sự năng động của trật tự thế giới đương đại. Ngoài ra, các quan hệ đối tác - như Bộ tứ kim cương (QUAD), một nhóm chiến lược bao gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ và Australia hay I2U2, nhóm gồm Ấn Độ, Israel, UAE và Mỹ, các hiệp định thương mại giữa Ấn Độ với Australia, Canada, Liên minh châu Âu (EU) và các nước châu Phi – đang giúp trang bị cho doanh nghiệp Ấn Độ khả năng tiếp cận nhiều hơn với thế giới tài chính, công nghệ và các thị trường chưa được khám phá trước đây.

Khi Ấn Độ đảm nhận vai trò Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) trong năm nay, nước này có cơ hội duy nhất để vượt qua các đường cong đang thay đổi của toàn cầu hóa, đồng thời đóng góp một trong những tiếng nói mạnh mẽ nhất cho khu vực Nam Bán cầu trong thời gian gần đây.

Cuối cùng, người ta cần tính đến quy mô của thị trường nội địa ở Ấn Độ. Một trong những lợi thế của Trung Quốc trong thập kỷ qua là quy mô lớn của thị trường nội địa với cơ sở dân số khổng lồ và thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng. Giải pháp thay thế duy nhất để cạnh tranh với quy mô thị trường như vậy và thu nhập ngày càng tăng là Ấn Độ, nơi có thị trường lớn với dân số khổng lồ 1,3 tỷ người và có thu nhập đang tăng ở mức 6,9%/năm theo ước tính gần đây.

Trên toàn cầu, điểm sáng trong bối cảnh ảm đạm là kinh tế Ấn Độ đang trỗi dậy từ đống tro tàn. Lễ kỷ niệm 74 năm Ngày Cộng hòa của Ấn Độ không chỉ đơn thuần đánh dấu sự tưởng nhớ về quá khứ hay lễ kỷ niệm việc thông qua Hiến pháp lớn nhất và toàn diện nhất thế giới, mà còn là lễ kỷ niệm tương lai rực rỡ của một nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ soi sáng cho một thế giới nhiều bất ổn.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/an-do-va-co-hoi-ngan-nam-co-mot-ve-kinh-te-2023258484870.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/