Ai sẽ là Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam?

10 giờ sáng nay (16 4), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã tổ chức Hội nghị Tập thể lãnh đạo Tập đoàn. Theo thông tin mới cập nhật của Tạp chí Năng lượng Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, trên cơ sở chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để Hội Đồng Thành Viên (HĐTV) PVN đã chấp thuận cho ông Nguyễn Vũ Trường Sơn - Tổng giám đốc PVN thôi giữ chức Tổng giám đốc.

Tuy nhiên, HĐTV PVN sẽ chưa chính thức công bố Quyết định chấp thuận cho ông Sơn nghỉ theo nguyện vọng cá nhân (vì còn chờ sau khi có Tổng giám đốc mới để làm các thủ tục bàn giao). Đồng thời, Ủy ban cũng chấp thuận cho PVN bổ nhiệm nhân sự thay thế chức danh Tổng giám đốc Tập đoàn từ nguồn tại chỗ.

Nội hàm

Về mặt chính quyền, vị trí Tổng giám đốc PVN (CEO/TGĐ) trước đây do Bộ trưởng Bộ Công Thương bổ nhiệm. Tuy nhiên, sau khi Bộ Công Thương bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu PVN cho Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước từ cuối tháng 11/2018, việc bổ nhiệm đã thay đổi. Theo đó, Chủ tịch Hội đồng Thành viên (HĐTV) PVN sẽ ký quyết định bổ nhiệm, nhưng quyết định phải có sự phê chuẩn của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước. Tất nhiên, việc phê chuẩn còn phải có sự chấp thuận từ Thủ tướng Chính phủ, thậm chí cao hơn (trong trường hợp đặc biệt, thông qua đề xuất của HĐTV PVN). Đây là vị trí lãnh đạo cao cấp có hàm tương đương một Tổng cục trưởng ở một bộ, ngành liên quan.

Tuy nhiên, trên thực tế thì vị trí CEO PVN có quyền lực hơn nhiều do quản lý trực tiếp 1 Tập đoàn kinh tế.

Về mặt Đảng, CEO PVN còn tham gia Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương và là Phó bí thư Đảng ủy PVN, vị trí có quyền lực thứ 2 ở PVN, chỉ sau Chủ tịch HĐTV.

Từ "khởi nguyên", các CEO PVN đều xuất thân, trưởng thành và có kinh nghiệm công tác ở lĩnh vực thăm dò và khai thác (EP).

Về quy trình tuyển chọn và bổ nhiệm, ứng viên sẽ là một trong số các Phó tổng giám đốc, hoặc có hàm tương đương đang trong tuổi bổ nhiệm (chưa đến tuổi nghỉ hưu tối thiểu 5 năm như Điều 14 của Quy định 105/QĐ/TW đang có hiệu lực).

Như vậy, ứng viên CEO PVN sẽ không nằm trong số Ủy viên HĐTV đều đã quá tuổi quy định, hoặc là các Phó tổng giám đốc PVN, nhưng quá tuổi quy định.

Xác định ứng viên từ các Phó Tổng Giám đốc PVN

Sau khi ông Nguyễn Sinh Khang (1) chuyển về làm Chủ tịch HĐQT PVGas; theo quyết định phân công nhiệm vụ Ban Tổng giám đốc PVN mới nhất, số 2167/ QĐ-DKVN đề ngày 30/11/2018 và Quyết định 1831/QĐ-DKVN đề ngày 08/10/2018, PVN hiện có 4 Phó TGĐ, gồm:

1. Ông Nguyễn Quốc Thập, sinh ngày 02/8/1960. Ông Thập, ngoài việc là quyền Tổng giám đốc, hiện đang phụ trách các nhóm lĩnh vực EP, gồm: phát triển mỏ, các hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC) trong và ngoài nước, các ban Tìm kiếm - Thăm dò, Khai thác, Hợp đồng; phụ trách các đơn vị: PVEP, VSP, Rusvietpetro, Gazpromviet, PQPOC, SWPOC, BDPOC; phụ trách các dự án Lô B, Cá Voi Xanh, Báo Vàng gồm cả trung và hạ nguồn liên quan đến dự án điện khí; các dự án thu gom vận chuyển khí, hệ thống đường ống khí.

Trong suốt sự nghiệp 34 năm gắn với ngành Dầu khí Việt Nam, ông Thập luôn hoàn thành xuất sắc các công việc được giao. Khi về làm Phó TGĐ PVN từ năm 2009, ông luôn được xem là một trong những lãnh đạo hiếm hoi có chuyên môn sâu rộng về EP, lĩnh luôn là trụ cột của PVN trong suốt quá trình hoạt động.

Nhưng hình như ông chỉ hợp và an phận với vị trí làm Phó, dù rằng ngay từ khi ông Phùng Đình Thực nghỉ giữa năm 2014, ông Nguyễn Xuân Sơn lên thay và ông Đỗ Văn Hậu về hưu trong cùng năm, ông đã luôn là ứng viên Tổng tổng giám đốc trong các lần bầu chọn sau đó. Nhưng rồi, ông cũng đã luôn là "chuyên gia về nhì". Đến nay, dù vai trò là quyền TGĐ, kinh nghiệm lão luyện, nhưng ông đã quá tuổi bổ nhiệm nên chính thức không còn là ứng viên nữa.

Tuy nhiên, ông Thập có thể được xem xét theo phương án một trên đây cho vị trí Phó tổng giám đốc phụ trách (Quyền Tổng giám đốc PVN) một thời gian, đến khi Tổng giám đốc mới được bổ nhiệm. Nếu phương án này được lựa chọn, hai ứng viên hàng đầu như đề cập dưới đây, sẽ là phương án cho hai vị trí hàng đầu của PVN trong tương lai gần.

2. Ông Đỗ Chí Thanh, sinh ngày 17/3/1968 - hiện đang phụ trách các nhóm lĩnh vực, gồm: văn phòng PVN, kế hoạch SXKD, chính sách tiền lương, đối ngoại, pháp chế, đấu thầu, thi đua, khen thưởng, xử lý khiếu nại, thanh tra, quản lý truyền thông, thương hiệu PVN, an sinh xã hội, từ thiện; phụ trách các ban: Văn phòng, Pháp chế - Thanh tra, Ban Điện; phụ trách các đơn vị: PVMTC, PVU, PVPower, Ban QLDA điện, Ban QLDA NSRP, Ban QLDA PVU, PVC và PVE.

Ông Thanh được tiếng là trẻ, năng động và cũng rất xuất sắc. Trước khi có Quyết định phân nhiệm Phó tổng giám đốc PVN, ông có quá trình 27 năm công tác, có đến 19 năm là chuyên trách về khối văn phòng, hành chính sự nghiệp và đối ngoại. Từ năm 2010 - 2014 ông làm Chủ tịch HĐTV PVPower trước khi về PVN làm Phó tổng giám đốc đến nay, chuyên trách về hành chính văn phòng, đào tạo và thi đua khen thưởng; pháp chế và thanh tra. Mới từ cuối năm ngoái, ngoài các lĩnh vực trên, ông được giao phụ trách thêm nhóm các Tổng công ty và thành viên hoạt động sản xuất kinh doanh: PVPower, Ban QLDA Điện, Ban QLDA NSRP, Ban QLDA PVU, PVC và PVE.

Tuy nhiên, ông Đỗ Chí Thanh có thể không tham gia là ứng viên CEO.

3. Ông Nguyễn Xuân Hòa, sinh ngày 1/7/1972. Ông Hòa đảm nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc từ ngày 1/12/2018. Ông có trách nhiệm hỗ trợ Tổng giám đốc về công tác quản lý và sử dụng vốn, thẩm định dự án và quản trị rủi ro; cân đối nguồn vốn và thu xếp vốn cho các dự an đầu tư của PVN; xây dựng kế hoạch SXKD của PVN và các đơn vị; hỗ trợ Tổng giám đốc về đổi mới, tái cấu trúc toàn tập đoàn; kiểm tra đôn đốc công tác kế toán, ứng dụng công nghệ thông tin của PVN và đơn vị, v.v... Ngoài ra, ông được ủy quyền phụ trách Ban Tài chính Kế toán và theo Quyết định số 659/QĐ-DKVN, ông được ủy quyền thực hiện phê duyệt, ký chứng từ chuyển tiền, thanh toán. Ông mới về PVN từ 1/12/2018 và xem như chưa có trong quy hoạch.

4. Ông Lê Mạnh Hùng, sinh ngày 24/10/1973. Ông Hùng hiện đang phụ trách các nhóm lĩnh vực, gồm: công nghiệp lọc hoá dầu, hóa chất, nhiên liệu sinh học; công nghiệp khí gồm các dự án điện khí (ngoài dự án ông Thập phụ trách), khoa học công nghệ, định mức kinh tế - kỹ thuật, QHSE toàn ngành; phụ trách các ban khí và chế biến dầu khí, ban CN-AT&MT; các đơn vị gồm: Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn, Ban QLDA Khí - Điện - Đạm Cà Mau, PVGas, BSR, PVCFC, PVFCCo, DMC, PVTex, VPI, NASOS.

Với năng lực vượt trội khi độ tuổi còn trẻ, ông được xem là ứng viên duy nhất trong Ban giám đốc hiện tại.

Về hai ứng viên "rút gọn"

Về cơ cấu tổ chức và hoạt động, Tổng giám đốc liên doanh Việt Nga Vietsovpetro (VSP) mang hàm tương đương Phó Tổng giám đốc PVN và vẫn là Ủy viên Đảng ủy PVN. Như vậy, đương nhiên ông Nguyễn Quỳnh Lâm cũng sẽ là ứng viên cho vị trí Tổng giám đốc. Để có cách tiếp cận sát thực nhất, tôi mượn các tiêu chí của chuyên gia John Maxwell về 5 cấp độ lãnh đạo doanh nghiệp, và quy trình quy hoạch, bổ nhiệm lãnh đạo của PVN khi đánh giá về các ứng viên. Theo đó, sẽ có 10 tiêu chí, tương ứng 10/10 điểm của hai ứng viên này:

1. Ông Lê Mạnh Hùng, sinh ngày 24/10/1973

1/ Trình độ chuyên môn: Thạc sỹ công nghệ, tiến sỹ hóa dầu.

2/ Lý luận chính trị: Cao cấp.

3/ Quản trị doanh nghiệp: Cao cấp.

4/ Kỹ năng thuyết trình, đàm phán và thương lượng, ngoại ngữ: Xuất sắc.

5/ Kinh nghiệm: 6 năm chuyên môn.

6/ Kinh nghiệm quản lý: 12 năm, gồm: 2 năm ở Văn phòng Chính phủ, 2 năm là Trưởng ban dự án Cụm Khí - điện - Đạm Cà Mau, 3 năm làm Tổng giám đốc Nhà máy Đạm Cà Mau; 5 năm là Phó TGĐ PVN.

7/ Phẩm chất lãnh đạo: Xuất sắc.

8/ Sức khỏe: tốt, chịu được áp lực công việc; sinh hoạt cá nhân: Chỉnh chu.

9/ Quan hệ với lãnh đạo PVN và đồng nghiệp: Thẳng thắn, đoàn kết, chân thành.

10/ Những phẩm chất cá nhân nổi bật: Có tầm nhìn cấp chiến lược và bản lĩnh của người đứng đầu; từ khả năng tổng hợp, cập nhật tình hình đến đánh giá rồi ra quyết định đều xuất sắc. Với bản tính điềm đạm, khiêm tốn, nhưng rất nhạy bén và quyết đoán trong xử lý công việc, dám chịu trách nhiệm.

Từ đầu năm 2014 đến nay, ông Hùng phụ trách các lĩnh vực Công nghiệp Lọc hóa dầu, với rất nhiều biến động về nhập nguyên liệu dầu thô và phụ gia đầu vào, ông đã chỉ đạo xử lý rất linh hoạt để đón đầu thị trường. Ở đó, không đơn thuần chỉ là quản lý, xúc tiến các hợp đồng mua nguyên liệu, lưu kho và vận chuyển, ông còn cho cân đối, đón đầu, kiểm soát giá nguyên liệu và rủi ro để tối đa hóa lợi nhuận cho Nhà máy lọc hóa dầu BSR dù giá dầu luôn chịu biến động thị trường. Đối với lĩnh vực khí và chế biến khí, là bảo đảm và gia tăng chuỗi cung ứng, khép kín về nhà máy xử lý khí kết hệ thống vận chuyển và tàng trữ, cảng xuất nhập. Ngoài ra, với các nhà máy đạm và hóa chất, là cân đối nguồn cung - cầu theo nhu cầu thực tế hàng năm của thị trường nội địa cũng như xuất nhập khẩu sản phẩm.

Còn nhớ khi làm Trưởng ban Khí - Điện - Đạm Cà Mau, ông đã rất quyết liệt, phối hợp nhịp nhàng với lãnh đạo địa phương cho giải quyết rốt ráo phương án đền bù thỏa đáng cho người dân, xử lý các nhà thầu xây lắp làm dối, thiết bị, công nghệ kém chất lượng, đưa cụm dự án đi vào hoạt động đúng tiến độ. Khi ông đến cũng như khi đi, lãnh đạo tỉnh Cà Mau rất quý mến.

Cuối năm 2018, khi đang phụ trách dự án Xơ sợi Đình Vũ, ông cũng đã xử lý rất nhanh các vướng mắc về kỹ thuật, cũng như tài chính để nhà máy đi vào hoạt động ổn định, làm lợi cho PVN hàng ngàn tỷ đồng.

Được biết, ngoài quá trình gắn bó với PVN, ông có 2 năm "biệt phái" ở Vụ Dầu khí, thuộc Văn phòng Chính phủ chuyên trách mảng dầu khí (2006/2007).

Từ những kinh nghiệm thực tế trải rộng trên các lĩnh vực ngành, từ PVN lên Chính phủ, xuống các địa phương, hành trang ông Hùng có xứng đáng là những phẩm chất nổi bật cho vị trí CEO? Ông đáp ứng đủ cả 10 tiêu chí, cả "hồng và chuyên" đối với lãnh đạo cao cấp để đảm nhiệm vị trí CEO PVN.

2. Ông Nguyễn Quỳnh Lâm, sinh ngày 30/03/1966

1/ Trình độ chuyên môn: Tiến sỹ địa chất dầu khí.

2/ Lý luận chính trị: Cao cấp.

3/ Quản trị doanh nghiệp: Cao cấp.

4/ Kỹ năng thuyết trình, đàm phán và thương lượng, ngoại ngữ: Xuất sắc.

5/ Kinh nghiệm: 8 năm chuyên môn.

6/ Kinh nghiệm quản lý: 20 năm, gồm: 8 năm từ cấp trưởng phòng lên Phó Tổng giám đốc PVEP; 2 năm là Trưởng ban khái thác PVN, 5 năm là Tổng giám đốc Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BDPOC), 2 năm là Tổng giám đốc Công ty Điều hành Dầu khí Phú Quốc; 3 năm là Phó Tổng giám đốc PVN.

7/ Phẩm chất lãnh đạo: Xuất sắc.

8/ Sức khỏe: tốt, chịu được áp lực công việc; sinh hoạt cá nhân: Chỉnh chu.

9/ Quan hệ với các lãnh đạo PVN và đồng nghiệp: Thẳng thắn, đoàn kết, chân thành.

10/ Những phẩm chất cá nhân nổi bật: Ông Nguyễn Quỳnh Lâm được đánh giá là người có viễn kiến và bản lĩnh của CEO từ khả năng tổng hợp, đánh giá đến ra quyết định. Ngoài bản tính khiêm tốn, nhưng rất quyết đoán trong xử lý công việc ông còn có khả năng thu phục nhân tài và tổ chức thực hiện ở doanh nghiệp có cơ cấu vốn lớn.

Hiện tại ở PVN, ông là một trong số ít lãnh đạo cao cấp có chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực thăm dò và khai thác. Trong suốt quá trình công tác, ông Lâm gắn liền với các vị trí quản lý khác nhau ở lĩnh vực thăm dò, khai thác vốn là xương sống, trụ cột của PVN suốt hơn 20 năm qua.

Những nơi ông đến và đi đều để lại những dấu ấn nổi bật về thúc đẩy phát triển mà điển hình là dự án mỏ Hải Thạch Mộc Tinh của BDPOC. Ở đó, trong giai đoạn phát triển mỏ vào lúc cao điểm, có đến gần 2.500 nhân công cả trong và ngoài nước, với hàng trăm vấn đề kỹ thuật và thương mại cần xử lý. Ông đã chủ động cho tháo gỡ, thúc đẩy và xử lý quyết liệt để dự án theo kịp tiến độ.

Những nơi ông Lâm quản lý và điều hành, ngoài việc thúc đẩy các đề án thăm dò, khai thác còn giúp phát triển chuỗi các công ty dịch vụ kỹ thuật mà điển hình là PVD, DMC, PTSC và Petrosetco. Ở ông, luôn toát lên khát vọng vươn ra biển lớn của "người đi tìm lửa" bằng các chiến dịch thăm dò và khai thác ở trên thềm lục địa Việt Nam.

Dù mới về liên doanh Vietsovpetro (VSP) gần 1 năm nay, ông đã tạo dấu ấn trong quản trị điều hành. Năm 2018, các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh đều vượt kế hoạch, công tác EP hoạt động trôi chảy. Về phát triển mỏ mới, dự án Cá Tầm vừa tổ chức đón dòng dầu đầu tiên ngày 8/3/2019.

Ngoài ra, VSP đang lập báo cáo khả thi, thiết kế tổng thể các dự án Kình Ngư Trắng, Thiên Nga và nâng cao hệ số thu hồi dầu (EOR) ở cụm mỏ Bạch Hổ.

Chưa kể, ngoài công tác điều hành chung, ông còn cho triển khai đề án tái cơ cấu khá hiệu quả, rộng khắp từ bộ máy điều hành xuống các đơn vị.

Kinh qua nhiều vị trí cao cấp trải rộng trên nền tảng EP, với những phẩm chất nổi bật, ông Lâm cũng đáp ứng đủ cả 10 tiêu chí, cả "hồng và chuyên" để đảm đương vị trí CEO PVN.

Tiêu chí phụ

Nếu chiếu theo truyền thống, ông Lâm gần như là "vô đối" khi có chuyên môn sâu và kinh nghiệm về lĩnh vực thăm dò và khai thác (EP). Cần thấy, những nơi ông Lâm đã đi qua, từ PVEP đến VSP là cơ cấu PVN thu nhỏ. Với PVN, ngoài vai trò chủ tịch HĐTV làm lãnh đạo, với vai trò điều hành, ông có đủ tự tin và uy phong để thi triển các nghị quyết của HĐTV cũng như điều hành các Tổng công ty, công ty thành viên và các liên doanh mà PVN có cổ phần hoặc góp vốn. Ngoài ra, về chuyên ngành, ưu tiên cốt lõi vẫn là EP, thì lựa chọn theo truyền thống sẽ không phá vỡ cấu trúc ngành lấy EP làm nền tảng.

Dù vậy, với ông Lâm, ở VSP cũng đang làm đề án tái cơ cấu với rất nhiều yêu cầu chuyên sâu về EP và không ai phù hợp hơn ông ở vị trí Tổng giám đốc VSP cả nhiệm kỳ.

Tuy nhiên, nếu nhìn ở thì hiện tại qua đề án tái cơ cấu thì bên cạnh EP, PVN đã xác định thêm các lĩnh vực "Khí, chế biến dầu khí và điện" là các trọng tâm cùng phát triển. Nhìn tổng quan có nghĩa là PVN sẽ thúc đẩy phát triển chuỗi "thăm dò - khai thác, khí và chế biến dầu khí". Ngoài ra, mục tiêu dài hạn của PVN là sẽ hướng tới mô hình Tập đoàn kinh tế chuyên biệt, đầu tư và quản trị tài chính và không can thiệp sâu vào hoạt động điều hành ở các thành viên hay các công ty điều hành chung (JOCs) nơi đã có Luật Dầu khí, các hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC) và các Ủy ban quản lý (MC), điều hành (OC) hay kỹ thuật (TC), giám sát.

Như vậy có nghĩa, PVN đang cần một CEO có kinh nghiệm về quản trị, điều hành chứ không hẵn cứ phải mặc định là có kinh nghiệm chuyên sâu về EP. Về mặt này, ông Hùng lại có vẻ nổi trội hơn khi có tầm bao quát rộng do đã từng có 2 năm ở Văn phòng Chính phủ.

Thay cho lời kết

Ngành Dầu khí Việt Nam, xuyên suốt quá trình 45 năm trưởng thành và phát triển, đã luôn là ngọn cờ đầu của cả nền kinh tế, góp phần vào việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, qua một giai đoạn 10 năm vận hạn từ năm 2009, qua chủ trương phát triển nóng, đầu tư dàn trải, ngoài ngành dẫn đến nhiều hệ lụy cho PVN đến tận hôm nay.

Hậu quả là suốt từ năm 2014 đến nay, các vị trí lãnh đạo PVN luôn biến động đã không chỉ tác động xấu đến tâm lý ngại đưa ra các quyết định quan trọng của Ban lãnh đạo PVN mà còn ảnh hưởng đến hoạt động ở các ban chuyên môn PVN và tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị thành viên. Tưởng cũng cần nhắc lại, dù nhiều thăng trầm, nhưng PVN như tên gọi, vẫn luôn đóng vai trò dẫn đầu về mức tổng nộp ngân sách nhà nước; hiện tại ở mức hơn 10% GDP. Với vị thế quan trọng như vậy, việc kiện toàn lãnh đạo cao cấp hàm CEO là nhu cầu cấp thiết để CEO nắm quyền điều hành ngay các hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như tham gia phê duyệt các đề án đầu tư, dự án phát triển mỏ.

Theo đó, HĐTV PVN, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước và Văn phòng Chính phủ nên rút ngắn quy trình để PVN sớm có Tổng giám đốc mới nhằm ổn định tình hình ngay.

Dù là ai, ông Lâm hay là ông Hùng, với những phẩm chất vượt trội, cũng đều rất xứng đáng để chấp nhiệm vị trí CEO của PVN. Họ dù đứng ở đâu trong sơ đồ PVN, vẫn sẽ là hai trong số những lãnh đạo xuất sắc nhất, cùng ông Trần Sỹ Thanh và ban lãnh đạo PVN, tiếp tục những kế hoạch còn dang dở, cũng như đề án tái cơ cấu để đưa PVN vận hành hiệu quả và chuyên nghiệp hơn nữa.

Chú thích:

(1) Có thể sẽ có điều chỉnh về phân công nhiệm vụ để một Phó tổng giám đốc kiêm phụ trách lĩnh vực của ông Khang trước khi bổ nhiệm thêm một Phó tổng giám đốc.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ai-se-la-tong-giam-doc-tap-doan-dau-khi-viet-nam-20190416173720313.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/