17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân vốn đầu tư công năm nay

Tỷ lệ giải ngân 4 tháng đầu năm đạt 16,36% kế hoạch được giao, tương đương cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, vẫn còn 17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân (0%) kế hoạch đầu tư vốn năm nay.

Theo báo cáo Chính phủ vừa gửi Quốc hội, về đầu tư công, đến ngày 25/4, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương vẫn chưa phân bổ chi tiết hơn 38.578 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ, dự án, bằng 7,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Vốn NSNN năm 2022 ước thanh toán đến 30/4 là gần 95.725, đạt 18,48% kế hoạch Thủ tướng  giao, xấp xỉ cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 18,65% kế hoạch Thủ tướng giao). Trong đó, gần 99% là vốn trong nước, còn lại là vốn nước ngoài.

Tỷ lệ giải ngân 4 tháng đầu năm đạt 16,36% kế hoạch được giao, tương đương cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, vẫn còn 17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân (0%) kế hoạch đầu tư vốn năm 2022 như Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam,  Liên minh Hợp tác xã Việt Nam,  Ban quản lý Làng văn hoá các dân tộc Việt Nam,...

Báo cáo cũng cho biết một số nguyên nhân chưa giải ngân. Cụ thể, đối với các dự án khởi công mới, sau khi được giao kế hoạch vốn, sẽ mất khoảng 6 tháng để hoàn thành các thủ tục (phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đến bước lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, lựa chọn nhà thầu xây lắp, cung cấp thiết bị cho hạng mục tương ứng với giá trị kế hoạch vốn được giao). Vì vậy, thông thường sẽ bắt đầu giải ngân từ quý II.

Đối với các dự án chuyển tiếp, đã được tạm ứng hợp đồng từ cuối năm 2021, đến nay các nhà thầu đang triển khai thi công, nhưng chưa đến kỳ thanh toán hợp đồng những tháng đầu năm 2022, nên chưa giải ngân.

Ngoài ra còn có một số dự án vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng nhất là công tác kiểm đếm đất để bồi thường, hỗ trợ cho người dân.

Ngày 2/5, Chính phủ đã thành lập 6 tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến ngày 30/4 chưa phân bổ hết kế hoạch vốn và có tỷ lệ giải ngân đến ngày 30/4 dưới mức trung bình của cả nước (18,48%).

Tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 được Chính phủ xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu. 

Loạt giải pháp gồm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng; điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án giải ngân tốt, còn thiếu vốn; cập nhật và điều chỉnh đơn giá xây dựng,...

 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/a--20225228475336.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/