|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

8/36 container hạt điều đã được kiểm soát

20:56 | 18/03/2022
Chia sẻ
Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch thường trực của Vinacas cho biết đến ngày 17/3 có 8/36 container điều đã được kiểm soát và giữ tại cảng, nhưng 28 container còn lại vẫn có rủi ro mất trắng.

Mới đây, Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) về việc tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp trong vụ lừa đảo 100 container hạt điều xuất sang Italy, trong đó có 36 container mất kiểm soát.

Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch thường trực của Vinacas cho biết đến ngày 17/3 có 8/36 container điều đã được kiểm soát và giữ tại cảng, nhưng 28 container còn lại vẫn có rủi ro mất trắng.

Đối với số container đã được kiểm soát, các doanh nghiệp mong muốn Cục Xuất nhập khẩu chỉ đạo Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại Italy, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ hỗ trợ giải quyết về mặt pháp lý giúp doanh nghiệp lấy được hàng.

Ông Nguyễn Đức Thanh, Tham tán thương mại tại Italy cho biết sau khi nhận phản ánh của doanh nghiệp, Thương vụ đã làm việc với hãng tàu COSCO và các cơ quan liên quan.

Thời điểm thương vụ đến thì có vài container hạt điều của Việt Nam cập cảng, người mua đã trả phí cảng và nộp bộ chứng từ gốc để nhận các container này. Tuy vậy để có thể điều phối hàng ngược trở lại Việt Nam hoặc bán cho khách hàng khác, hãng tàu yêu cầu doanh nghiệp Việt phải xuất trình được chứng từ gốc.

Còn 28/36 container hạt điều mất kiểm soát, doanh nghiệp cần chuẩn bị giấy tờ, thủ tục trước khi khởi kiện - Ảnh 1.

Còn 28/36 container hạt điều mất kiểm soát. (Ảnh minh họa: Bloomberg)

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã mất chứng từ gốc. Về phương án xử lý, đại diện doanh nghiệp đề xuất trong khi chờ hoàn thiện các thủ tục hồ sơ pháp lý khởi kiện doanh nghiệp mong muốn có sự hỗ trợ của cơ quan chức năng nhằm thúc đẩy cho doanh nghiệp được cược hàng với giá trị 100% (mỗi container hàng có giá trị 200.000 USD).

Cũng theo các doanh nghiệp, điều là thực phẩm, nếu thời gian lưu tại cảng kéo dài sẽ ảnh hưởng tới chất lượng nên doanh nghiệp đang xin các hãng tàu cho cược hàng. Tuy vậy, hãng tàu yêu cầu cược hàng với giá trị gấp đôi, thời gian trong vòng 6 năm. Đây là yêu cầu bất khả thi với doanh nghiệp.

Theo ông Đặng Hoàng Giang, Tổng thư ký Vinacas cho biết Bộ Công Thương đã hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam không giao bộ chứng từ gốc hoặc đòi lại được một số bộ chứng từ và chuyển ngược về Việt Nam.

Song vẫn xảy ra nhiều khúc mắc trong quá trình làm việc với hãng tàu. Do đó, Vinacas đề xuất Bộ Công Thương cùng Bộ Giao thông vận tải tổ chức một buổi làm việc trực tiếp để doanh nghiệp đối thoại với hãng tàu, tìm hướng giải quyết.

Sau ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết Bộ trưởng Bộ Công Thương đã gửi 4 công thư cho Bộ trưởng Bộ ngoại giao và Kinh tế của Italy, Bộ Kinh tế Tài chính, Đại sứ quán Việt Nam tại Italy và Đại sứ quán Italy tại Việt Nam đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

"Về mặt pháp lý chúng ta đã có thư của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Trên thực địa, các Tham tán tại Italy, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã vào cuộc theo đề nghị của hiệp hội, doanh nghiệp.

Tuy vậy, chúng ta hiện mới nghe và suy luận theo một chiều đây là hành vi lừa đảo. Song, yếu tố cấu thành hành vi lừa đảo chưa xuất hiện do doanh nghiệp bên phía Italy chưa lấy hàng, chứng từ họ cũng chưa nhận được nên không thể kiện được", ông Chinh nói.

Đối với những lô hàng đã giữ lại được thì theo thông lệ ở Italy cũng như các nước, sẽ giữ lại trong thời gian nhất định nếu không có người nhận hàng sẽ bị đưa vào diện hàng vô chủ và bán thanh lý trả tiền lưu kho, lưu bãi.

Do vậy, giai đoạn tiếp theo doanh nghiệp phải làm đủ thủ tục giấy tờ để hoàn thiện hồ sơ kiện. Chúng ta phải chứng minh được có dấu hiệu lừa đảo để Bộ Công an điều tra, thông qua Interpol xem khả năng bị lừa đảo ra sao.

Hoàng Anh