|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường chứng quyền (14 - 18/10): Thanh khoản sụt giảm, khối ngoại bất ngờ quay lại mua ròng

06:50 | 21/10/2019
Chia sẻ
Tuần giao dịch vừa qua, thị trường chứng quyền diễn biến kém sắc với nhiều mã giảm giá ở mức hai con số cùng thanh khoản sụt giảm. Trong bối cảnh đó, khối ngoại bất ngờ quay lại mua ròng dù giá trị không đáng kể.

KIS Việt Nam đưa thêm hai mã chứng quyền mới vào giao dịch

Trong tuần qua, CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam đưa thêm hai mã chứng quyền mới vào giao dịch trên sàn HOSE. Các chứng quyền này dựa trên hai mã chứng khoán cơ sở VJC của Vietjet Air và VNM của Vinamilk vào giao dịch. Khối lượng phát hành đối với mỗi chứng quyền là 5 triệu đơn vị với cùng tỉ lệ chuyển đổi 10:1.

Trong đó, chứng quyền VJC có kì hạn 5 tháng (đáo hạn ngày 26/2/2020) còn chứng quyền VNM có kì hạn 6 tháng (đáo hạn ngày 26/3/2020).

So với các đợt phát hành trước của KIS, tỉ lệ hoàn vốn yêu cầu của các chứng quyền trong đợt phát hành này đã có phần thấp hơn.

Cụ thể, chứng quyền VJC có giá phát hành 1.800 đồng/cq và giá thực hiện là 145.678 đồng. Theo đó, giá hòa vốn của chứng quyền này là 163.678 đồng, cao hơn 19,8% so với giá đóng cửa của cổ phiếu VJC tại thời điểm phát hành.

Đối với chứng quyền VNM, giá phát hành là 1.840 đồng/cq và giá thực hiện là 133.333 đồng. Theo đó, giá hòa vốn cho chứng quyền này là 151.733 đồng, cao hơn 16,6% so với thị giá cổ phiếu VNM tại thời điểm phát hành.

Trên thị trường, Chứng khoán KIS hiện là đơn vị phát hành nhiều chứng quyền nhất với 12 mã trên tổng số 22 mã đang giao dịch trên thị trường. Chứng quyền của KIS tập trung vào các cổ phiếu cơ sở gồm FPT, HPG, MWG, VIC, VHM, VRE, DPM, STB, NVL, MSN, VJC, VNM.

Nhiều chứng quyền giảm mạnh trong tuần qua

Về diễn biến thị trường, trong tuần 14 - 18/10 ghi nhận giao dịch tiêu cực tại nhiều mã chứng quyền do xu hướng ảm đạm của thị trường chứng khoán cơ sở. Cụ thể, toàn thị trường có 5 mã tăng giá trong khi có tới 17 mã giảm giá, tỉ lệ giảm bình quân là 10,62%.

Trong đó, chứng quyền CVRE1901 do Chứng khoán KIS phát hành dẫn đầu chiều giảm giá với tỉ lệ 47,14% xuống còn 370 đồng; hai chứng quyền còn lại "họ Vingroup" là CVIC1901 và CVHM1901 cũng giảm lần lượt 32,93% và 7,89% xuống còn mức giá lần lượt 550 đồng/cw và 3.500 đồng/cw.

Bên cạnh đó, một số mã khác cũng chứng kiến mức giảm hai con số như CHPG1906 (41,38%); CREE1901 (34,35%); CMSN1901 (27,38%); CFPT1904 (16,67%) và CMWG1906 (12,73%).

Đáng chú ý, hai chứng quyền dựa trên cổ phiếu HPG tiếp tục giảm xuống mức đáy mới. Trong đó, mã CHPG1902 giảm 16,67% xuống còn vỏn vẹn 100 đồng/cw, đây cũng là mức giá thấp kỉ lục tính đến thời điểm hiện tại. Chứng quyền CHPG1906 cũng giảm 41,38% xuống còn 170 đồng/cw.

cw

Diễn biến thị trường chứng quyền trong tuần 14 - 18/10. (Nguồn: ST tổng hợp)

Ở chiều ngược lại, sự tích cực được ghi nhận tại một số chứng quyền VNM, DPM, HPG và MBB. Trong đó, chứng quyền CVNM1901của Chứng khoán KIS hồi phục 16,36% lên 640 đồng/cw; chứng quyền VNM còn lại của CTCK này cũng tăng 4,04% lên 2.830 đồng/cw.

Ngoài ra, chứng quyền CFPT1903 của Chứng khoán SSI kết tuần với giá không thay đổi, ở mức 13.700 đồng/cw.

Giá trị giao dịch giảm mạnh, vốn hóa thị trường "bốc hơi" hơn 13 tỉ đồng

Trong tuần 14 - 18/10, thanh khoản thị trường chứng quyền giảm sút so với tuần trước đó với khối lượng giao dịch đạt 12,5 triệu đơn vị, tương ứng tỉ lệ giảm 5,4%. Với xu hướng tiêu cực do nhiều mã giảm mạnh, giá trị giao dịch thị trường cũng sụt giảm đến hơn 40% so với tuần trước, còn 23,78 tỉ đồng.

Trong đó, đáng chú ý chứng quyền CMWG1905 giảm tới 91,2% giá trị từ 4,85 tỉ đồng xuống còn 430 triệu đồng. Chứng quyền CMWG1906 cũng chứng kiến thanh khoản giảm 83,8% xuống còn 600 triệu đồng.

Mặt khác, một số chứng quyền vẫn ghi nhận thanh khoản tăng mạnh, đặc biệt mã CHPG1906 có khối lượng giao dịch tăng đột biến gấp hơn 9 lần lên 1,2 triệu đơn vị, giá trị giao dịch tăng tăng gấp 4 lần.

cw

Giá trị giao dịch chứng quyền giảm mạnh trong tuần 14 - 18/10. (Nguồn: ST tổng hợp)

Cùng với đó, xu hướng tiêu cực trong tuần qua khiến giá trị vốn hóa thị trường chứng quyền "bốc hơi" 13,36 tỉ đồng, tương ứng tỉ lệ giảm 6,2% xuống còn 202,34 tỉ đồng.

Các chứng quyền tác động nhiều nhất đến sự sụt giảm vốn hóa thị trường gồm CMBB1902 (2,1 tỉ đồng); CFPT1904 (1,5 tỉ đồng); CMWG1906 (1,2 tỉ đồng).

Khối ngoại bất ngờ quay lại mua ròng

Dấu ấn thị trường chứng quyền tuần qua được ghi nhận tại giao dịch của khối ngoại khi khối này bất ngờ quay lại mua ròng sau nhiều tuần bán ròng liên tiếp, mặc dù giá trị mua không đáng kể với chỉ 340 triệu đồng.

cw

Nhà đầu tư nước ngoài quay lại mua ròng chứng quyền trong tuần 14 - 18/10. (Nguồn: ST tổng hợp)

Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài bán ra 3,8 triệu đơn vị trong mua vào 4,7 triệu đơn vị, chiếm tới 37,6% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường.

Về giá trị giao dịch, khối ngoại mua vào 3,04 tỉ đồng và bán ra 2,71 tỉ đồng.

Cổ phiếu "nhóm chứng quyền" diễn biến phân hóa

Trên thị trường cơ sở, các cổ phiếu "nhóm chứng quyền" giao dịch phân hóa trong tuần 14 - 18/10 với ưu thế nghiêng về phía giảm giá, cụ thể thị trường ghi nhận 5 mã tăng giá và 9 mã giảm giá.

cw

Diễn biến nhóm cổ phiếu chứng quyền tuần 14 - 18/10. (Nguồn: ST tổng hợp)

Trong đó, cổ phiếu VNM tăng 3,5% lên 132.500 đồng/cp, đồng thời là một trong những mã góp phần nâng đỡ thị trường trong tuần qua. Cùng chiều tích cực, cổ phiếu DPM cũng hồi phục 3,5% sau thời gian dài giảm giá, kết tuần tại 14.950 đồng/cp.

Ở chiều ngược lại, hai mã NVL và REE chứng kiến mức giảm gần 3% xuống lần lượt 60.100 đồng/cp và 36.750 đồng/cp. Cổ phiếu "họ Vingroup" cũng trải qua tuần giao dịch kém sắc với VIC giảm 0,8%, hai mã VHM và VRE giảm lần lượt 1,6% và 1,4%.

Sơn Tùng