|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Động lực nào giúp Dow Jones phá mốc 40.000 điểm và liệu đà tăng có tiếp tục?

09:31 | 18/05/2024
Chia sẻ
Nhiều nhà đầu tư và chuyên gia phấn khích khi Dow Jones kết phiên trên mốc 40.000 điểm lần đầu tiên trong lịch sử.

 

Nhiều nhà đầu tư và chuyên gia phấn khích khi Dow Jones kết phiên trên mốc 40.000 điểm lần đầu tiên trong lịch sử. (Ảnh minh hoạ: Reuters).

May mắn cho cổ phiếu

Trong phiên giao dịch ngày 17/5, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã tăng 0,34% lên 40.004 điểm, lập kỷ lục mới và chính thức chốt phiên trên mốc 40.000 điểm. Trước đó một ngày, Dow Jones đã đạt mức cao nhất trong phiên là 40.051 điểm. 

Theo CNBC, việc Dow Jones kết phiên trên mốc 40.000 điểm có thể là một tin tức gây chú ý nhưng các chuyên gia thị trường không bận tâm mấy.

Vấn đề quan trọng hơn với các nhà phân tích là điều gì đang củng cố thị trường. Liệu doanh nghiệp có đạt được lợi nhuận bền vững hay không, chính sách tiền tệ và tài khoá đang hướng đến đâu và sức mạnh của nền kinh tế, đặc biệt là thị trường lao động, sẽ ra sao trong tương lai.

May mắn thay cho thị trường, hầu hết các biến số trên đều đang có vẻ tích cực và là động lực chính đằng sau cột mốc mới của Dow Jones.

Ông Ryan Detrick, chiến lược gia trưởng tại hãng đầu tư Carson Group, cho hay: “40.000 là một cột mốc quan trọng nhưng đến cuối ngày chẳng ai quan tâm 39.999 hay 40.0000”.

“Tuy nhiên, đây là lời nhắc nhờ tuyệt vời về chặng đường thị trường đã đi qua. Hãy nghĩ xem có bao nhiêu người đồn đoán về suy thoái kinh tế và thị trường gấu vào năm ngoái. Giờ chúng ta đang trở lại những đỉnh cao mới”, ông nói.

 

Quả thực, thị trường chứng khoán Mỹ đã chao đảo trong năm 2022, sau đó bước sang năm 2023 với gần như toàn bộ Phố Wall tin rằng suy thoái sẽ đổ bổ vào nền kinh tế, gây thêm áp lực cho giá cổ phiếu.

Song, cú sốc kinh tế mà nhiều chuyên gia cảnh báo chưa bao giờ xảy ra, bất chấp việc lợi nhuận của một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng và thị trường phải đối mặt với một vài trở ngại khác.

Cùng lúc đó, các gói chi tiêu tài khoá của chính phủ đã giúp bù đắp tác động của lãi suất cao. Sự bùng nổ của lĩnh vực công nghệ nhờ cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI) đã thổi làn gió mới vào thị trường.

Những yếu tố đó đã lấn át nỗi lo về hướng điều hành chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong bối cảnh lạm phát dai dẳng một cách bất ngờ.

Chia sẻ với CNBC, ông Ed Yardeni, người đứng đầu hãng tư vấn Yardeni Research, nhận xét: “Các nhà đầu tư đã quá mệt mỏi vì những suy nghĩ bi quan trong suốt năm 2022 và 2023”.

Một khi các nhà đầu tư phớt lờ những mối đe doạ đó, đường đi của thị trường sẽ trở nên bằng phẳng, dễ chịu hơn. Kể từ đầu năm 2024 đến giờ, Dow Jones đã tăng gần 6%. Nếu tính trong khoảng một năm qua, chỉ số này cũng đã đi lên hơn 19%.

Tương lai tích cực

Bà Liz Ann Sonders, chiến lược gia trưởng tại ngân hàng đầu tư Charles Schwab, cho rằng các yếu tố giúp kéo thị trường chứng khoán lên cao hơn rất đáng được cân nhắc.

Theo vị chuyên gia, trong bối cảnh kinh tế hiện tại, sự kết hợp giữa xu hướng thiểu phát và tốc độ tăng trưởng ở mức khá nhưng không quá nóng là một công thức tích cực cho giá cổ phiếu.

Chưa kể, tâm lý tiêu cực thực ra có thể mang lại lợi ích cho thị trường, đặc biệt nếu nó dẫn đến tình trạng quá bán (oversold).

Đà giảm trong tháng 4 đã mở đường cho đợt phục hồi vừa qua khi các nhà đầu tư cảm thấy thoải mái hơn nếu Fed giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn, trong khi tăng trưởng kinh tế và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đều ổn định.

Trong tháng đó, Dow Jones đã sụt 5% do thị trường trở nên bất ổn trước một Fed có khả năng sẽ trở nên diều hâu hơn khi lạm phát tỏ ra dai dẳng.

Nhà kinh tế học kiêm chiến lược gia Jim Paulsen - trước đây từng làm việc tại Wells Fargo - nhấn mạnh các yếu tố cơ bản của nền kinh tế Mỹ đang khá tốt.

 

Khả Nhân