|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long được giảm một năm tù

19:41 | 17/05/2024
Chia sẻ
Tòa phúc thẩm ghi nhận cựu bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nộp thêm một tỷ đồng, "xét công và tội" để giảm án từ 18 xuống 17 năm tù.

Bản án được TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên chiều 17/5 sau hai ngày xét xử. Tòa cho rằng cựu bộ trưởng Y tế biết rõ đề tài nghiên cứu kit test Covid-19 là của Nhà nước, song vẫn lợi dụng chức vụ quyền hạn, tác động lên nhiều cá nhân giúp Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á biến thành đề tài riêng. Từ đây, Việt Á hợp thức việc cấp phép, sản xuất và bán thương mại với giá cao gấp 4 lần, gây thiệt hại 1.200 tỷ đồng.

Toà đánh giá ông Nguyễn Thanh Long là "nhà khoa học uy tín", góp phần đào tạo 50 tiến sĩ y khoa cho đất nước, có nhiều đóng góp với ngành y tế và chống dịch. Tại phiên phúc thẩm, ông Long được gia đình nộp thêm một tỷ đồng khắc phục hậu quả chung của vụ án. Tòa do đó xét công và tội để giảm án cho cựu bộ trưởng.

Cựu bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long tới phiên phúc thẩm. (Ảnh: Ngọc Thành).

Ngoài ông Long, 5 bị cáo khác được tòa phúc thẩm chấp nhận kháng cáo, giảm 9-12 tháng tù, chuyển hình phạt tù sang án treo. Một người được miễn trách nhiệm hình sự là ông Trần Thanh Phong, cựu phó phòng Tài chính Kế toán, CDC tỉnh Bình Dương, cấp sơ thẩm phạt 2 năm tù (án treo).

Ông Phong là cấp dưới của ông Nguyễn Thành Danh (cựu giám đốc CDC tỉnh Bình Dương), người duy nhất đã được miễn trách nhiệm hình sự ngay tại phiên sơ thẩm. Tòa phúc thẩm đánh giá, giống ông Danh, bị cáo Phong không hưởng lợi từ Việt Á, có thành tích chống dịch.

Cả hai giai đoạn xét xử, ông Phong đều được VKS đề nghị miễn trách nhiệm hình sự và nhiều cán bộ y tế tỉnh này có đơn xin cho ông.

Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt và cấp phó Vũ Đình Hiệp là hai trong 5 bị cáo bị tòa phúc thẩm bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tòa vẫn đánh giá Việt là chủ mưu vụ án, chỉ đạo điều hành xuyên suốt công ty này, đồng thời thông đồng móc nối với tất cả bị cáo còn lại.

Dù Việt được ghi nhận tích cực chống dịch, hỗ trợ máy móc thiết bị y tế giúp các địa phương đẩy lùi Covid-19, song gây thiệt hại gây ra đặc biệt lớn tình nguyện dùng toàn bộ tài sản khắc phục hậu quả. Tất cả những điều này, về cơ bản, cấp sơ thẩm đã xem xét.

Mẹ Phan Quốc Việt không được trả lại 400 tỷ đồng trong 52 sổ tiết kiệm

Với các kháng cáo về dân sự liên quan 52 sổ tiết kiệm của mẹ Việt và hai sổ tiết kiệm 20 tỷ đồng của các con Việt, đang đề nghị tòa giải phong tỏa, HĐXX đánh giá, nguồn tiền do Việt phạm tội mà có.

Dù mẹ Việt cho rằng con trai trước đó vay tiền kinh doanh nay trả lại, xuất trình các vi bằng thể hiện việc bà đi vay tiền nhiều người để cho Việt vay. Song các vi bằng đều được xác lập đơn phương, không có chữ ký của người cho vay.

Nếu thực sự có việc bà vay tiền người khác cho con vay, sau đó Việt trả nợ thì đó cũng là giao dịch dân sự, không thuộc phạm vi xem xét của vụ án này, bản án nêu.

Bị cáo Phan Quốc Việt. (Ảnh: Ngọc Thành).

Với đề nghị của Công ty Việt Á, yêu cầu 79 đơn vị nợ tiền kit test trả nốt nợ cho Việt Á, tổng gần 800 tỷ đồng. HĐXX giải thích, tòa phúc thẩm chỉ giải quyết nội dung đã được tòa sơ thẩm ra phán quyết và có kháng cáo.

Bản án sơ thẩm đã trao quyền cho Việt Á khởi kiện dân sự trong vụ án khác để đòi nợ, do không thuộc phạm vi giải quyết của vụ án, Vì thế, cấp phúc thẩm cũng không có căn cứ xét kháng cáo này.

Với đề nghị của công ty Việt Á về việc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn với 21 tài khoản ngân hàng, liên quan các công ty thuộc "hệ sinh thái" Việt Á, tòa phúc thẩm cũng cho rằng cấp sơ thẩm không xem xét nên không có căn cứ chấp nhận.

Tuy nhiên, HĐXX cấp phúc thẩm kiến nghị cơ quan điều tra, trong quá trình xử lý làm rõ các tình tiết, nếu xét thấy 21 tài khoản ngân hàng này không liên quan đến hành vi phạm tội trong vụ án nào khác thì cần tiến hành giải phong tỏa, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn để giao lại cho Việt Á.

Trong hai ngày xét xử trước đó, các bị cáo hầu hết trình bày số tiền đã nộp thêm để khắc phục hậu quả, các thành tích cá nhân và gia đình để xét căn cứ giảm án. Không ai kêu oan.

Phan Quốc Việt xin được "hướng dẫn chống dịch thế nào mới đúng", để có phải đi tù cũng yên tâm. Cựu bộ trưởng Long trình bày ngắn gọn, nhận hết hành vi.

Nội dung được tranh luận nhiều nhất xoay quanh các số tiền liên quan. Việt Á giữ nguyên quan điểm yêu cầu 79 đơn vị nợ tiền kit test trả nốt nợ, tổng gần 800 tỷ đồng, dù HĐXX giải thích tòa phúc thẩm chỉ giải quyết nội dung đã được tòa sơ thẩm ra phán quyết và có kháng cáo.

Mẹ của Phan Quốc Việt cũng đề nghị được trả lại hơn 400 tỷ đồng trong 52 sổ tiết kiệm. Số tiền này được tòa sơ thẩm tuyên có nguồn gốc bất hợp pháp nên đang bị phong tỏa, kê biên, song theo bà đây là tiền tích cóp cùng 1.000 cây vàng của hồi môn, Việt vay mẹ để kinh doanh, sau đó chuyển trả.

Tương tự, về hai sổ tiết kiệm vợ chồng Việt lập cho con, đang bị phong tỏa, vợ Việt cũng xin cấp phúc thẩm cho lấy lại.

Với cả hai yêu cầu này, VKS đều đề nghị toà bác do nguồn tiền có được đều từ sai phạm vụ án.

Bị cáo Vũ Đình Hiệp, cựu phó tổng giám đốc Việt Á. (Ảnh: Ngọc Thành).

Trước đó, trong phiên sơ thẩm đầu năm nay, 38 bị cáo phần lớn là lãnh đạo, cán bộ của các bộ ngành, địa phương bị xét xử, song 27 người không kháng cáo, trong đó có cựu bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thắng (án sơ thẩm 5 năm); cựu giám đốc CDC tỉnh Bắc Giang Lâm Văn Tuấn, án sơ thẩm 5 năm...

Vụ án xảy ra từ năm 2020, thời điểm Covid-19 bùng phát mạnh. Biết chủ trương Chính phủ về nghiên cứu sinh phẩm phòng chống dịch, Việt tìm cách để Việt Á được thực hiện đề tài cùng Học viện Quân y. Việt sau đó biến sản phẩm nghiên cứu do Nhà nước sở hữu thành của Việt Á.

Việt hối lộ một số quan chức bộ ngành, địa phương, tổng 82 tỷ đồng, để Việt Á được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, hiệp thương kit test với giá 470.000 đồng (gấp 3 lần quy định).

Tính đến trước khi vụ án bị phát giác, Việt Á được nhà nước thanh toán gần 6 triệu kit test, tổng hơn 2.250 tỷ đồng. Từ đó, hơn 1.235 tỷ đồng chênh lệch giữa giá bán và giá sản xuất bị cơ quan điều tra xác định là "hưởng lợi bất chính".

Thanh Lam