Yếu tố nào để QR Pay có trở thành xu thế thanh toán của năm 2018?
Ngân hàng Việt Nam “nóng mình” với QR Pay
Hình ảnh mã QR, ô vuông với những ký tự chồng chéo không còn mới ở Việt Nam. Trên thực tế, mã QR đã xuất hiện ở Việt Nam từ 10 năm trước, dùng để quảng cáo trên bao bì, tạp chí sản phẩm. Người dùng có thể truy cập nhanh website, hoặc tải một phần thông tin đã được mã hóa.
Tuy nhiên, chỉ đến một năm trở lại đây, mã QR mới bắt đầu nở rộ và sản sinh vai trò thanh toán trong hoạt động của người tiêu dùng.
Hình ảnh minh họa mã QR. |
Có thể nói, sự phổ biến của chiếc điện thoại thông minh trong thời đại công nghệ đã mang lại “thời cơ vàng” cho mã QR thực hiện được vai trò thanh toán, khi mà trước đây vai trò này vẫn còn lu mờ ở Việt Nam.
Tính đến cuối tháng 10/2017, với mặt bằng dân số hơn 90 triệu người, tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng chiếm khoảng 74%. Lượng người sử dụng điện thoại thông minh tại Việt Nam đang ngày càng gia tăng mạnh mẽ. Theo báo cáo “hành vi người dùng điện thoại thông minh” của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, tỷ lệ người dùng điện thoại thông minh so với người dùng điện thoại phổ thông trong năm 2017 là 84%.
Tính đến thời điểm hiện tại có 12 ngân hàng như BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank, NCB, TPBank... tham gia vào triển khai áp dụng mã QR thông qua dịch vụ thanh toán bằng di động (Mobile banking).
Một số ngân hàng triển khai QR Pay trên ứng dụng Mobile Banking. |
BIDV Smart Banking, VCB-mobile b@nking, Agribank E Mobile Banking, Quick Pay… là các ứng dụng thanh toán bằng di động của một số ngân hàng, cho phép thực hiện chức năng thanh toán, thậm chí là chuyển khoản nhờ sử dụng mã QR.
Quy trình cơ bản của một giao dịch thanh toán bằng QR Pay
Người dùng chỉ mất vài phút để tạo ra một mã QR. Đăng nhập vào website tạo QR code trực tuyến, từ đó có thể mã hóa bất kỳ thông tin nào. Không mất thời gian, không mất chi phí, việc sở hữu một QR code khá đơn giản.
Ảnh màn hình tạo mã QR trực tuyến. |
Khi khách hàng quét mã QR, ứng dụng Mobile banking sẽ truyền thông tin về ngân hàng. Sau khi kiểm tra, hệ thống ngân hàng sẽ thực hiện lệnh chuyển tiền từ tài khoản của khách hàng sang tài khoản của doanh nghiệp. Ngân hàng sẽ thông báo giao dịch trả tiền tới doanh nghiệp. Đó là quy trình cơ bản của một giao dịch thanh toán bằng QR Pay.
Thanh toán bằng mã QR không yêu cầu khách hàng phải nhập thông tin cá nhân vào các thiết bị khác, nhờ đó tính bảo mật cao. Ngoài ra, việc sử dụng QR code giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp bán hàng và ngân hàng khi không mất các khoản đầu tư cho thiết bị POS.
Theo số liệu thống kê của CTCP Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPAY), hiện có 3.000 điểm chấp nhận thanh toán mã QR. Dự kiến đến cuối năm 2018, sẽ có 50.000 điểm chấp nhận thanh toán mã QR trong mọi lĩnh vực.
Gần đây nhất, Thống đốc NHNN đã đồng ý với chủ trương thành lập nhóm nghiên cứu ban hành quy định chung về mã QR cho quốc gia.
Thương mại điện tử tại Việt Nam cũng đang phát triển cùng với những chính sách đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ hứa hẹn sẽ khiến thanh toán trên thiết bị di động ngày một bùng nổ, tạo điều kiện cho QR Pay có thể trở thành một cách thức thanh toán phổ biến tại Việt Nam.
Sẽ tiếp cận hàng trăm triệu người dùng trên toàn thế giới, mã quét QR có là tương lai của thanh toán?
Mã QR (QR Code), viết tắt của Quick response code là dạng mã vạch hai chiều (2D). Chúng đại diện cho một siêu liên kết hoặc một đoạn văn bản, có thể được đọc bởi một máy đọc mã vạch hay điện thoại thông minh có chức năng chụp ảnh với ứng dụng chuyên biệt để quét mã vạch.
Các mã quét đã được sử dụng phổ biến ở Nhật vào năm 2002, khi truy cập Internet di động vẫn còn nghèo nàn. Nhật Bản dẫn đầu lĩnh vực này cho đến gần đây, khi việc sử dụng mã 2D ở Trung Quốc phủ sóng và mã QR được nhiều đối tượng yêu thích sử dụng, từ người ăn xin, người bán rau cho đến các cửa hàng to nhỏ.
Hình ảnh sử dụng QR code ở Trung Quốc. |
Theo The Economist, ở Mỹ và Châu Âu, Apple Pay và Android Pay đang phát triển mạnh, tuy nhiên ứng dụng này đòi hỏi công nghệ hỗ trợ thanh toán khá đắt đỏ.
Trước đây, QR Pay vẫn còn chưa được ưa chuộng ở Bắc Mỹ và Châu Âu, khi mới chỉ được sử dụng bởi Starbucks và Walmart.
Tuy nhiên, các mã QR có thể sớm phát triển vượt ra ngoài Đông Á khi ông lớn Apple đã phải thừa nhận và phản ứng lại với sự phổ biến của mã QR code.
Apple đã cập nhật mã QR trong ứng dụng camera trong iOS 11, phiên bản mới nhất của hệ điều hành di động. Giờ đây, điện thoại sẽ tự động nhận dạng mã QR mã hóa các liên kết web, vị trí bản đồ, thẻ liên hệ và các dữ liệu khác.
Sự nâng cấp miễn phí của Apple có nghĩa là mã quét QR sẽ tiếp cận hàng trăm triệu người dùng trên toàn thế giới.
Tuy vậy, vẫn có luồng ý kiến cho rằng sự gia tăng của thanh toán bằng mã QR không có nghĩa là nó là tương lai của thanh toán. Thế hệ thanh toán tiếp theo phải tập trung vào việc không nhìn thấy được, không ma sát và liên tục, được thông qua tiếng nói, liên hệ bằng mắt, nhận diện khuôn mặt, hành vi. Và nhiều người nhận định rằng, tương lai của thanh toán không nằm ở mã vạch cổ này.