|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu tôm sang Australia có thể vẫn gian nan

11:04 | 14/01/2017
Chia sẻ
Là một trong những nước nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam nhưng việc Australia dựng các rào cản thương mại mà mới đây là lệnh khẩn cấp cấm nhập khẩu tôm từ khu vực châu Á trong đó có Việt Nam, có thể khiến việc xuất khẩu tôm vào thị trường này trong thời gian tới gặp gian nan.
 

Thị trường tiềm năng

Theo thương vụ Việt Nam tại Australia, Việt Nam hiện là một trong 4 nhà cung cấp thủy hải sản lớn nhất cho thị trường Australia, chỉ sau Thái Lan, Trung Quốc và New Zealand. Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ chiếm hơn 11% thị phần trong tổng nhập khẩu của nước này.

Hàng năm, lượng tiêu thụ thủy sản tại Australia vào khoảng 1 triệu tấn/năm, trong đó tôm được tiêu thụ nhiều nhất lên tới 60.000 tấn. Tuy nhiên, với sản lượng thủy sản (bao gồm cả nuôi và khai thác) chỉ đạt khoảng 220.000 – 280.000 tấn/năm buộc Australia phải gia tăng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Bên cạnh đó, Australia có xu hướng gia tăng nhập khẩu sản phẩm thủy sản giá rẻ, chủ yếu là từ châu Á. Nhờ hoạt động nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm trở lại đây nên châu Á đang trở thành nguồn cung cấp thủy sản chủ yếu cho thế giới.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, Australia hiện chỉ nhập khẩu thủy sản từ 10 nước trên thế giới và đang có xu hướng thu hẹp thị trường chỉ tập trung nhập khẩu từ các thị trường chính. Đây là một trong những lợi thế rất lớn cho các nước cung cấp tôm hàng đầu cho Australia trong đó có Việt Nam.

xuat khau tom sang australia co the van gian nan
Chế biến tôm xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)

Đầu năm gặp khó

Thương vụ Việt Nam tại Australia mới đây cho hay, chính phủ Australia đã ban hành lệnh khẩn cấp cấm nhập khẩu tôm và thịt tôm chưa nấu chín kể từ ngày 9/1/2017 do phát hiện virus đốm trắng có trong tôm bán tại các cửa hàng và nghi ngờ đây là nguyên nhân của việc bùng phát dịch đốm trắng tại Queensland. Lệnh cấm nhập khẩu này có hiệu lực từ ngày 9/01/2016 và kéo dài 6 tháng.

Theo đó, tất cả những lô hàng đến Australia từ ngày 9/1/2017 trở đi sẽ được yêu cầu tái xuất hoặc tiêu hủy. Các lô hàng hiện đang làm thủ tục nhập khẩu vào Australia sẽ bị kiểm tra 100%.

Lệnh cấm sẽ được gỡ bỏ cho đến khi chính phủ Australia công nhận các rủi ro liên quan tới tôm nhập khẩu được giảm xuống mức thấp nhất.

Theo ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký VASEP cho biết: “Mặc dù không phải là thị trường nhập khẩu lớn nhưng Australia là thị trường tiềm năng cho con tôm Việt Nam, với kim ngạch trung bình thu về từ thị trường này mỗi năm là hơn hơn 50 triệu USD. Đây là thị trường đang tăng trưởng tốt và Việt Nam cũng muốn đẩy mạnh xuất khẩu tôm ổn định vào thị trường này.

Hiện nay, Việt Nam chỉ mới xuất khẩu được tôm đã luộc chín hoặc tôm chế biến sâu như tôm tẩm bột, gia vị sang Australia. Lệnh cấm của Australia sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu sản phẩm tôm tẩm bột, tẩm gia vị của Việt Nam.

Ông Hòe cũng cho rằng: “Chính phủ hai nước cần làm việc với nhau để chứng minh vấn đề kiểm soát chất lượng nhằm tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đã và đang sản xuất theo đơn hàng đã ký để đảm bảo không thiệt hại đối với doanh nghiệp. Đồng thời, phải tiến hành các hoạt động chứng minh khả năng kiểm soát bệnh đốm trắng để đàm phán rút ngắn thời gian cấm, phục hồi xuất khẩu. Bên cạnh đó chúng ta sẽ tập trung đàm phán thuyết phục nước bạn để gia tăng các mặt hàng thủy sản không bị cấm. VASEP đã liên hệ với Hiệp hội Nuôi tôm Australia để trao đổi thông tin và nắm bắt tình hình”.

Rào cản từ năm cũ

Trong năm 2016, thị trường lớn Australia đã gia tăng hệ thống cảnh báo và kiểm soát chất lượng đối với sản phẩm thủy sản trong đó đặc biệt là tôm nhập khẩu từ Việt Nam.

Cụ thể, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), nhận được thông báo của Australia về tần suất kiểm tra lô hàng thủy sản nhập khẩu vào Australia.

Theo đó, các loại thủy sản nhập khẩu vào Australia theo nhóm sản phẩm, bao gồm nhóm sản phẩm rủi ro và nhóm sản phẩm giám sát. Trong đó, nhóm sản phẩm rủi ro bao gồm cá ngừ, cá đã chế biến và ăn liền, thuỷ sản phối trộn… tỷ lệ kiểm tra ban đầu của nhóm này là 100% các lô hàng và sẽ giảm dần nếu có hơn 5 lô hàng liên tiếp đạt yêu cầu. Nếu có bất kỳ lô hàng nào không đạt yêu cầu thì sẽ quay lại tỷ lệ kiểm tra 100% như lúc đầu.

Đối với nhóm sản phẩm giám sát gồm cá ướp lạnh, đông lạnh, khô, ướp muối, cá hồi và sản phẩm dạng mắm từ cá đã sơ chế, bảo quản hoặc đóng hộp; nhòm cá và giáp xác có nguồn gốc nuôi trồng. Tần suất kiểm tra nhóm thuỷ sản này theo tỷ lệ kiểm tra ban đầu là 5%. Nếu có lô hàng vi phạm, tỷ lệ kiểm tra sẽ là 100%.

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017 của ngành thủy sản, ông Như Văn Cẩn - Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản cho biết, trong những năm tiếp theo, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp khó lường sẽ ảnh hưởng đến ngành thủy sản.

Ông Cẩn cũng cho biết, tôm nước lợ và cá tra là hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và hiện tiềm năng cho xuất khẩu còn lớn. Do đó, trong năm 2017 và những năm tiếp theo cần tập trung phát triển và thúc đẩy xuất khẩu 2 đối tượng này. Ngoài ra, tiếp tục phát triển các đối tượng thủy sản đặc sản có giá trị cao mang tính đặc trưng vùng miền.

Hồng Vũ