Xuất khẩu thủy sản khởi sắc nhưng không phải tất cả doanh nghiệp đều vui mừng
Theo thống kê 16 doanh nghiệp thủy sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, bao gồm cả “vua tôm” Minh Phú (đã hủy niêm yết từ năm 2015), có 13 doanh nghiệp có niên độ tài chính từ 01/01-31/12 hàng năm và 3 doanh nghiệp có niên độ 01/10-30/09 gồm AGF, FMC và HVG.
Trong đó, 13 doanh nghiệp có niên độ tài chính từ 01/01-31/12, tổng doanh thu thuần của các doanh nghiệp nửa đầu 2017 ở mức 12.491 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận ròng ghi nhận 382 tỷ đồng, tăng trưởng 7%.
Với 3 doanh nghiệp có niên độ tài chính (01/10-30/09), tổng doanh thu của 3 đơn vị đạt 15.411 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng, và lỗ ròng gần 91 tỷ đồng, giảm mạnh so với khoản lãi 99 tỷ đồng cùng kỳ năm 2016, nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của HVG.
Xuất khẩu thủy sản khởi sắc, nhiều doanh nghiệp “lên hương”
Từ đầu năm 2017, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo năm 2017 xuất khẩu thủy sản đạt 7,4 tỉ USD. Và thực tế, trong 6 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 3,6 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2016. Những thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam lớn nhất là Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Trong quý I/2017, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng nhẹ gần 5% chủ yếu nhờ các mặt hàng hải sản như cá ngừ, mực bạch tuộc và cá biển. Sang quý II với tốc độ tăng mạnh hơn nhờ đẩy mạnh xuất khẩu tất cả các mặt hàng chủ lực. Với mức tăng xuất khẩu trên 10% trong 3 tháng quý II, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong nửa đầu năm 2017 đạt 3,6 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng với ngành tôm, mặc dù giá tôm nguyên liệu tăng mạnh ảnh hưởng đến chi phí đầu vào songtrong 7 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu tôm sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tăng khá mạnh, tăng lần lượt 40%, 35% và 27,4% so với cùng kỳ năm ngoái, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu tôm có lợi nhuận.
Với tình hình xuất khẩu thủy sản khởi sắc, nhiều doanh nghiệp đã cải thiện kết quả kinh doanh nửa đầu 2017.
Cái tên đầu tiên phải kể đến là “Vua Tôm” Minh Phú (MPC). Trong 6 tháng đầu 2017, MPC mang về doanh thu 4.082,7 tỷ đồng, giảm 13%. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng lại tăng trưởng vượt trội, gấp 6 lần cùng kỳ đạt 127,8 tỷ đồng.
Xếp sau MPC về mức tăng trưởng lãi là CTCP Nam Việt (HOSE: ANV) với cuộc lội ngược dòng chuyển từ lỗ 107 tỷ đồng trong nửa đầu 2016 sang có lãi 52,5 tỷ đồng trong cùng kỳ 2017. Thành tích này một phần nhờ ANV đã thoái toàn bộ vốn tại CTCP Dap- Vinachem (DDV) và được hoàn nhập các khoản trích lập lỗ dự phòng trong các quý trước đó.
Bên cạnh đó, CTCP XNK Thủy sản Cửu Long An Giang (HOSE: ACL) và CTCP Chế Biến Thủy Sản & XNK Cà Mau (HOSE: CMX) cũng ghi nhận lãi ròng tăng lần lượt 30% và 81%, đạt 13,4 tỷ và 11,2 tỷ đồng.
Ở niên độ tài chính khác (01/10/2016-30/09/2017), CTCP Thực Phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) cũng đạt được kết quả khởi sắc trong 9 tháng với doanh thu tăng nhẹ 2% lên mức 1.358 tỷ đồng và lãi ròng đạt hơn 43,4 tỷ đồng, tăng trưởng 26% so với cùng kỳ. Theo FMC, 6 tháng đầu năm sản lượng tôm chế biến đạt 6.402 tấn (cùng kỳ năm 2016 là 5.409 tấn).
Trong tháng 8 qua, FMC đã đạt một số kết quả trong sản xuất kinh doanh nổi bật: sản lượng tôm chế biến đạt 1.855 tấn, là tháng có sản lượng chế biến cao nhất. Doanh số tiêu thụ chung đạt 15,4 triệu USD. Mảng nông sản cũng có tăng trưởng mạnh. Năm 2017, dự kiến doanh số tăng trên 40% so với năm 2016.
Trong đợt xem xét hành chánh lần thứ 12 (POR12) từ Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) cho vụ kiện tôm bán phá giá đang diễn ra, FMC là một trong hai bị đơn bắt buộc do DOC chọn. Bị đơn còn lại đã thương lượng với bên nguyên đơn rút lui. FMC trở thành bị đơn duy nhất đại diện cho hơn 30 doanh nghiệp tôm Việt Nam là bị đơn trong vụ kiện, giải trình sổ sách với DOC. Mức thuế của FMC cũng là mức thuế cho các bị đơn còn lại. Ở POR9, FMC cũng từng là bị đơn bắt buộc và với sổ sách hoàn chỉnh, qua ba lần phán quyết, mức thuế FMC đều bằng 0%. Lần này, theo tính toán sơ bộ của luật sư tư vấn, mức thuế FMC cũng sẽ rất thấp. Theo quy trình, cuối tháng 10 tới DOC sẽ thông báo mức thuế sơ bộ của POR12.
Tới thời điểm này FMC cơ bản thu hoạch xong vụ nuôi tôm I năm 2017. Đang cải tạo ao để thả tiếp vụ II, dự kiến diễn ra trong tháng 9 tới. Thống kê sơ bộ sản lượng thu hoạch vụ I đạt một ngàn tấn. Lợi nhuận mỗi tấn khoảng 50 triệu đồng, vượt gấp đôi kế hoạch đề ra.
Vẫn có những DN chưa hết 'vận rủi'
Mặc dù, thị trường xuất khẩu thủy sản có những chuyển biến tốt, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tận dụng để “lột xác” trong kết quả kinh doanh.
CTCP Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) là doanh nghiệp nổi bật nhất trong số doanh nghiệp báo giảm lãi trong nửa đầu năm. Cụ thể, mặc dù VHC ghi nhận doanh thu tăng 8% lên mức 3.970 tỷ đồng, nhưng lãi ròng lại giảm gần 26%, xuống mức 242 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến sự tụt giảm này là do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, trong khi tốc độ tăng giá bán của VHC chưa theo kịp thị trường. Hôm qua, trong cuộc họp với các chuyên viên phan tích, đại diện Vĩnh Hoàn cho biết giá nguyên liệu giảm trong tháng 7, 8 và chỉ mới tăng lại trong tháng 9 đem lại kết quả kinh doanh tốt hơn cho Vĩnh Hoàn trong quý III. (xem thêm)
Bên cạnh VHC, ASM cũng là doanh nghiệp có chung kịch bản khi doanh thu tăng gấp đôi đạt gần 984 tỷ đồng, nhưng lãi ròng lại giảm gần 35%, dừng ở mức 52 tỷ đồng.
Trong niên độ tài chính khác từ 01/10/2016 đến 30/09/2017, HVG là doanh nghiệp duy nhất thua lỗ và còn là “ông lớn” bết bát nhất trong số doanh nghiệp thủy sản.
Lũy kế 9 tháng niên độ tài chính 2016-2017, HVG đạt doanh thu thuần 12.276 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ. Trừ các chi phí, HVG lỗ ròng gần 138 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước có lãi hơn 63 tỷ đồng.
Nguyên nhân dẫn đến doanh thu sụt giảm của HVG một phần đến từ yếu tô bên ngoài do nông dân cắt giảm sản lượng nuôi trồng khiến nhu cầu tiêu thụ thức ăn thức ăn chăn nuôi giảm.
Tuy nhiên, “điểm tối” quan trọng khác đẩy HVG vào cảnh thua lỗ chính là gánh nặng chi phí tài chính, do hệ quả của việc sử dụng đòn bảy tài chính lớn, bên cạnh đó chi phí bán hàng và quản lý của HVG cũng ở mức cao.
Ngành thủy sản triển vọng nhưng vẫn còn nhiều thách thức
Với nhưng tín hiệu khởi sắc trong nửa đầu năm, VASEP dự báo tổng giá trị xuất khẩu thủy sản trong nửa cuối năm sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu của thị trường gia tăng cùng với sự điều chỉnh cơ cấu sản phẩm và thị trường tốt hơn. Theo đó, giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2017 có thể đạt 8 tỷ USD.
Tuy nhiên, khó khăn từ thị trường Mỹ đối với sản phẩm tôm và cá tra sẽ hạn chế phần nào mức tăng trong nửa cuối năm.
Theo nhận định của VASEP, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Hoa Kỳ khó có thể hồi phục trong những tháng cuối năm 2017, nhất là khi Chính Phủ Mỹ tăng hàng rào kỹ thuật, bảo hộ và thuế quan để bảo vệ sản xuất trong nước. Mặt khác, thuế chống bán phá giá tôm và cá tra nhập khẩu từ Việt Nam vào Hoa Kỳ vẫn còn khá cao cũng là điểm khó khi xuất khẩu vào Mỹ.
Theo CTCK HSC xuất khẩu sang Mỹ sụt giảm sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của các doanh nghiệp thủy sản, điển hình là VHC. Trong 3 tuần đầu của tháng 8, sản lượng xuất khẩu của Vĩnh Hoàn sang thị trường Mỹ chỉ còn 938 tấn, giảm 75% so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu đạt 3,13 triệu USD, giảm 68%.
Mặt khác với thị trường EU, sự cố truyền thông "xấu" về cá tra Việt ở một số nước trong khu vực có thể sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản sang thị trường này.
Một yếu tố khác cũng tiếp tục tác động đến doanh nghiệp thủy sản trong những tháng cuối năm là giá nguyên liệu đầu vào. Việc cạnh tranh với các thương lái bán hàng qua Trung Quốc khiến giá nguyên liệu đầu vào (tôm, cá tra..) ở mức khá cao, điều này làm ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT của VHC, từng cho biết Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất hiện nay của Việt Nam. Dù nhu cầu tiêu thụ cá tra ở thị trường này vẫn tiếp tục tăng cao, tuy nhiên các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp cần chủ động kiểm soát chất lượng cá tra xuất khẩu sang thị trường này, để nâng giá trị cá tra Việt Nam cũng như không còn tình trạng đóng cửa nhập khẩu cá tra bất thường như nhiều loại nông sản khác hiện nay.